Nhận biết sớm những căn bệnh nguy hiểm thường gặp ở trẻ sơ sinh giúp cha mẹ có biện pháp xử trí kịp thời, hạn chế những rủi ro đáng tiếc cho trẻ.
Những bệnh trẻ sơ sinh thường gặp
Vàng da: Bình thường vàng da sẽ xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 8, da của trẻ chuyển màu vàng nhạt và chỉ vàng ở phần da mặt, cánh tay, đùi, chân và thân mình.. Nếu vàng da xuất hiện trước 3 ngày tuổi, đặc biệt là vàng da xuất hiện trong 24 giờ sau sinh, vàng da kéo dài trên 14 ngày, vàng da lan nhanh đến bụng, đùi, chân trong những ngày đầu sau sinh, vàng da xuất hiện cả trong lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân, vàng da kèm phân bạc màu thì đó có thể là tình trạng bệnh lý nguy hiểm, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám kịp thời.
Nhiễm khuẩn mắt là khi mắt trẻ bị sưng đỏ hoặc có mủ. Trẻ bị nhiễm khuẩn mắt cần được cán bộ y tế khám để xử trí ngay.
Nhiễm khuẩn rốn là khi rốn sưng đỏ, chảy nước hoặc chảy mủ. Nhiễm khuẩn rốn rất nguy hiểm nên trẻ cần được cán bộ y tế khám để xử trí ngay.
Nôn trớ: Dạ dày trẻ sơ sinh nhỏ, nằm ngang nên dễ bị nôn trớ, vì vậy cần bế trẻ ở tư thế đầu cao khi cho bú. Khi trẻ bú cần xem trẻ có nuốt sữa không? Nếu thấy trẻ không muốn bú, sữa còn trong miệng thì phải dừng cho bú.
Sau khi bú xong nên bế trẻ cao đầu áp vào vai hoặc ngực mẹ, vỗ nhẹ lưng đến khi trẻ ợ bớt hơi trong dạ dày mới đặt trẻ nằm. Với những trẻ hay nôn trớ, nên đặt trẻ nằm nghiêng đầu và luôn có người bên cạnh.
Hăm: trẻ sơ sinh mỏng, rất dễ bị tổn thương. Khi ẩm ướt dễ bị hăm. Dấu hiệu là vùng quấn tã da sưng đỏ. Để phòng hăm, không để tã lót ướt, bẩn. Khi trẻ đái ỉa cần rửa sạch, thấm khô ngay và thay tã lót khô, sạch sẽ. Khi trẻ bị hăm cần bôi thuốc theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Rửa tay sạch trước và sau khi chăm sóc trẻ.
Tưa miệng: Là khi lưỡi và mặt trong miệng của trẻ bị nhiễm nấm có các vệt trắng. Khi trẻ bị tưa cần rửa sạch và luộc sôi bát (chén), cốc (ly), thìa (muỗng) dùng cho trẻ. Đánh tưa cho trẻ theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Rửa tay sạch trước và sau khi chăm sóc trẻ.
Táo bón: Là tình trạng khi trẻ không đi ngoài sau 3 ngày mà không nôn trớ, không chướng bụng. Khi trẻ bị táo bón cần tăng cường cho trẻ bú mẹ. Xoa quanh rốn của trẻ theo chiều kim đồng hồ vài lần trong ngày. Nếu không đỡ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế.
Cách chăm sóc rốn
Bình thường rốn rụng tự nhiên sau sinh 5 đến 10 ngày. Rốn là nơi dễ nhiễm khuẩn, là đường xâm nhập của vi khuẩn, đặc biệt là vi khuẩn gây bệnh uốn ván sơ sinh (là một bệnh nặng, tỷ lệ tử vong rất cao). Vì vậy, cần chăm sóc rốn cho tốt để không bị nhiễm khuẩn.
Nếu đẻ tại nhà, phải cắt rốn bằng dụng cụ sạch và vô khuẩn. Sử dụng dụng cụ trong gói đỡ đẻ sạch để cắt rốn và kẹp cuống rốn. Tuyệt đối không cắt rốn bằng các dụng cụ chưa được tiệt khuẩn như dao, kéo, liềm, dao lam, cật nứa... Để rốn hở, không băng kín. Không bôi hoặc đắp bất cứ thứ gì lên rốn. Giữ cho rốn khô, sạch.
Đóng khố (tã thấm) hoặc bỉm (tã giấy) ở phía dưới rốn, quấn tã sạch bên ngoài. Không để nước tiểu hay phân dính vào cuống rốn. Nếu bị dính thì phải rửa bằng nước muối sinh lý hoặc nước đun sôi để nguội rồi thấm khô. Không sờ vào cuống rốn và vùng quanh rốn. Rốn rụng rồi vẫn cần giữ chân rốn khô cho tới khi liền sẹo.
Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khi thấy một trong các dấu hiệu sau ở rốn: Chảy máu rốn; Sưng đỏ vùng xung quanh rốn; Rốn có mùi hôi, chảy nước vàng; Rốn có mủ; Chân rốn, cuống rốn phình to hoặc có u, cục nổi; Quá 10 ngày mà rốn chưa rụng.
Giữ vệ sinh cho trẻ
Hàng ngày lau mắt bằng khăn mềm , sạch, ẩm. Không nhỏ bất cứ thứ gì vào mắt trẻ. Người chăm sóc trẻ phải vệ sinh sạch sẽ, cần cắt ngắn móng tay, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước và sau khi bế trẻ, trước khi cho trẻ bú, trước khi tắm cho trẻ và sau khi thay tã lót cho trẻ.
Giữ vệ sinh da hàng ngày cho trẻ, tắm cho trẻ đúng cách. Rửa sạch và lau khô bộ phận sinh dục và hậu môn sau khi trẻ đái, ỉa. Các dụng cụ dùng cho trẻ như thìa (muỗng), cốc (ly)...) phải đảm bảo sạch sẽ bằng cách luộc sôi trước khi dùng cho trẻ. Phòng trẻ nằm phải thoáng, sạch, không có khói thuốc lá, khói bếp, khói than. Trẻ phải ngủ trong màn để tránh muỗi và côn trùng đốt. Không cho trẻ tiếp xúc với người đang bị bệnh hoặc vật nuôi trong nhà.
Tắm cho trẻ sơ sinh
Tắm cho trẻ từ ngày thứ 2 sau sinh bằng nước ấm. Không nhất thiết phải tắm hàng ngày, đặc biệt khi thời tiết lạnh. Khi tắm, trẻ có nguy cơ bị mất nhiệt nên phải tắm trong phòng kín gió, nên có lò sưởi điện về mùa lạnh. Cần chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng như áo, mũ, tã, khăn, tất (vớ), xà phòng dùng cho trẻ sơ sinh, chậu sạch, nước ấm (35-37 độ C).
Khi tắm cần gội đầu cho trẻ trước, lau khô tóc, sau đó tắm phần thân của trẻ. Cho phần thân trẻ ngập trong chậu nước ấm để đảm bảo trẻ không bị nhiễm lạnh trong khi tắm, một tay giữ đầu trẻ bên trên mặt nước, tay còn lại kỳ cọ nhẹ nhàng trên da trẻ. Dùng khăn mềm khi tắm, không chà xát mạnh gây xây xát da trẻ. Lau khô, mặc ấm cho trẻ ngay sau tắm. Thời gian tắm không nên kéo dài quá 10 phút.
Sàng lọc sơ sinh là việc sử dụng các biện pháp thăm dò trong thời kỳ sơ sinh để phát hiện nguy cơ và chẩn đoán bệnh cho trẻ sơ sinh. Bác sĩ được đào tạo sẽ thực hiện sàng lọc sơ sinh trong 24-72 giờ sau sinh tại cơ sở y tế. Các kỹ thuật cho sàng lọc sơ sinh gồm lấy mẫu máu gót chân để làm xét nghiệm, đo thính giác của trẻ và đo độ bão hòa oxy máu qua da. Việc lấy máu gót chân được thực hiện tại cơ sở y tế nơi trẻ sinh ra hoặc tại trạm y tế để gửi đến cơ sở xét nghiệm chuyên khoa thực hiện.
Sàng lọc sơ sinh hiện nay có thể phát hiện sớm ở trẻ sơ sinh một số bệnh là suy tuyến giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD, tăng sản thượng thận bẩm sinh, một số rối loạn chuyển hóa bẩm sinh, khiếm thính bẩm sinh, bệnh tim bẩm sinh.
Khi làm sàng lọc, các bác sĩ sẽ tư vấn cho cha mẹ của trẻ trước và sau khi tiến hành làm xét nghiệm cho cháu bé. Nếu phát hiện trẻ bị bệnh tật bẩm sinh, cha mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa Nhi để khám và điều trị cho cháu bé và được hướng dẫn cách chăm sóc, theo dõi trẻ.
Người chồng và gia đình tham gia chăm sóc trẻ sơ sinh bằng cách tìm hiểu thông tin trong Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ - trẻ em để biết cách và cùng bà mẹ theo dõi, chăm sóc trẻ sơ sinh. Hỗ trợ bà mẹ cho con bú ngay trong vòng 1 giờ đầu sau sinh và cho trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn. Tham gia chăm sóc vệ sinh, tắm cho trẻ sơ sinh. Hỗ trợ bà mẹ khi gặp khó khăn trong việc cho con bú, tư vấn cán bộ y tế để được giúp đỡ. Biết cách theo dõi, phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm của trẻ sơ sinh để đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời.
(Theo Thông điệp truyền thông về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc thực hiện năm 2022).
Tô Hội