5 tuổi, chưa kịp bước vào lớp 1 thì Cát Tường phát bệnh ung thư máu. Từ đó đến nay, người mà con gặp nhiều nhất là bác sĩ và những bệnh nhi cùng cảnh như con.
Gặp chúng tôi, chị Luyến nghẹn ngào tâm sự: “Nhà em mới chuyển qua bán cà phê được mấy năm cũng chỉ đủ sống, nợ nần vẫn còn đó mà nghe cái bệnh này tốn kém ghê lắm nên 2 vợ chồng đều sợ hãi. Nhưng con mình mà anh, còn nước thì còn tát, sao đành bỏ mặc con…”.
Bé Khưu Cát Tường (sinh năm 2013, ngụ tại phường 2, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) là con của anh Khưu Sơn Bình (sinh năm 1975) và chị Tô Kim Luyến (sinh năm 1981).
Đầu năm 2018, khi Cát Tường vừa tròn 5 tuổi thì bé có biểu hiện sốt cao kéo dài nhiều ngày. Ban đầu thấy con chỉ bị sốt và công việc cũng đang khó khăn nên gia đình ra tiệm thuốc mua hạ sốt cho Cát Tường uống. Nhưng dù được cho uống thuốc hạ sốt nhiều lần nhưng cơn sốt không hạ, kéo dài nhiều ngày khiến con gầy gò, xanh xao, nổi hạch ở nách và bẹn, bụng to lên…
Lúc này, chị Luyến mới hoảng hốt đưa con đi bệnh viện tỉnh khám. Ngay từ lần khám đầu tiên, các bác sĩ đã xác định tình hình của Cát Tường rất kém, yêu cầu chuyển tuyến lên bệnh viện Nhi đồng TPHCM. Đến bệnh viện, sau khi điều trị triệu chứng cho bé, khi con khỏe hơn đã được làm xét nghiệm tủy đồ và xác định bị bệnh bạch cầu lympho cấp (ung thư hệ tạo huyết).
7 tuổi, Cát Tường đã trải qua nhiều cơn thập tử nhất sinh
Gần 2 năm qua, chị Luyến xoay xở khắp nơi để có tiền điều trị cho con
Vậy là chị Luyến khăn gói lên TPHCM thuê phòng trọ gần bệnh viện để cùng con chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo. Để có đồng ra đồng vào, khi không phải canh con vào thuốc trong bệnh viện thì chị về phòng trọ nấu chè đem ra đầu hẻm bán, rồi làm tranh thêu…
Nhưng sức khỏe Cát Tường vốn yếu ớt nên cứ vào thuốc là con bị viêm phổi, phải chuyển qua Nhi đồng điều trị, hết bệnh lại về Ung bướu vào hóa chất, vào hóa chất lại viêm phổi… Chị Luyến phải theo chân con qua lại 2 bệnh viện không có thời gian ngơi nghỉ nên công việc làm thêm cũng không kiếm được bao nhiêu.
Khi vào hết đợt thuốc, Cát Tường khỏe mạnh không khác trẻ bình thường
Nhưng cứ đến kỳ vào hóa chất thì con lại bị hành hạ với đủ thứ bệnh, với hạch, với lở miệng, với viêm phổi...
Ở quê nhà, anh Bình một mình không duy trì được quán cà phê nên được vài tháng cũng bỏ nghề lên thành phố theo vợ con, hành nghề chạy xe ôm phụ vợ tiền thuê phòng trọ. Còn đứa con trai lớn (đang học lớp 8) phải gửi về nhà dì nuôi giúp.
Trầy trật vậy mà anh Bình – chị Luyến cũng đeo đuổi chữa trị cho bé Cát Tường hơn 1 năm nay với 6 toa thuốc. Chị Luyến bảo: “Bé đáp ứng thuốc tốt nhưng vì yếu quá nên bị nhiều bệnh khác, phải điều trị xen kẽ nên thời gian vào thuốc cũng chậm. Dù bé có bảo hiểm y tế nhưng các loại thuốc ngoài, thủ thuật dịch vụ thanh toán mỗi lần cũng cả chục triệu đồng. Sau hơn 1 năm chữa trị, nhà em kiệt quệ luôn vì 2 vợ chồng làm lắt nhắt có thu được bao nhiêu đâu”.
Cát Tường sức khỏe yếu nên cứ mỗi lần vào hóa chất lại bị men gan tăng cao, viêm phổi, phải chuyển qua Nhi đồng điều trị tích cực
Chỉ vào xấp hóa đơn mới, chị Luyến tâm sự: “Chỉ riêng tiền thuốc phải mua ngoài tháng này của con em là 9 triệu (tháng 2/2020). Mà mấy tháng nay bệnh tiểu đường của ba Cát Tường càng nặng, mắt mờ, huyết áp cao, cộng thêm bệnh đại tràng mãn tính lâu năm nên không còn chạy xe ôm được nữa, nhà em càng khó khăn hơn. Mấy đợt thuốc gần đây đều là xin của mạnh thường quân và vay mượn bên ngoài đắp vào”.
“Khi nào có tiền thì mua, không có thì ráng nhịn, chờ em kiếm được chỗ vay thì mua cho con. Mà mấy tháng gần đây men gan của con tăng cao quá, hành hạ con khổ sở suốt ngày đêm mà không có thuốc thì không đành lòng. Em chỉ lo là con đang đáp ứng thuốc tốt mà không điều trị đúng kỳ thì bị biến chứng khó lường cho con”, chị Luyến nghẹn ngào chia sẻ.
Xấp hóa đơn mua thuốc ngoài mấy tháng gần đây mà chị Luyến còn giữ
Còn cô bé Cát Tường lí lắc bên cạnh vẫn loay hoay với con gấu bông nhỏ hồn nhiên hỏi: “Hết đợt thuốc này con được về chưa mẹ? Khi nào con về con sẽ học thiệt giỏi để sau này làm bác sĩ!”.
Chị Luyến nghẹn ngào cầu xin: “Nó cứ mơ làm bác sĩ để sau này chữa bệnh cho mọi người như các bác ở bệnh viện này. Mà tới giờ ngoài phòng học ở bệnh viện ra, nó đã được đi học ngày nào đâu… Em chỉ cầu mong mọi người thương tình giúp đỡ cho con vào xong phác đồ 10 toa, hết bệnh để về đi học lại là mừng lắm rồi!”.
Trong chương trình thực hiện ước mơ, Cát Tường nằng nặc đòi được làm bác sĩ
Cứ khỏe là cô bé xuống phòng học dành cho trẻ ung thư để học với ước mơ khi về đi học sẽ theo kịp các bạn, để sau này lớn lên làm bác sĩ
Nhưng ước mơ giờ đây mong manh quá...
(Theo Dân trí)
https://dantri.com.vn/tam-long-nhan-ai/nguoi-me-cau-xin-moi-nguoi-cuu-con-gai-nho-ung-thu-mau-mo-lam-bac-si-20200319190131072.htm