Bệnh nhân có tiền sử sỏi túi mật nhiều năm, điều trị viêm túi mật nhiều lần và có chỉ định cắt túi mật nhưng chưa thực hiện.
Vừa qua, các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê - Phú Thọ cho biết đã thực hiện thành công ca phẫu thuật nội soi cắt túi mật cho bệnh nhân nữ 54 tuổi, trú tại xã Minh Tân (Cẩm Khê, Phú Thọ).
Túi mật được lấy ra có chứa hàng trăm viên sỏi lớn nhỏ màu vàng óng. Được biết, đây là ca phẫu thuật có số lượng sỏi túi mật nhiều nhất được thực hiện tại Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê.
Theo Bác sĩ Hà Quốc Toản - Khoa Ngoại tổng hợp: Bệnh nhân có tiền sử sỏi túi mật nhiều năm, điều trị viêm túi mật nhiều lần và có chỉ định cắt túi mật. Tuy nhiên bệnh nhân chưa sắp xếp được thời gian để phẫu thuật.
5 ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân bị sốt nóng, đau tức vùng hạ sườn phải nên nhập viện điều trị.
Sau khi được các Bác sĩ giải thích phải tiến hành phẫu thuật cắt túi mật để loại bỏ nguyên nhân gây viêm, bệnh nhân đồng ý thực hiện phẫu thuật. Sáng ngày 18/10, ca phẫu thuật được thực hiện thành công, sau 7 ngày điều trị bệnh nhân tiến triển tốt và được ra viện.
Sỏi túi mật là các tinh thể rắn hình thành từ việc lắng đọng và tích tụ của chất lỏng tiêu hóa trong túi mật. Sỏi mật có thể khác nhau về kích thước và chủ yếu được tạo thành từ cholesterol, bilirubin (một sản phẩm thải) và các thành phần khác của mật.
Có hai loại sỏi mật chính đó là:
Sỏi cholesterol: Đây là loại phổ biến nhất, chủ yếu được tạo thành từ cholesterol cứng. Chúng có thể hình thành khi có quá nhiều cholesterol hoặc các chất khác trong mật, hoặc khi túi mật không rỗng hiệu quả.
Sỏi bilirubin: Những sỏi này nhỏ hơn và đậm màu hơn, hình thành khi có dư thừa bilirubin trong mật.
Sỏi mật có thể không gây triệu chứng, tuy nhiên nếu một viên sỏi chặn ống mật, nó có thể dẫn đến đau dữ dội ở phần trên bên phải của bụng, buồn nôn, nôn mửa, và đôi khi là các biến chứng nghiêm trọng hơn như viêm túi mật (viêm túi mật) hoặc viêm tụy.
Sỏi túi mật nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng đáng lo ngại như;
- Viêm túi mật: Sỏi mật mắc kẹt ở cổ túi mật có thể gây viêm túi mật, xuất hiện với những cơn đau dữ dội kèm sốt.
- Tắc nghẽn ống mật chủ: Sỏi mật có thể làm tắc nghẽn con đường vận chuyển dịch mật từ túi mật đến ruột non, gây vàng da, đau bụng, thậm chí dẫn đến nhiễm trùng ống mật.
- Tắc nghẽn ống tụy: Ống tụy vận chuyển dịch tụy hỗ trợ tiêu hóa, có thể bị tắc nghẽn do sỏi mật, dẫn đến viêm tụy, gây đau bụng dữ dội. Trong trường hợp này, người bệnh buộc phải nhập viện thường xuyên để theo dõi và điều trị.
- Ung thư túi mật: Những trường hợp có tiền sử mắc sỏi mật sẽ đối mặt với nguy cơ ung thư túi mật cao hơn.
Theo các chuyên gia y tê, một chế độ ăn uống lành mạnh và tập luyện thể dục thể thao đều đặn sẽ giúp phòng ngừa hiệu quả bệnh sỏi túi mật. Cụ thể như sau:
- Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, chẳng hạn như: Trái cây, rau xanh, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt (gạo lứt, yến mạch…).
- Hạn chế ăn thực phẩm nhiều đường và carbohydrate tinh chế.
- Ăn thực phẩm giàu chất béo lành mạnh, chẳng hạn như dầu cá, dầu ô liu, để hỗ trợ túi mật co bóp ổn định.
- Tránh ăn các loại thực phẩm có chứa chất béo không lành mạnh, chẳng hạn như đồ chiên rán, món tráng miệng…