Nhan nhản quảng cáo thuốc "treo đầu dê bán thịt chó" trên mạng xã hội

Thanh Hải 07/09/2019 13:34

Bệnh viện bỗng nhiên thành địa chỉ uy tín cung cấp dịch vụ chữa tóc bạc; clip bản tin của truyền hình VTV trên mạng xã hội cũng bị cắt ghép, biến thành một bản tin giới thiệu sản phẩm khiến người tiêu dùng lầm tưởng sản phẩm chất lượng được giới thiệu trên truyền hình quốc gia.

Bản tin giới thiệu sản phẩm trên đài quốc gia?

Nhiều người bất ngờ xen lẫn hồ nghi khi xem một clip trên mạng xã hội, với gương mặt quen thuộc là phát thanh viên Đài Truyền hình Việt Nam, trong một chương trình của truyền hình nhưng lại đọc những nội dung bài viết liên quan đến một sản phẩm thực phẩm chức năng. Clip này được đăng tải công khai trên fanpage “Viện Nghiên Cứu Thuốc Dân Tộc Việt Nam”.

“Đây là thông tin do Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam công bố” - lời biên tập viên nói.

Thế nhưng, ngay sau lời dẫn này là nội dung nói về sản phẩm “Dạ dày Bitcoin” thuộc công trình nghiên cứu khoa học của Viện Nghiên cứu các bài thuốc dân tộcViệt Nam (VIMPHAR). Sản phẩm này có công dụng hỗ trợ điều trị các triệu chứng của bệnh đau dạ dày, viêm loét dạ dày tá tràng, ợ chua…

Kèm theo nội dung trên là đoạn clip dài khoảng 3 phút quảng bá về sản phẩm. Người xem được “mắt thấy, tai nghe” về sản phẩm do chính Đài Truyền hình Việt Nam… giới thiệu.

Dù xem kĩ lưỡng đoạn clip, không mấy người nhận ra nội dung này đã bị cắt ghép, chỉnh sửa.

Theo ông PhạmThế Hiệp (67 tuổi, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội), lúc đầu ông nhận định sản phẩm “Dạ dày Bitcoin” đáng tin cậy để sử dụng. Khi phát hiện ra “thủ thuật” này nhằm mục đích quảng cáo sản phẩm, ông cảm thấy bản thân bị lừa dối, “không đúng sự thật”.

“Nhà thuốc lợi dụng cắt ghép clip này với phần đầu là của VTV, sau đó lồng ghép với cái ý (giới thiệu sản phẩm - PV) của nhà thuốc này… tức  là treo đầu dê, bán thịt chó” - ông Hiệp nói.

Bệnh viện, bác sĩ bỗng dưng “nổi như cồn” vì chữa bạc tóc siêu hiệu quả

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thông tin, tổng đài của bệnh viện liên tục nhận được điện thoại hỏi về thuốc điều trị bạc tóc, thuốc chữa nám…do bệnh viện bào chế, kiểm nghiệm.

Bệnh viện Trung ương quân đội 108 đã phải thực hiện cuộc “điều tra”, phát hiện trên mạng mạng xã hội, nhiều fanpape lấy tên liên quan đến bệnh viện 108 quảng cáo các sản phẩm này

Theo đó, các fanpape lấy tên liên quan đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để quảng cáo có bán, kiểm nghiệm thuốc điều trị bạc tóc, thuốc trị nám, sản phẩm làm đẹp, các cơ sở khám, chữa bệnh mang danh viện 108…

Bệnh viện Trung ương 108 cũng đã phải lên tiếng chính thức khẳng định Bệnh viện chưa triển khai kiểm nghiệm, sản xuất các loại dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng vì vậy thông tin quảng cáo của các nhà sản xuất, các cá nhân quảng cáo dược phẩm điều trị bệnh, hay mỹ phẩm, sản phẩm làm đẹp (thuốc trị bạc tóc, rụng tóc, làm đẹp da, thẩm mỹ nhũ hoa, thuốc trị nám…) được sản xuất hay kiểm nghiệm tại Bệnh viện TWQĐ 108 đều là những thông tin không chính xác.

Nhan nhản quảng cáo thuốc treo đầu dê bán thịt chó trên mạng xã hội - 1

Bệnh viện Trung ương quân đội 108 có địa chỉ duy nhất tại số 1, Trần Hưng Đạo, Quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội. Bệnh viện không có cơ sở nào ngoài địa chỉ trên. Tất cả các cơ sở khám chữa bệnh mang tên”viện 108”; “viện quân đội 108”,…ở các địa chỉ khác đều là giả mạo.

Nhan nhản quảng cáo thuốc treo đầu dê bán thịt chó trên mạng xã hội - 2

Những hình ảnh mạo danh bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: BV cung cấp.

Vì vậy, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khuyến cáo khách hàng tìm hiểu kỹ thông tin trước khi sử dụng dịch vụ và sản phẩm và cảnh giác với những thông tin giả mạo. Fanpage của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (có tích xanh), người dân nên xem xét kĩ để tránh bị những rủi ro đáng tiếc.

Trên trang website chính thức của Viện dinh dưỡng quốc gia cũng đưa ra cảnh báo về việc trên mạng xã hội mạo danh tên viện để bán các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ.

Thông tin tư vấn, quảng cáo, bán hàng tràn lan trên mạng nhân danh Viện Dinh dưỡng quốc gia. Trên facebook này có sử dụng logo, hình ảnh các bác sĩ tại viện nhằm mục đích tư vấn, bán sản phẩm.

TS.BS Phan Bích Nga, Trưởng khoa Tư vấn dinh dưỡng trẻ em, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khẳng định các facebook sử dụng logo, hình ảnh của Viện Dinh dưỡng này là giả mạo. Các sản phẩm họ bán cũng không có bán tại Viện Dinh dưỡng.

Theo bà Nga, tình trạng giả mạo này rất trắng trợn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín viện. "Không bao giờ chúng tôi có hình thức quảng cáo, nhắn tin đến khách hàng, gọi điện đến khách hàng để lôi kéo bệnh nhân. Viện dinh dưỡng Quốc gia chỉ có website chính thức nên người dân cần ảnh giác với các chiêu trò trên mạng xã hội để quảng cáo, bán thuốc.

TS.TS Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Tế bào gốc (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cũng bỗng nhiên nổi tiếng trên mạng xã hội khi hình ảnh bác sĩ cười tươi được quảng cáo cho một sản phẩm chống bạc tóc.

Trên trang facebook cá nhân, TS Vũ Thái Hà khẳng định: Hiện nay có nhiều trang facebook và website lấy những hình ảnh của các bác sĩ, trong đó có tôi để quảng cáo cho dịch vụ của họ.

Tôi xin thông báo, ngoài những thông tin từ các trang web và facebook của cơ quan nhà nước và báo đài chính thức, tôi không quảng cáo hay đứng tên bảo trợ cho bất kỳ một sản phẩm nào. Các bạn hãy hết sức thận trọng, và có thể hỏi các bác sĩ chuyên khoa về tác dụng thực sự trước khi sử dụng.

Nhan nhản quảng cáo thuốc treo đầu dê bán thịt chó trên mạng xã hội - 3

TS Vũ Thái Hà khẳng định fanpage này mạo danh ông để quảng cáo. "Họ chặn tôi vào trang này trong khi các bạn bè của tôi vẫn vào xem được", TS Hà cho biết.

Là người đứng đầu cơ quan quản lý các mặt hàng thực phẩm chức năng, TS.BS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm( Bộ Y tế) cũng phải kêu trời về 1001 mánh khoé quảng cáo, bán hàng của các doanh nghiệp.

Tình trạng quảng cáo trên mạng xã hội, giả danh bác sĩ, bệnh viện để quảng cáo sản phẩm là nhanh nhản.

“Thậm chí nhãn hàng còn giả danh cơ quan truyền thông để quảng cáo sản phẩm, nổi bật là việc cắt cúp các clip của truyền hình, “thay ruột” bằng nội dung quảng cáo sản phẩm.

“Không chỉ lợi dụng, mạo danh hình ảnh của bác sĩ, cơ sở y tế, mà chính các cơ quan truyền thông cũng đang bị lợi dụng hình ảnh. Đó là một bản tin thời sự nhưng lại được cắt ghép, lồng tiếng quảng cáo sản phẩm; là hình ảnh bác sĩ cam kết sản phẩm chất lượng… Với uy tín của các cơ quan này, cá nhân này, người tiêu dùng dễ bị lầm tưởng là sản phẩm chất lượng.

Hay trên các website, tuần nào Cục An toàn thực phẩm cũng phát hiện những quảng cáo sai sự thật về sản phẩm, quảng cáo với công dụng “trên trời”, thuốc tiên chữa đủ thứ bệnh, tuy nhiên việc truy tìm nguồn gốc của những quảng cáo này để xử phạt lại vô cùng gian nan.

(Theo Hồng Hải - Văn Cường/Dân trí)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nhan nhản quảng cáo thuốc "treo đầu dê bán thịt chó" trên mạng xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO