Nhận biết và điều trị khô mắt tránh suy giảm thị lực

BS. Nguyễn Minh Châu 05/02/2023 09:25

Khô mắt là bệnh lý phổ biến hiện nay. Tuy không phải là một bệnh nguy hiểm nhưng có thể ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống của người bệnh. Khi bệnh diễn biến nặng có thể sẽ gây suy giảm thị lực.

Nguyên nhân gây khô mắt

Tình trạng khô mắt có thể do các nguyên nhân:

- Mắt không tiết đủ nước mắt làm khô mắt.

- Nước mắt bốc hơi quá nhanh khi nước mắt có chất lượng bất thường. Sự bất thường này khiến nước mắt bốc hơi nhanh và không thể giữ ẩm cho đôi mắt.

- Khô mắt có thể là triệu chứng của nhiều bệnh khác như: viêm khớp dạng thấp , lupus ban đỏ hoặc hội chứng Sjögren….

Ai có nguy cơ bị khô mắt?

Khô mắt nhiều khả năng xảy ra ở:

- Người đã phẫu thuật mắt bằng laser: có thể gây ra khô mắt tạm thời.

- Những người có thời gian ngồi trước màn hình máy tính kéo dài.

- Người cao tuổi: là yếu tố nguy cơ làm giảm khả năng tiết nước mắt. Thường gặp hơn ở những người từ 50 tuổi trở lên.

- Người bị đỏ da mặt (viêm da) và viêm mí mắt: có thể phá vỡ chức năng của tuyến sụn mi.

- Phụ nữ có nhiều khả năng bị khô mắt, nhất là phụ nữ mang thai và sau khi mãn kinh.

- Người sống và làm việc ở vùng khí hậu khô; khu vực có nhiều khói bụi.

- Bị thiếu vitamin A.

- Bệnh nhân dùng một số loại thuốc: Thuốc kháng dị ứng; Thuốc điều trị huyết áp; Thuốc tránh thai; Thuốc nhuận tràng; Thuốc an thần.

photo-1673324023676

Các triệu chứng nhận biết bệnh khô mắt

Một số dấu hiệu của bệnh như:

- Người bệnh cảm giác mắt khô, rát, cộm, xốn như có cát lọt vào mắt.

- Mắt bị đỏ, nóng.

- Có thể chảy nước mắt liên tục không kiểm soát do bị kích thích.

- Mắt sẽ kém thị lực , nhìn mọi vật thấy lờ mờ.

- Xuất hiện ghèn trắng hoặc vàng nhiều hơn bình thường ở 2 bên hốc mắt.

Khi bệnh nặng sẽ gây tổn thương bề mặt nhãn cầu và suy giảm thị lực nhiều.

photo-1673324027392

Khô mắt có thể gây giảm thị lực.

Các biến chứng của khô mắt

Khi khô mắt giai đoạn nặng có thể sẽ gặp phải một số biến chứng nguy hiểm:

- Nhiễm trùng ở mắt: Nước mắt có tác dụng bảo vệ mắt nên nếu không cung cấp đủ nước mắt trong thời gian dài có thể có nguy cơ bị nhiễm trùng.

- Làm tổn thương bề mặt mắt: Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến viêm mắt làm bề mặt giác mạc bị trầy xước, loét giác mạc và suy giảm thị lực nghiêm trọng.

Phương pháp điều trị khô mắt

Sau khi xác định chính xác tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Đa phần bệnh nhân khô mắt đều được chỉ định điều trị và sử dụng thuốc tại nhà:

- Bác sĩ chỉ định sử dụng nước mắt nhân tạo: Với những trường hợp khô mắt nhẹ sẽ được chỉ định dùng nước mắt nhân tạo có độ nhờn cao, không chất bảo quản để khắc phục. Một số loại nước mắt nhân tạo phổ biến như: Systane, Genteal…

Nhiều loại nước mắt nhân tạo ngoài cung cấp độ nhờn còn có nhiều công dụng: Cấp ẩm tốt, hạn chế bốc hơi nước góp phần bảo vệ bề mặt cho nhãn cầu… thường được chỉ định sử dụng với các trường hợp bệnh nặng hơn.

- Sử dụng thuốc gia tăng tiết nước mắt: Nhóm thuốc này chỉ được phép sử dụng khi có sự cân nhắc kỹ lưỡng của bác sĩ. Thuốc giúp kích thích sự bài tiết nước cùng chất nhầy ở mắt. Thuốc này thường được sử dụng cùng nước mắt nhân tạo.

- Có thể chỉ định thuốc trị viêm mi mắt, viêm bề mặt nhãn cầu: Thường được chỉ định sử dụng ở những trường hợp có các thương tổn ở mí mắt. Các loại thuốc mỡ tra mắt thường được dùng nhiều.

- Phương pháp duy trì phim nước mắt: nhằm ngăn không cho nước mắt chảy qua đường lệ, giúp người bệnh giữ cho nước mắt ở lại lâu hơn bằng cách: Nút các điểm lệ lại bằng nút silicon hay phẫu thuật đóng lại điểm lệ vĩnh viễn. Phương pháp xâm lấn này được chỉ định khi điều trị nội khoa mà không thể cung cấp đủ độ ẩm cho mắt.

Cần chú ý: Người bệnh cần sử dụng thuốc tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ về liều dùng cũng như cách sử dụng; Nên duy trì vệ sinh mắt thường xuyên bằng nước muối sinh lý; Có thể kết hợp chườm ấm cho mắt thường xuyên; Tái khám mắt định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi tình trạng phục hồi của mắt.

Tóm lại: Khô mắt nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời dễ biến thành mãn tính dần khiến thị lực của người bệnh giảm dần.

Người bệnh tuyệt đối không được tự xử lý khắc phục tại nhà. Tự điều trị khô mắt nếu sai cách sẽ dẫn đến biến chứng nguy hiểm ở mắt như: Nhiễm trùng mắt, tổn thương, viêm, loét giác mạc… có thể gây mù lòa vĩnh viễn.

Vì vậy ngay khi gặp phải các bất thường ở mắt, người bệnh nên đi bệnh viện khám mắt để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị đúng cách. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nhận biết và điều trị khô mắt tránh suy giảm thị lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO