Sau khi uống nhầm hạt mã tiền để chữa viêm dạ dày, người phụ nữ 67 tuổi ở Thanh Hóa ngừng thở, ngừng tim, tổn thương não nghiêm trọng phải nhập viện cấp cứu.
Mới đây, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) vừa tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân nữ (67 tuổi, ở Thanh Hóa) nhập viện trong tình trạng nguy kịch sau khi uống một loại bột chế từ hạt mã tiền để chữa viêm dạ dày.
Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, bà này có tiền sử viêm dạ dày và đã tự xin thuốc bột từ một xưởng chế biến trong thôn. Loại bột này được cho là bào chế từ hạt sang vốn được dân gian sử dụng để điều trị các bệnh về dạ dày và đại tràng.
Sau khi bệnh nhân uống hai thìa bột đã xuất hiện các triệu chứng co giật toàn thân, ngừng thở và bất tỉnh khi đang ăn cơm. Dù được cấp cứu khẩn cấp tại cơ sở y tế gần nhà và có tuần hoàn trở lại, bệnh nhân vẫn bị nhiều cơn co giật, được chuyển từ bệnh viện tuyến tỉnh lên Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê.
Tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), kết quả xét nghiệm nước tiểu phát hiện chất strychnin. Chất độc này cũng được tìm thấy trong gói bột người bệnh sử dụng. Kết quả chụp MRI cho thấy bệnh nhân đã bị tổn thương não nặng, tiên lượng khó cải thiện và còn bị viêm phổi, tiêu cơ vân cấp. Hiện bệnh nhân vẫn đang còn hôn mê.
Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc strychnin do sử dụng nguyên liệu thuốc nam không đảm bảo. Trung tâm Chống độc đã thông tin tới Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa để cơ quan này vào cuộc thanh kiểm tra, tìm nguyên nhân và ngăn chặn.
Qua thanh kiểm các xưởng nghiền hạt trong thôn, kết quả xét nghiệm tất cả các mẫu bột và viên nang cho thấy sự hiện diện của strychnine. Cơ quan chức năng xác định các xưởng chế biến đã sử dụng hạt mã tiền thay thế cho hạt sang.
Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa đã có biện pháp ngăn chặn và gửi văn bản thông báo các cơ quan liên quan và chia sẻ với truyền thông để cảnh báo tới người dân.
ThS.BS Nguyễn Tiến Đạt (Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, chất độc strychnin có trong hạt mã tiền. Loại hạt này có hình dạng, màu sắc rất giống với hạt sang. Rất có thể khi chế biến hạt sang với mục đích chữa bệnh dạ dày, hạt mã tiền đã bị lẫn vào, sau đó bệnh nhân uống phải.
Đáng nói đây không phải là trường hợp hy hữu khi trước đó đã có nhiều trường hợp bệnh nhân nguy kịch, thậm chí tử vong sau khi dùng nhầm hạt mã tiền.
Sở Y tế Thanh Hóa cảnh báo, chưa có đủ cơ sở khoa học chứng minh hạt sang có tác dụng điều trị bệnh dạ dày, đại tràng. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe, đề nghị người dân không sử dụng sản phẩm trôi nổi từ hạt sang. Chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh, chế biến (xay nghiền các loại hạt…) trên địa bàn không tham gia sản xuất chế biến, kinh doanh sản phẩm từ hạt sang với mục đích chữa bệnh.
Cây mã tiền có rất nhiều tên gọi khác nhau, chẳng hạn như cây củ chi, cây phan mộc miết... Loại cây này thường xuất hiện nhiều ở các vùng núi ở nước ta. Đây là loại cây thân gỗ, chiều cao trung bình của nó là từ 5 đến 12m, một số cây có thể cao tới 25m. Vỏ cây thường có màu xám trắng. Lá đơn và mọc đối xứng. Cây ra hoa ở nách lá đầu cành. Hoa có màu trắng hoặc vàng nhạt và mùi rất thơm. Quả mã tiền hình cầu, mỗi quả có thể cho từ 1 đến 5 hạt.
Phần dùng để làm thuốc của cây mã tiền chính là hạt mã tiền. Thời gian thu hoạch là vào mùa đông. Những quả mã tiền đã già và chín sẽ được thu hái. Sau đó bổ quả ra để lấy hạt. Không lấy những hạt lép, non hay bị đen ruột. Khi đã lựa chọn được những loại hạt chất lượng sẽ mang hạt đi phơi nắng hay sấy khô ở nhiệt độ từ 50 - 60 độ C.
Hạt mã tiền rất tốt nhưng cũng có chứa nhiều chất độc hại. Hạt mã tiền sống được xếp vào nhóm độc bảng A và hạt mã tiền đã qua bào chế được xếp trong nhóm độc bảng B.
Hệ thần kinh: Kích thích thần kinh với liều nhỏ, gây co giật khi dùng với liều cao.
Hệ tuần hoàn: Tăng huyết áp, co mạch máu ngoại vi.
Hệ tiêu hóa: Kích thích tiết dịch vị, tăng tốc độ chuyển hóa, nhưng nếu dùng sống sẽ làm rối loạn tiêu hóa.
Strychnine: Là chất hưng phấn trung khu thần kinh (đặc biệt là tế bào vận động của hệ thần kinh trung ương), hô hấp và tim mạch, gây co thắt cơ, nhưng dùng cẩn thận vị với liều cao dễ gây ngộ độc, thậm chí tử vong.
Giảm ho, trừ đờm.
Kháng histamin trên thí nghiệm đối với loài thỏ.
Kháng khuẩn và nấm: Thí nghiệm nước sắc từ dược liệu ức chế nhiều loại nấm, trực khuẩn, song cầu khuẩn...
Cây mã tiền còn được dùng làm thuốc kích thích thần kinh, tăng phản xạ của tủy, tăng cường sức mạnh và dinh dưỡng của cơ, dùng chữa tê liệt, giảm nhu động ruột, đái dầm vì cơ tròn bàng quang yếu không khép được và yếu bộ phận sinh dục.
Tính vị: Vị đắng, tính hàn, độc tính rất mạnh.
Quy kinh: Kinh tỳ và can.
Công dụng: Giảm đau, thông kinh lạc, mạnh tỳ vị, mạnh gân cốt, giảm phù thũng, giảm sưng viêm...
Chủ trị: Đau nhức xương khớp, bại liệt, nhức mỏi tay chân, đau dây thần kinh, sưng, viêm nhiễm, mụn nhọt...
Sách Y học trung trung tham tây lục: Thuốc có độc mạnh, khai thông kinh lạc, có tác dụng thấm sâu vào khớp mạnh hơn các thuốc khác.
Sách bản thảo cương mục: Trị thương hàn nhiệt bệnh, hầu họng sưng đau, tiêu hòn cục.
Nếu uống một lần 5 - 20mg strychnine (thành phần trong hạt mã tiền) sẽ bị trúng độc, 30mg sẽ gây tử vong.
Mạch nhanh, nhỏ, khó bắt vì yếu.
Nôn mửa, váng đầu, chóng mặt.
Giật cơ môi và các cơ khác, chảy nước dãi nhiều, sợ ánh sáng.
Nặng hơn có thể dẫn đến cơ cứng cơ, liệt cơ hô hấp, thậm chí gây tử vong.
Khi bị trúng độc mã tiền tốt nhất nên đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Xử trí cấp cứu như nhiễm độc.