Người phụ nữ bị thủng túi thừa đại tràng có dấu hiệu đau bụng vùng hạ vị kéo dài hơn 7 tháng nay, sờ thấy cục u ở vùng bụng dưới bên trái. Đã đi khám nhiều nơi nhưng không được chẩn đoán đúng bệnh.
Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cho biết đã phẫu thuật cắt đoạn đại tràng sigma bị thủng, giải quyết triệt để căn bệnh cho người phụ nữ sau gần một năm phải đối phó với căn bệnh hiếm gặp.
Bệnh nhân là bà H. T. L (42 tuổi, Long An) bị đau bụng vùng hạ vị kéo dài hơn 7 tháng nay, sờ thấy cục u ở vùng bụng dưới bên trái. Mặc dù chị L đã đi khám nhiều nơi nhưng không được chẩn đoán đúng bệnh, chỉ dùng thuốc điều trị nhưng không thuyên giảm. Sau đó, bà đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á thăm khám.
Tại Khoa Ngoại tổng quát, các bác sĩ thăm khám sờ thấy khối sưng đau vùng hố chậu trái kích thước 4cm. Chụp CT - scanner phát hiện áp xe thành bụng, nội soi đại tràng ghi nhận sẹo loét trực tràng. Người bệnh được chẩn đoán thủng túi thừa đại tràng sigma rò ra ngoài thành bụng kết hợp rò trực tràng - âm đạo, đây được đánh giá là trường hợp hiếm gặp.
Đáng chú ý ở trường hợp bệnh nhân này là các biểu hiện lâm sàng không điển hình nên các bác sĩ rất dễ bỏ sót bệnh, dẫn đến chẩn đoán khó khăn. Vì lẽ đó mà trong vòng gần một năm nay, mặc dù người bệnh đã thăm khám nhiều nơi, nhưng vẫn không giải quyết hiệu quả bệnh.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã lên chương trình phẫu thuật nội soi cắt đại tràng sigma-trực tràng cho người bệnh.
Sau phẫu thuật, người bệnh hết đau bụng, trở lại ăn uống, sinh hoạt bình thường và được xuất viện sau 7 ngày điều trị.
Đại tràng (hay ruột già) là bộ phận nằm ở phần cuối cùng của hệ tiêu hóa với chiều dài từ 1.5 - 1.8m. Chức năng của đại tràng là tái hấp thụ nước, vitamin và biến những gì còn lại của thức ăn thành phân và đẩy phân ra ngoài qua lỗ hậu môn.
Khi chúng ta ăn thiếu chất xơ, phân sẽ bị khô cứng và khó đẩy ra ngoài. Vì thế đại tràng phải thực hiện co thắt nhiều hơn để gia tăng áp lực nhằm tống phân ra ngoài. Tình trạng này làm tăng áp lực đại tràng, lớp niêm mạc ở vách đại tràng có thể sẽ bị đẩy ra ngoài qua vách ruột. Từ đó hình thành lên các túi nhỏ gọi là túi thừa đại tràng với kích thước từ 1 - 2cm hoặc hơn.
Túi thừa đại tràng thường nhô lên quanh thành niêm mạc và xuất hiện ở nhiều vị trí của đại tràng, nhưng chủ yếu là ở đại tràng sigma.
Bình thường, túi thừa đại tràng không gây nguy hiểm cho người bệnh nhưng tình trạng này vẫn có thể gây nên rất nhiều rủi ro cho sức khỏe như:
- Viêm túi thừa: Ở trạng thái bình thường, người có túi thừa đại tràng sẽ không có triệu chứng lâm sàng. Tuy nhiên khi bị viêm, người bệnh sẽ có dấu hiệu như: Đau vùng bụng bên trái, chướng bụng, đầy hơi, xuất hiện phân lỏng hoặc táo bón, chảy máu trực tràng, sốt, chán ăn và buồn nôn...
- Xuất huyết: Khi tình trạng viêm bị nặng hơn thì sẽ khiến các mạch máu ở túi thừa bị vỡ. Biểu hiện là người bệnh bị đi ngoài ra máu.
- Thủng túi thừa đại tràng: Thủng túi thừa là biến chứng hiếm gặp nhưng đặc biệt nguy hiểm vì có thể gây viêm nhiễm ổ bụng. Để điều trị biến chứng này, người bệnh cần được nhanh chóng tiến hành phẫu thuật.
- Bổ sung thực phẩm có nhiều chất xơ: Bạn cần tăng cường ăn thêm rau xanh và trái cây để bổ sung chất xơ cho cơ thể. Như vậy, hệ tiêu hóa và đại tràng hoạt động tốt hơn.
- Bổ sung thực phẩm dinh dưỡng: Ngoài chất xơ, chúng ta cần bổ sung đầy đủ các chất khác như chất đạm, chất béo lành tính, protein.
- Sử dụng thực phẩm tươi: Bạn nên dùng thực phẩm tươi thay vì các loại thức ăn chế biến sẵn. Cần chú ý đến nguồn gốc của thực phẩm để đảm bảo lựa chọn thực phẩm an toàn cho sức khỏe hệ tiêu hóa.
- Uống nhiều nước: Điều này rất quan trọng để phòng ngừa các bệnh có liên quan đến đường tiêu hóa.
- Thực hiện lối sống lành mạnh: Song song với các giải pháp ở trên, bạn cũng cần thực hiện hiện lối sống lành mạnh như: Thường xuyên tập thể dục; không sử dụng rượu bia, thuốc lá, khám sức khỏe định kỳ 1 - 2 lần/năm.