Mặc dù không có chế độ ăn kiêng hoặc thực phẩm nào có thể chữa khỏi bệnh viêm da cơ địa nhưng người bệnh có thể thay đổi chế độ ăn uống để cải thiện tình trạng bệnh và hạn chế các triệu chứng.
Viêm da cơ địa là một bệnh viêm da tái phát mạn tính với cơ chế bệnh sinh phức tạp liên quan đến tính nhạy cảm di truyền, rối loạn chức năng miễn dịch và biểu bì, cùng với các yếu tố môi trường.
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý và giảm thiểu triệu chứng của viêm da cơ địa.
Mặc dù không có chế độ ăn kiêng hoặc thực phẩm nào có thể chữa khỏi bệnh viêm da cơ địa nhưng người bệnh có thể thay đổi chế độ ăn uống để cải thiện tình trạng bệnh và hạn chế các triệu chứng.
Các đợt bùng phát bệnh đôi khi được kích hoạt do phản ứng dị ứng với một số loại thực phẩm cụ thể, do đó người mắc bệnh viêm da cơ địa nên chú ý tuân theo chế độ ăn kiêng phù hợp với tình trạng dị ứng của mình.
Chế độ ăn kiêng liên quan đến việc loại bỏ một số loại thực phẩm khỏi chế độ ăn uống của người bệnh để giúp xác định nguyên nhân gây ra phản ứng dị ứng hoặc các triệu chứng khác liên quan đến thực phẩm. Người bệnh sẽ tránh một loại thực phẩm hoặc thành phần cụ thể trong vài tuần và sau đó theo dõi làn da của mình xem có bất kỳ thay đổi nào không. Nếu các triệu chứng được cải thiện, hãy từ từ đưa thực phẩm đó vào chế độ ăn uống của mình trong vài ngày. Nếu các triệu chứng quay trở lại, có thể thực phẩm đó là nguyên nhân gây bệnh.
Theo điều dưỡng CKI Đoàn Thị Thu Hằng, Khoa Da liễu - Dị ứng - Miễn dịch, Bệnh viện 19-8, người bị viêm da cơ địa cần tuân thủ đúng chỉ định dùng thuốc của bác sĩ và lưu ý bổ sung các loại dinh dưỡng như sau:
Thực phẩm giàu vitamin A không chỉ tốt cho mắt và sức khỏe mà còn rất cần thiết cho làn da. Vitamin A làm tăng kháng thể và các tế bào lympho giúp giảm viêm và bảo vệ làn da. Từ đó hạn chế các tác động từ bên ngoài đến làn da và tránh cho bệnh tái phát. Bệnh nhân nên thường xuyên ăn các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin A như rau bina, xoài, cà rốt, đu đủ.
Vitamin B có trong các loại thực phẩm như rau súp lơ, các loại nấm, đậu, các loại hạt, chuối, bơ, cũng rất tốt cho người bệnh viêm da cơ địa. Các loại thực phẩm này có tác dụng tái tạo tế bào da mới, hỗ trợ quá trình phục hồi làn da bị tổn thương một cách nhanh chóng.
Vitamin E đóng vai trò như một chất chống oxy hóa, kháng khuẩn, chống viêm. Đồng thời cũng có tác dụng ngăn ngừa lão hóa da và dưỡng ẩm tốt, giúp giảm các triệu chứng bệnh viêm da cơ địa như da khô bong tróc. Các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin E như giá đỗ, vừng đen, lạc, hạt hướng dương, đậu tương, lúa mạch nên được ăn thường xuyên.
Nước mang lại hiệu quả cao trong việc giữ cho làn da đủ độ ẩm và giảm tình trạng khô bong tróc. Theo đó, uống đủ mỗi ngày từ 1.5 đến 2 lít nước, kèm theo việc bổ sung các loại nước ép hoa quả, là giải pháp tự nhiên giúp hỗ trợ cho bệnh viêm da cơ địa.
Cũng theo điều dưỡng CKI Đoàn Thị Thu Hằng, để điều trị dự phòng bệnh viêm da cơ địa tái phát là một trong những mục tiêu được ưu tiên hàng đầu. Một trong những biện pháp phòng ngừa là hạn chế sử dụng các thực phẩm hoặc hoạt chất có khả năng gây kích ứng, dị ứng cho người sử dụng. Việc biết được viêm da cơ địa kiêng gì sẽ giúp người bệnh đảm bảo tốt công tác dự phòng. Một số thực phẩm người bị viêm da cơ địa không nên sử dụng bao gồm:
Thịt: Đây là một sản phẩm đến từ động vật, thành phần chứa nhiều chất béo bão hòa nên dễ thúc đẩy các phản ứng viêm. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng bệnh nhân viêm da cơ địa không nên ăn nhiều thịt đỏ. Thịt trắng như thịt gà, vịt và cá có thể sử dụng như một nguồn chất đạm thay thế cho thịt bò hoặc thịt heo trong khẩu phần ăn hằng ngày.
Sữa và các sản phẩm từ sữa: Đây là nhóm thực phẩm thường gây dị ứng với nguồn chất béo bão hòa phong phú.
Kẹo: Thực phẩm chứa nhiều đường có thể làm nặng hơn các triệu chứng viêm da, nhất là các nhóm đường hóa học.
Tinh bột: Nên thay thế các thực phẩm giàu tinh bột như mì hoặc bánh mì bằng các loại hạt ngũ cốc nguyên cám để tăng cường hoạt động hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch của cơ thể. Các loại thực phẩm quá giàu tinh bột là tăng cường biểu hiện các triệu chứng của viêm da cơ địa.
Nhiều người nhận thấy rằng việc áp dụng chế độ ăn tăng cường rau hoặc thực phẩm có nguồn gốc thực vật, đồng thời loại bỏ carbs và thực phẩm chế biến sẵn có thể giúp cải thiện sức khỏe và thể chất nói chung.
Tham khảo một số thực phẩm tốt cho chế độ ăn của người viêm da cơ địa:
Chất dinh dưỡng | Thực phẩm |
Chất đạm | Thực phẩm động vật (thịt gà, thịt bò, cá và trứng) chứa tất cả các acid amin thiết yếu và thiết yếu có điều kiện và là protein hoàn chỉnh. Protein thực vật bao gồm đậu, các sản phẩm từ đậu nành (đậu phụ, tempeh, đậu nành), đậu lăng, các loại hạt và hạt, quinoa, tảo xoắn. |
Carbohydrate | Gạo lứt, quinoa, kê, rau dền, kiều mạch, rau có tinh bột (rau củ/rau mọc dưới mặt đất như khoai tây, khoai lang và cà rốt). |
Vitamin A | Gan bò, dầu gan cá tuyết, trứng, bơ, khoai lang, cà rốt, dưa đỏ, xoài, bông cải xanh, cải xoăn, cải rổ. |
Vitamin E | Dầu hướng dương, dầu ô liu, hạt hướng dương, hạnh nhân, quả phỉ, quả hồ đào, mơ khô, quả bơ, cá, bông cải xanh, củ cải Thụy Sĩ, rau bina, quả mâm xôi. |
Vitamin D | Cá hồi, cá thu, cá mòi, lòng đỏ trứng. |
Vitamin B2 | Trứng, cá bơn, thịt gà, thịt bò, bông cải xanh, hạnh nhân, măng tây, rau chân vịt. |
Vitamin B6 | Cá hồi, khoai tây, gà tây, bơ, thịt gà, rau bina, chuối, quả phỉ. |
Selen | Quả hạch Brazil, cá ngừ, hàu, nghêu, cá bơn, tôm, thịt lợn, thịt gà, thịt bò, gạo lứt, hạt hướng dương. |
Vitamin C | Dâu tây, kiwi, cam, ớt ngọt đỏ, bông cải xanh, bưởi, cải Brussels, cà chua, chuối, táo, rau chân vịt. |
Kẽm | Hàu, thịt bò, cua, gà tây, thịt lợn, thịt gà, đậu nành, hạt thông, hạt điều, hạt hướng dương, quả hồ đào, quả hạch Brazil, đậu xanh, hạnh nhân, đậu. |
Acid béo omega-3 | Dầu hạt lanh, hạt lanh, hạt chia, quả óc chó, dầu óc chó, cá trích, cá hồi, cá mòi, hàu, cá hồi, cá ngừ, cua. |
Acid béo omega-6 | Hạt hướng dương, dầu hướng dương, dầu cây rum, hạt thông, quả hồ đào, quả hạch Brazil, dầu mè. |
Đồng | Gan bò, hàu, cua, nghêu, hạt điều, hạt hướng dương, quả phỉ, hạnh nhân, đậu lăng, nấm, socola đen. |
Magie | Quả hạch Brazil, cám yến mạch, gạo lứt, hạt điều, cá thu, rau bina, hạnh nhân, củ cải Thụy Sĩ, đậu lima, quả bơ, quả phỉ, mật đường, chuối. |
Sắt | Sắt (sắt heme được tìm thấy trong các sản phẩm động vật và sắt nonheme được tìm thấy trong một số thực phẩm thực vật): Thịt bò, gan gà, hàu, nghêu, cá ngừ, trai, nho khô, mận khô, khoai tây có vỏ, quinoa, rau bina, đậu lăng, đậu phụ, quả phỉ, hạt điều. |