Nguyên tắc cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài là nội dung được quy định trong Luật Quản lý nợ công 2017.
Nguyên tắc cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài (Hình từ Internet)
Theo quy định tại Điều 34 Luật Quản lý nợ công 2017 thì nguyên tắc cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài bao gồm:
- Chính phủ cho vay lại từ vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài; không phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế, vay thương mại nước ngoài để cho vay lại.
- Chính phủ cho vay lại toàn bộ hoặc một phần vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài cho các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Quản lý nợ công 2017.
- Việc cho vay lại phải bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng đối tượng, đúng mục đích được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Mức vay, thời hạn cho vay lại và thời gian ân hạn tối đa bằng mức vay, thời hạn vay và thời gian ân hạn quy định tại thỏa thuận vay nước ngoài của Chính phủ; đồng tiền cho vay lại, đồng tiền thu nợ là đồng tiền Chính phủ vay nước ngoài. Trường hợp trả nợ bằng Đồng Việt Nam, áp dụng tỷ giá bán ra tại thời điểm trả nợ do Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam công bố để thu nợ.
- Lãi suất cho vay lại bao gồm lãi suất Chính phủ vay nước ngoài, các khoản phí theo quy định tại thỏa thuận vay nước ngoài, phí quản lý cho vay lại và dự phòng rủi ro cho vay lại.
- Bên vay lại phải có phương án tài chính khả thi được cấp có thẩm quyền thẩm định theo quy định tại Điều 38 Luật Quản lý nợ công 2017.
Điều kiện được vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài được quy định cụ thể tạI Điều 36 Luật Quản lý nợ công 2017 bao gồm:
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
+ Có chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn của địa phương do cấp có thẩm quyền phê duyệt, đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật;
+ Chương trình, dự án đầu tư quy định tại điểm a khoản 1 Điều 36 Luật Quản lý nợ công 2017 có sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài;
+ Không có nợ vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài quá hạn trên 180 ngày;
+ Mức dư nợ vay của ngân sách địa phương tại thời điểm đề nghị vay lại không vượt quá mức dư nợ vay của ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;
+ Ngân sách địa phương cam kết trả nợ đầy đủ, đúng hạn.
- Đơn vị sự nghiệp công lập phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
+ Tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn vay và trả nợ theo quy định của pháp luật;
+ Có dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng vốn vay, đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật;
+ Có phương án tài chính khả thi được cấp có thẩm quyền thẩm định theo quy định tại Điều 38 Luật Quản lý nợ công 2017;
+ Không có nợ quá hạn tại thời điểm đề nghị vay lại;
+ Thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật.
- Doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
+ Có tư cách pháp nhân, được thành lập hợp pháp tại Việt Nam và có thời gian hoạt động ít nhất 03 năm;
+ Có dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng vốn vay, đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật;
+ Có phương án tài chính khả thi được cấp có thẩm quyền thẩm định theo quy định tại Điều 38 Luật Quản lý nợ công 2017;
+ Có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu không vượt quá 03 lần theo báo cáo tài chính của năm gần nhất so với năm thực hiện thẩm định;
+ Không bị lỗ trong 03 năm liền kề gần nhất theo báo cáo kiểm toán, trừ các khoản lỗ do thực hiện chính sách của Nhà nước được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
+ Không có nợ quá hạn tại thời điểm đề nghị vay lại;
+ Thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật.