Người nhà tự móc mảnh thủy tinh trong miệng, bé 8 tháng tuổi lâm nguy

Thanh Hải 04/03/2020 19:36

Bé gái 8 tháng tuổi phải nhập viện trong tình trạng đặc biệt nguy hiểm khi bị mảnh vỡ sắc lẹm của ống thuốc làm bằng thủy tinh nằm ở vị trí có thể cắt đứt các động mạch.

Đó là trường hợp bệnh nhi N.B.L. (8 tháng tuổi, ngụ tại tỉnh Bình Phước) vừa được tiếp nhận, can thiệp tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố. Qua khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía gia đình ghi nhận, ngày 2/3 trước khi phải chuyển đến bệnh viện cấp cứu, cháu bé đang chơi ở nhà. Cháu vô tình nhặt được mảnh vỡ của vỏ lọ thuốc làm bằng thủy tinh rồi cho vào miệng.

Người nhà móc mảnh thủy tinh trong miệng, bé 8 tháng tuổi lâm nguy - 1

 Mảnh thủy tinh sắc lẹm nằm ở vùng cổ của bệnh nhi

Sau khi ngậm mảnh vỡ thủy tinh, bé có biểu hiện ho, sặc. Lúc này người nhà thấy trẻ có biểu hiện bất thường nên chạy tới ứng cứu. Khi bé mở miệng, người nhà phát hiện mảnh thủy tinh nằm sâu trong khoang miệng của bé nên đưa tay móc để lấy dị vật. Tuy nhiên, nỗ lực móc dị vật trong miệng trẻ bất thành, mảnh thủy tinh bị đẩy vào sâu khiến bé bị chảy máu miệng, đau đớn.

Bệnh nhi nhanh chóng được đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố cấp cứu. Kết quả kiểm tra hình ảnh X-quang cho thấy, vùng họng của bệnh nhi có mảnh vỡ ống thủy tinh sắc lẹm nằm kẹt ngay gần ngã 3 hầu họng, nguy cơ dị vật tiếp tục trôi xuống sâu hơn đe dọa cắt đứt các mạch máu lớn hoặc gây nhiễm trùng trung thất, nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhi.

Ngay sau khi xác định vị trí dị vật, các bác sĩ đã thực hiện thủ thuật nội soi gắp dị vật cho bệnh nhi. Bằng các dụng cụ chuyên dụng, mảnh vỡ của lọ thủy tinh đã được bác sĩ gắp thành công ra ngoài, tránh cho cháu bé phải đối mặt với nguy cơ của một cuộc đại phẫu mở lồng ngực hoặc phải mở ổ bụng để lấy dị vật trong đường ruột. Sau nội soi, sức khỏe bệnh nhi đang nhanh chóng bình phục trong niềm vui của gia đình.

Người nhà móc mảnh thủy tinh trong miệng, bé 8 tháng tuổi lâm nguy - 2

Dị vật được bác sĩ nội soi gắp ra ngoài thành công tránh cho bệnh nhi phải đối mặt với cuộc đại phẫu

Qua trường hợp trên, bác sĩ Bạch Thanh Phương cảnh báo, nhóm trẻ dưới 3 tuổi thường đối mặt với những nguy hiểm do hóc sặc dị vật. Để đảm bảo an toàn khi cho trẻ chơi tại nhà phụ huynh phải đặc biệt lưu ý đến các giải pháp tránh nguy hiểm có thể xảy ra. Theo đó, trước khi cho trẻ chơi đồ chơi cha mẹ nên kiểm tra thật kỹ mọi thứ, chủ động loại bỏ những vật quá nhỏ trẻ có thể ngậm được vào miệng hoặc nhét vào các ngã tự nhiên trên cơ thể.

Phụ huynh phải thường xuyên để mắt đến con trẻ, tuyệt đối không được để trẻ ở nhà một mình với bất kỳ khoảng thời gian nào kể cả khi bé đang ngủ bởi chỉ cần 1 phút lơ là cũng có thể xảy ra nhiều rủi ro. Thay vì ngồi canh chừng con liên tục, cha mẹ có thể lắp thêm camera theo dõi với hình ảnh và âm thanh tốt để có thể quan sát bé, trong khi vẫn có thêm thời gian cho các sinh hoạt khác.

Trẻ em thường rất nghịch ngợm, thích khám phá sẽ đưa bất cứ thứ gì chúng nhặt được vào mồm, kể cả là những vật sắc nhọn bởi trẻ chưa ý thức được những nguy hiểm có thể xảy ra với bản thân. Cha mẹ hãy lưu ý để đồ đạc, hóa chất nguy hiểm ra khỏi tầm với của bé, để nhà luôn là nơi thân thiện, an toàn với trẻ.

Người nhà móc mảnh thủy tinh trong miệng, bé 8 tháng tuổi lâm nguy - 3

Sau can thiệp lấy dị vật, sức khỏe bệnh nhi đang bình phục tốt

Để kịp thời ứng phó với những tình huống khẩn cấp cần sơ cấp cứu tại chỗ mỗi phụ huynh cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về cấp cứu; lưu sẵn số điện thoại để dự phòng cho những tình huống khẩn cấp có thể xảy ra. Khi phát hiện hay nghi ngờ trẻ bị dị vật đường thở, tùy từng trường hợp cần có cách xử trí hợp lý. Người sơ cứu cần giữ bình tĩnh, tránh cố gắng móc dị vật ra khỏi miệng trẻ vì chưa chắc lấy ra được mà có khi đẩy vào sâu hơn. Hơn nữa, việc móc họng có thể dẫn đến nôn ói, trẻ hít sặc lại chất ói lại càng nguy hiểm hơn. 

Nếu trẻ vẫn tỉnh táo, hồng hào, không khó thở, vẫn khóc được nói được thì giữ nguyên tư thế ngồi, nhanh chóng mang đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra. Nếu trẻ có biểu hiện tím tái, khó thở nặng, ngưng thở, không khóc được, không nói được thì sau khi gọi xe cấp cứu, cần phải tiến hành thủ thuật can thiệp kịp thời trong thời gian đợi xe tới. Nhóm trẻ dưới 2 tuổi cần thực hiện phương pháp vỗ lưng ấn ngực, trẻ lớn có thể thực hiện phương pháp Heimlich.

(Theo Vân Sơn/Dân trí)

https://dantri.com.vn/suc-khoe/nguoi-nha-moc-manh-thuy-tinh-trong-mieng-be-8-thang-tuoi-lam-nguy-20200303231047768.htm

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Người nhà tự móc mảnh thủy tinh trong miệng, bé 8 tháng tuổi lâm nguy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO