Người phụ nữ bán bún ốc 'chui' mắc COVID-19 ở Hà Nội sẽ bị xử lý như thế nào?

04/09/2021 10:00

PLBĐ - Bán bún ốc online trong thời gian Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội là hành vi trái quy định. Người bán sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí có nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người".

Sở Y tế Hà Nội ngày 3/9 đã thông tin, thành phố ghi nhận một người phụ nữ bán bún ốc online mắc COVID-19. Bệnh nhân tên N.T.T.M (SN 1990, trú tại ngõ 76 An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ). Bệnh nhân làm nghề bán bún ốc online. Ngày 28/8, người này xuất hiện sốt, ho, đau họng. Ngày 1/9, bệnh nhân khai báo với trạm y tế, được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc ho sốt cộng đồng và có kết quả dương tính ngày 2/9.

Ngay sau khi ghi nhận ca dương tính, lực lượng chức năng phường Yên Phụ đã lập chốt phong tỏa, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, xuyên đêm lấy hàng trăm mẫu xét nghiệm, sàng lọc cho những trường hợp liên quan.

Người phụ nữ bán bún ốc 'chui' mắc COVID-19 ở Hà Nội sẽ bị xử lý như thế nào? - Ảnh 1.

Công an lập chốt trực sau khi ghi nhận người phụ nữ bán bún ốc mắc COVID-19. (Ảnh: TG)

Trước vụ việc trên, ông Nguyễn Đình Khuyến - Chủ tịch UBND quận Tây Hồ đã cho biết, trong thời gian TP. Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tất cả các cửa hàng ăn uống (cả bán tại chỗ hay bán mang về) đều bị dừng hoạt động. Việc nữ bệnh nhân bán bún như vậy là trái quy định. Quận đã trực tiếp yêu cầu lực lượng liên quan kiểm tra, xử phạt hành chính.

"Đối với những trường hợp này, quận kiên quyết xử phạt nghiêm. Ngoài ra, nếu để lây lan dịch bệnh cho nhiều người khác, ảnh hưởng đến công tác chống dịch sẽ yêu cầu công an điều tra làm rõ chứ không đơn thuần xử phạt hành chính", ông Khuyến trả lời trên báo Lao động.

Người phụ nữ bán bún ốc 'chui' mắc COVID-19 ở Hà Nội sẽ bị xử lý như thế nào? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đình Khuyến trực tiếp có mặt, yêu cầu lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát, đảm bảo an toàn cho người dân phường Yên Phụ sáng 3/9. (Ảnh: Gia Khiêm)

Cũng liên quan đến vụ việc trên, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho biết, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã ban hành Chỉ thị thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, chỉ cho phép mở cửa, hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu. Các cơ sở này phải đáp ứng điều kiện phòng chống dịch theo quy định; chủ cơ sở phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho người lao động và cộng đồng; kiểm soát toàn bộ người đến mua hàng/sử dụng dịch vụ và khai báo y tế bằng mã QR Code…

Theo luật sư, việc nữ bệnh nhân N.T.T.M bán bún online là không được phép, trái quy định. Căn cứ khoản 7 Điều 8 Luật Khám chữa bệnh nghiêm cấm hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Về xử phạt vi phạm hành chính thì hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, trừ các trường hợp quy định tại các điều 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 và 13 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP, nữ bệnh nhân này sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng (Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP).

Hoặc không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng (Điểm a, khoản 3 Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP). Hoặc không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm là trung gian truyền bệnh; không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng (Điểm b, điểm c khoản 3 Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP).

Ngoài ra, nữ bệnh nhân còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó, sau quá trình điều tra dịch tễ nếu xác định được nữ bệnh nhân này đã làm lây lan dịch bệnh do không thực hiện theo các quy định về phòng chống dịch thì sẽ xử lý về "Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Người vi phạm có thể bị xử phạt tới mức cao nhất là 12 năm tù.

Điều 240: Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;

c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;

b) Làm chết người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;

b) Làm chết 2 người trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

T.H (th)


(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Người phụ nữ bán bún ốc 'chui' mắc COVID-19 ở Hà Nội sẽ bị xử lý như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO