PLBĐ - Người bị nhiễm Adenovirus sau khi khỏi bệnh sẽ có miễn dịch hiệu quả cao và kéo dài với tuýp mắc bệnh nhưng cũng không có nghĩa là có khả năng bảo vệ đối với các tuýp Adeno khác.
Tính đến sáng 3/10, Bệnh viện Nhi Trung ương còn khoảng 300 ca mắc virus Adeno đang điều trị. Hiện có hơn 40 ca nặng, nguy kịch; trong đó có 6 bệnh nhân thở máy, 2 ca ECMO (tim phổi ngoài lồng ngực); 2 ca lọc máu, 35 ca thở oxy.
Theo PGS. TS Trần Minh Điển- Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, không chỉ gia tăng số bệnh nhân mắc so với các năm trước, kèm theo đó là tỷ lệ nhập viện cao, trên 50% số ca phát hiện. Bệnh nhi nhiễm virus Adeno có triệu chứng sốt cao liên tục từ 3-4 ngày, kém đáp ứng thuốc hạ sốt. Những trẻ có bệnh lý suy giảm miễn dịch, bệnh nền có nguy cơ viêm phổi, suy hô hấp.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của BS. Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), phụ huynh không cần quá lo lắng về virus Adeno và nguy cơ trẻ nhiễm phải virus Adeno.
Virus Adeno là loại virus hợp bào gây bệnh về hô hấp ở người đặc biệt rất thường gặp ở trẻ nhỏ. Virus Adeno lây truyền qua đường hô hấp, giọt bắn, thời gian ủ bệnh khoảng 8 - 12 ngày. Khi nhiễm bệnh, bệnh nhân có thể gặp phải các triệu chứng như sốt cao, ho, khó thở, thở khò khè, rối loạn tiêu hóa...
Nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho rằng: "Không nên so sánh tỷ lệ bệnh nhân nhiễm virus Adeno với 2 năm trước do 2 năm trước bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên số trẻ bị mắc bệnh hô hấp tương đối ít. Nếu muốn biết bệnh hô hấp tăng đột biến hay không thì nên so sánh với năm có số ca bệnh đông nhất của bệnh hô hấp theo mùa.
Cũng theo bác sĩ Khanh, hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị virus Adeno, đa số bệnh nhân nhiễm bệnh đều có thể tự khỏi bệnh. Cách điều trị bệnh cũng giống như điều trị bệnh viêm hô hấp do virus gây ra. Chỉ nhập viện khi thực sự cần thiết để tránh xảy ra tình trạng bội nhiễm.
BS. Khanh khuyến cáo, những trẻ mắc các bệnh nền như tim bẩm sinh, bệnh não, bệnh phổi mạn tính, hệ miễn dịch yếu, nhiễm vi trùng đặc biệt là vi trùng kháng thuốc rất dễ trở nặng khi nhiễm bệnh. Phụ huynh cần đặc biệt chú ý tới nhóm trẻ này vì trẻ rất dễ mắc bệnh, khi nhiễm virus thì rất dễ trở nặng.
Nhiều thông tin cho rằng, người bị nhiễm virus Adeno sau khi khỏi bệnh sẽ không bị nhiễm lại, vậy quan điểm này có đúng hay không?
Theo BS. Mỹ Hạnh - CDC Đồng Tháp, virus Adeno có hơn 50 tuýp gây bệnh ở người trên nhiều vị trí cơ quan khác nhau trên cơ thể. Người bị nhiễm Adenovirus sau khi khỏi bệnh sẽ có miễn dịch hiệu quả cao và kéo dài với tuýp mắc bệnh nhưng cũng không có nghĩa là có khả năng bảo vệ đối với các tuýp Adeno khác.
Trên lâm sàng nếu chỉ dựa vào triệu chứng thì cũng không thể xác định tuýp đã mắc. Chính vì vậy mà bất kì ai khi tiếp xúc với người bệnh nhiễm Adenovirus cũng đều có khả năng nhiễm bệnh.
Để phòng bệnh do virus Adeno cũng như các bệnh truyền nhiễm khác chúng ta cần: Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, rèn luyện thể lực để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể chống lại vi-rút, nhất là đối với trẻ em và người lớn tuổi; giữ vệ sinh môi trường sạch sẽ, thoáng mát, không có khói, bụi, thuốc lá. Chú ý vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa tay bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn, vệ sinh mũi họng, không đưa tay lên mắt, mũi, miệng thường xuyên.
Hạn chế đến nơi công cộng, chỗ đông người khi đang có dịch bệnh xảy ra. Trong trường hợp ra ngoài, cần thiết phải mang khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn cho bản thân. Tiêm phòng vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch không chỉ riêng đối với trẻ nhỏ mà cho cả người lớn, nhất là phụ nữ trước mang thai, người lớn tuổi.