Khác với khung cảnh tấp nập, tắc đường tại Quốc lộ 31 do người dân chở vải đến điểm bán, năm nay là sự vắng vẻ, thưa thớt đáng buồn khi người dân mất mùa vào đúng năm vải được chất lượng tốt, mẫu mã đẹp.
Trong khoảng 30 năm trở lại đây, 2024 được đánh giá là năm vô cùng khó khăn, vất vả đối với người nông dân trồng vải trên địa bàn Lục Ngạn (Bắc Giang) khi sản lượng quả vải tươi toàn huyện ước đạt khoảng 50.000 tấn, giảm 50% so với năm 2023.
Nguyên nhân chủ yếu do sự biển đổi thời tiết thất thường năm nay không thuận lợi với sự sinh trưởng của cây dẫn đến tỉ lệ ra hoa, đậu quả ở mức thấp.
Với hơn 2ha trồng vải thiều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, gia đình ông Ngô Văn Hùng (Cầu Dền, Thanh Hải, Lục Ngạn) có thể đem về doanh thu khoảng 200 triệu đồng thì năm nay gần như mất trắng vì cây không đậu hoa, kết trái.
Tình trạng của nhà ông Hùng cũng là thực tế chung của Lục Ngạn năm nay, vải mất mùa, bà con nông dân thất thu, coi như thu lỗ lớn một năm công sức vất vả. Toàn huyện Lục Ngạn có 17.360ha đất trồng vải thiều, trong đó, gần 4.000ha trồng vải chín sớm và trên 13.000ha trồng vải chính vụ.
Tổng sản lượng quả vải thiều năm nay ước chỉ đạt 50.000 tấn, con số này giảm 48.500 tấn so với kế hoạch đề ra, sụt giảm khoảng 80 - 90% so với năm 2023.
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Giang, tính đến ngày 12/6/2024, tình hình tiêu thụ vải thiều của tỉnh Bắc Giang, tổng sản lượng tiêu thụ 57.601 tấn, riêng huyện Lục Ngạn tiêu thụ được 28.572 tấn vải các loại.
Tuy sản lượng giảm nhưng năm nay lại được đánh giá là năm có chất lượng quả vải tốt nhất với mẫu mã đẹp nhất trong những năm qua. Giá mua của vải thiều cũng ở mức cao, bình ổn giá từ đầu mùa, dao động từ 30.000 đồng/kg đến 50.000 đồng/kg tuỳ loại. Ở thời điểm đầu mùa, có lúc giá đã lên tới 60.000 - 80.000 đồng/kg, cao hơn so với mọi năm từ 15-20%.
Năm nay, tại Lục Ngạn còn ghi nhận tình trạng thương lái Trung Quốc tìm vào tận vườn để có thể thu gom được những mã vải đẹp với mức giá khá tốt, dao động từ 40.000 - 55.000 đồng/kg tuỳ loại, so với cùng kỳ năm 2023 chỉ khoảng 7.000 - 15.000 đồng/kg.
Để giảm thiểu tối đa thiệt hại, nâng giá trị bù lại sản lượng, nhiều hoạt động hỗ trợ bà con nông dân đã và đang được triển khai tại Lục Ngạn cũng như các vùng trồng vải khác tại Bắc Giang.
Chính quyền địa phương đã phối hợp với các cơ quan chức năng để kết nối bà con nông dân với các thương lái, doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ vải thiều. Tổ chức các hội chợ, festival vải thiều nhằm quảng bá sản phẩm, thu hút khách hàng và kích thích tiêu thụ...
Các hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh để quảng bá vải thiều Lục Ngạn và Bắc Giang ra thị trường trong nước và quốc tế thông qua các hội thảo, hội nghị được tổ chức để kết nối bà con nông dân với các nhà nhập khẩu, nhà phân phối ở các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU,...
Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ trên, các cấp chính quyền và các ngành chức năng cũng đang tập trung nghiên cứu giải pháp lâu dài để giúp ngành vải thiều phát triển bền vững, giảm thiểu rủi ro do biến đổi khí hậu và giá cả thị trường.