Giãn phế quản là một trong những bệnh lý về phổi thường gặp ở người cao tuổi, đặc biệt bệnh giãn phế quản tiến triển nhanh và có thể kéo dài. Trong quá trình bệnh có thể xảy ra những đợt cấp tính...
Bệnh giãn phế quản chiếm 6% các bệnh lý phổi, nam giới bị chiếm tỷ lệ nhiều hơn nữ giới. Bệnh giãn phế quản nếu không được phát hiện sớm để điều trị kịp thời và đúng (đúng phác đồ), có thể có những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng rất lớn đến tính mạng người bệnh.
Vì vậy, cần nhận biết sớm bệnh giãn phế quản để có hướng điều trị đúng đắn cũng như phòng các đợt cấp tính.
Giãn phế quản là trạng thái các phế quản bị giãn rộng toàn bộ hay từng phần do các lớp tổ chức cơ trơn đàn hồi của phế quản bị tổn thương bởi viêm nhiễm hoặc các tác nhân vật lý khác làm tắc nghẽn đường hô hấp . Có 3 loại giãn phế quản, đó là giãn phế quản mắc phải, giãn phế quản bẩm sinh và giãn phế quản vô căn.
Giãn phế quản mắc phải chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 90% và thường xảy ra sau khi mắc phải các bệnh viêm đường hô hấp kéo dài và tái phát nhiều lần dẫn đến tổn thương các sợi cơ, sợi chun và sụn của phế quản. Đồng thời, các chất xuất tiết ùn tắc lại trong phế quản và gây ra phản xạ ho từ đó gây tăng áp lực trong lòng phế quản kéo dài và dẫn tới giãn phế quản.
Bệnh điển hình ở đường hô hấp dưới làm gia tăng bệnh giãn phế quản như lao phổi, áp-xe phổi mạn tính, bệnh phế nang viêm xơ hóa, bệnh viêm phổi do virus, vi khuẩn... Sau khi điều trị khỏi sẽ gây ra các xơ sẹo, chúng phát triển gây biến dạng và chít hẹp phế quản.
Với các bệnh nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn ở phổi và phế quản (cúm, sởi, adenovirus, ho gà ) gây ho và tăng áp lực trong lòng phế quản kéo dài, lúc đầu, giãn phế quản chỉ là tạm thời nhưng nếu điều trị không đúng hoặc không dứt điểm để bệnh trở thành mãn tính dẫn tới bệnh giãn phế quản.
Ngoài ra, còn có các nguyên nhân như polip phế quản, dị vật phế quản, lao hạch, bệnh Hodgkin, ung thư hạ họng hoặc do hít phải hóa chất dài ngày làm chít hẹp lòng phế quản gây giãn phế quản.
Bên cạnh đó, phải kế đến do phế quản lớn bị tắc nghẽn (lao hạch phế quản, hoặc dị vật rơi vào phế quản ở trẻ em, u phế quản…) làm cho phía dưới phế quản bị chít hẹp lại gây áp lực nội phế quản tăng lên và dịch tiết ùn tắc gây nên nhiễm khuẩn mạn tính tại chỗ rồi phát triển thành giãn phế quản.
Đối với giãn phế quản bẩm sinh chỉ chiếm khoảng 10%. Giãn phế quản bẩm sinh có thể là khuyết tật hoặc không có sụn phế quản nên phế quản phình ra khi hít vào, xẹp xuống khi thở ra. Đa số dạng này đều thấy ở người trẻ và có kết hợp với bệnh phổi đa nang.
Ngoài ra còn gặp giãn phế quản vô căn có thể do rối loạn thanh lọc phổi phế quản, loại này thường gặp ở người trưởng thành.
Người bệnh thường gầy yếu, mệt mỏi, nhức đầu, chán ăn, sút cân, thiếu máu, thậm chí tím tái do thiếu dưỡng khí kéo dài. Ở giai đoạn ứ đọng mủ và đờm trong phế quản có thể sốt cao từ 38 - 40 độ C.
Ngoài ra, có thể ho, khạc đờm, thậm chí ho ra máu. Đa số người bệnh bị ho dai dẳng, khạc đờm mủ hằng ngày, kèm theo hơi thở có mùi rất hôi. Đờm thường có màu vàng (đôi khi có khi màu trắng hoặc màu xanh), nếu theo dõi đờm để sau 6 giờ thì sẽ thấy chúng chia thành 2 lớp gồm mủ ở dưới và dịch nhày ở trên. Nếu bị nhiễm trùng nặng thì phần dịch có lẫn với mủ.
Hiện tượng ho ra máu ở người giãn phế quản chiếm tỷ lệ khoảng từ 20 – 50% nhưng với trẻ em bị bệnh thì ít khi ho ra máu. Triệu chứng đau ngực chiếm tỷ lệ khá cao, khoảng từ 50 – 70%. Triệu chứng khó thở chỉ chiếm khoảng 20% nhưng có thể là dấu hiệu sớm thường gặp trong bệnh giãn phế quản . Tuy nhiên, các dấu hiệu này thường xuất hiện trong những đợt bội nhiễm nặng.
Ngoài ra, có khoảng 1/3 số trường hợp giãn phế quản bị "ngón tay dùi trống" (ngón tay to ra) hoặc móng tay bị khum như mặt đồng hồ do thiếu ô xy trường diễn. Nghe phổi, thường xuyên có ran khu trú ở vùng có phế quản giãn, hay gặp nhất là vùng 2 đáy phổi. Nếu có tắc nghẽn phế quản thì nghe có ran rít, ran ngáy kèm theo.
