Người phụ nữ bị ung thư cổ tử cung cho biết suốt 3 tháng âm đạo có tiết dịch vàng nhưng chủ quan. Cho đến khi đau bụng, rong kinh kéo dài mới đi khám thì phát hiện ung thư.
Ra nước dịch vàng âm đạo suốt 3 tháng và rong kinh kéo dài 20 ngày, người phụ nữ 52 tuổi cùng chồng bắt xe từ Cà Mau lên Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á thăm khám thì được phát hiện ung thư cổ tử cung. Người bệnh được các bác sĩ Khoa Sản Phụ khoa và Khoa Ung Bướu phối hợp phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn tử cung, nạo hạch chậu hai bên.
Chị N.T.H (52 tuổi, Cà Mau) nhập viện trong tình trạng đau bụng, ra máu âm đạo nhiều. Chị H. cho biết, 3 tháng gần đây chị phát hiện âm đạo có tiết dịch vàng nhiều. Nghĩ đó là những triệu chứng đơn giản có thể tự hết nên chị không đi thăm khám. Cho đến khi bị rong kinh kéo dài suốt 20 ngày, chị đã cùng chồng tìm đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á để khám điều trị.
Tại Khoa Sản Phụ khoa, người bệnh được chỉ định siêu âm tử cung buồng trứng phát hiện tổn thương vùng cổ tử cung, có khối u ở cổ tử cung và ứ dịch lòng tử cung. Sau đó, các bác sĩ đã nạo và sinh thiết cổ tử cung phát hiện ung thư cổ tử cung giai đoạn bệnh lý IB2, Carcinôm tuyến nội mạc tử cung, biệt hóa rõ.
Sau khi hội chẩn liên chuyên khoa, thống nhất phối hợp giữa Khoa Sản và Khoa Ung Bướu tiến hành phẫu thuật mở bụng cắt bỏ tử cung hoàn toàn cả khối, nạo hạch chậu hai bên để ngăn khối u xâm lấn, tiến triển.
BS. CKII. Nguyễn Minh Hùng - Trưởng Khoa Ung Bướu của bệnh viện cho biết: "Trong quá trình phẫu thuật, chúng tôi nhận thấy khối u bướu nằm ngay cổ tử cung với kích thước 3,5cm, mô mủn bở, có hiện tượng hoại tử bên trong. Khối bướu dính vào các mô xung quanh nên ekip đã cố gắng lấy trọn bướu và đảm bảo không còn mô xâm lấn. Đồng thời, ekip cũng nạo vét toàn bộ mô bướu, nạo vét hạch vùng chậu tận gốc, sau đó gửi giải phẫu bệnh lý để tiến hành xạ trị bổ trợ."
Hiện tại bệnh nhân khỏe, hết tình trạng ra huyết, ăn uống và sinh hoạt bình thường. Theo kế hoạch, người bệnh sẽ được xạ trị bổ trợ sau phẫu thuật để loại bỏ bất kỳ tế bào ung thư nào còn sót lại nhằm ngăn ngừa ung thưtái phát.
Theo BS.CKI. Huỳnh Thị Đào - Trưởng Khoa Sản Phụ khoa cho biết trường hợp trên: "Nếu không kịp thời phát hiện và cắt bỏ khối u, khả năng cao khối u xâm lấn và di căn tới các bộ phận khác của cơ thể.
Đối với trường hợp này, bệnh nhân đã qua độ tuổi sinh sản nên việc lựa chọn cắt toàn bộ tử cung là lựa chọn điều trị tốt nhất để triệt căn khối u. Đa số trường hợp ung thư cổ tử cung đều phát hiện muộn do người bệnh không thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ."
Qua trường hợp này, bác sĩ Đào cũng khuyến cáo các chị em phụ nữ cần nên quan tâm đến việc thăm khám sức khỏe định kỳ cũng như sức khoẻ sinh sản. Đặc biệt, với phụ nữ đã lập gia đình, có quan hệ tình dục, các chuyên gia cũng khuyên nên chủ động tầm soát ung thư cổ tử cung. Tầm soát bệnh lý ung thư cổ tử cung sẽ giúp chị em phụ nữ có cơ hội được phát hiện sớm những bất thường, và điều trị kịp thời, tăng tỷ lệ thành công cũng như tiết kiệm chi phí, bảo tồn sức khoẻ và cơ hội sống cho người bệnh.
Đồng thời, ung thư cổ tử cung tuy là bệnh lý phổ biến, nguy cơ tử vong cao nhưng rất may mắn đã có vắc xin phòng bệnh. Các phụ huynh nên đưa trẻ gái đi tiêm chủng vắc xin phòng ung thư cổ tử cung khi đủ 9 tuổi để có cơ hội phòng ngừa ung thư cổ tử cung và các bệnh lý liên quan đến virus HPV ngay từ sớm, giúp bảo vệ sức khoẻ cũng như tương lai của trẻ.