Người bệnh khi khám thường thấy có ran ẩm hoặc ran nổ khu trú thường xuyên ở đáy phổi trong khi hình ảnh X-quang phổi thấy bình thường. Giãn phế quản là bệnh mãn tính kéo dài và thường tăng lên vào lúc chuyển mùa, đặc biệt là mùa lạnh.
Bệnh giãn phế quản nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng phác đồ và kịp thời có thể khỏi hoàn toàn, nhưng nếu không được phát hiện hoặc phát hiện muộn hoặc điều trị sai sẽ làm cho ổ giãn phế quản lan rộng và kéo dài.
Do đó bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như: áp xe phổi, mủ màng phổi (mủ phổi gây khó thở, suy hô hấp trầm trọng, thậm chí ảnh hưởng chức năng tim, gây suy tim), xơ phổi, khí phế thũng, mủ phế quản, nhiễm mủ phổi gây khó thở hoặc bệnh trở nên nặng hơn như bị suy hô hấp (xảy ra khi phổi không cung cấp đủ ô xy cho cơ thể ngay cả khi bệnh nhân nghỉ ngơi).
Hoặc gây viêm phổi tái phát và có thể bị ho ra máu nặng, đe dọa đến tính mạng người bệnh do các cục máu lấp đầy phế quản làm cho người bệnh khó thở từ nhẹ đến nặng; hoặc gây xẹp phổi (là tình trạng một hoặc nhiều phần của phổi bị xẹp và không hoạt động bình thường gây khó thở trầm trọng).
Kết quả là bệnh nhân thở gấp, nhịp tim, nhịp thở tăng nhanh, da và môi tím tái; ho ra máu nặng, đe dọa tính mạng người bệnh do các cục máu lấp đầy đường thở. Giãn phế quản nặng thậm chí ảnh hưởng đến chức năng tim, gây suy tim (suy tim phải gây khó thở thường xuyên và ngày một nặng dần).
Dùng kháng sinh (tốt nhất là dựa vào kết quả kháng sinh đồ để chọn kháng sinh thích hợp) mỗi khi có đợt bội nhiễm của giãn phế quản. Thời gian dùng kháng sinh thường từ 10-15 ngày. Những trường hợp giãn phế quản rất nặng, thời gian dùng kháng sinh có thể kéo dài hơn, thậm chí tới 30 ngày, song song là dẫn lưu đờm. Đây là một trong các liệu pháp điều trị rất quan trọng, có thể coi có tầm quan trọng như dùng kháng sinh.
Các biện pháp dẫn lưu đờm thường hay dùng như hướng dẫn cho bệnh nhân cách ho, khạc đờm sâu và vỗ rung lồng ngực, kết hợp dẫn lưu tư thế hàng ngày. Tùy theo vị trí giãn phế quản mà lựa chọn tư thế cho phù hợp với nguyên tắc vùng giãn phế quản được đặt ở vị trí cao nhất.
Đối với vùng giãn phế quản ở phía sau được tiến hành cho bệnh nhân nằm sấp (vùng giãn phế quản ở phía trước, bệnh nhân được đặt nằm ngửa). Sau đó dùng hai bàn tay khum lại, vỗ đều vào lưng/ngực bệnh nhân. Kết hợp rung và lắc ngực. Mỗi lần làm kéo dài 15-20 phút, ngày tiến hành từ 2-3 lần. Việc vỗ rung và dẫn lưu tư thế tiếp tục được duy trì tại nhà cho bệnh nhân.
Nếu bệnh nhân có khó thở, nghe phổi có ran rít, ran ngáy, bệnh nhân thường được dùng thêm các thuốc uống hoặc khí dung hoặc kết hợp cả hai.
Việc điều trị giãn phế quản chủ yếu nhằm ngăn ngừa, điều trị các đợt bùng phát do bội nhiễm. Người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ những hướng dẫn của bác sĩ điều trị cho mình.
Để phòng bệnh giãn phế quản, cần vệ sinh đường hô hấp trên hàng ngày như đánh răng, súc họng bằng nước muối nhạt (tốt nhất là nước muối sinh lý 0,9%) nhằm hạn chế mắc các bệnh về đường hô hấp. Bất kỳ lứa tuổi nào nếu bị viêm đường hô hấp cần điều trị dứt điểm không để bệnh trở thành mạn tính, kéo dài.
Cần nâng cao thể trạng và nên vận động cơ thể đều đặn hàng ngày như đi bộ, tập hít thở... Không hút thuốc lá, thuốc lào, nên đeo khẩu trang đúng tiêu chuẩn khi ra khỏi nhà để ngăn ngừa hít phải bụi. Không nên để viêm amidan, viêm họng hạt, viêm chân răng, viêm lợi, viêm mũi, xoang mạn tính.
Khi phát hiện bị viêm đường hô hấp, bệnh về răng miệng cần đi khám bệnh và điều trị dứt điểm theo đơn thuốc (hoặc thuốc được cấp phát) và chỉ dẫn của bác sĩ điều trị. Đối với trẻ sơ sinh và những người chưa có miễn dịch chống vi khuẩn lao, cần được tiêm phòng vaccine phòng lao (vaccine BCG), đặc biệt trẻ sơ sinh bắt buộc phải tiêm vaccine này ngay sau khi chào đời.