PLBĐ - Ngày 14-11, tin từ bệnh viện Đặng Văn Ngữ (thuộc Viện sốt rét ký sinh trùng Trung ương) cho biết vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân L.T.S (64 tuổi, ngụ Hà Nội) bị nhiễm sán dây.
Bệnh nhân cho biết khoảng một tuần nay xuất hiện các triệu chứng đau bụng âm ỉ vùng quanh rốn, đại tiện ra đốt sán, có lúc các đốt sán tự bò ra ngoài hậu môn, gây cảm giác khó chịu.
Bệnh nhân có thói quen hay ăn thịt bò tái và rau sống. Tại BV, bệnh nhân được bác sĩ thăm khám, chỉ định các xét nghiệm và hướng dẫn lấy mẫu bệnh phẩm đốt sán.
Kết quả cho thấy bệnh nhân bị nhiễm sán dây, sau đó bệnh nhân được bác sĩ khám bệnh tư vấn và điều trị.
Sán dây trong bụng bệnh nhân (Ảnh: BVCC)
Theo các bác sĩ, bệnh sán dây (taeniasis) là một bệnh ký sinh trùng lây truyền từ động vật sang người do tập quán ăn thịt lợn, thịt bò chưa nấu chín bị nhiễm ấu trùng sán. Bệnh sán dây phân bố ở nhiều nước có điều kiện kinh tế khó khăn, điều kiện vệ sinh môi trường thấp kém thuộc khu vực Châu Phi, Mỹ Latin, Đông Nam Á... trong đó có Việt Nam.
Bệnh sán dây là do các loài sán dây trưởng thành gồm sán dây lợn (Taenia solium), sán dây bò (Taenia saginata), và sán dây Châu Á (Taenia asiatica) ký sinh trong ruột gây nên.
Người ở tất cả các lứa tuổi và cả hai giới đều có khả năng mắc bệnh sán dây. Sán trưởng thành ký sinh ở ruột non. Khi đầu sán bám vào niêm mạc ruột sẽ kích thích gây viêm tại chỗ đồng thời sán tiết ra kháng nguyên vào máu sẽ sinh ra kháng thể đặc hiệu. Kháng thể đặc hiệu có thể xuất hiện 3 - 4 tuần sau khi nhiễm và tồn tại trong thời gian ngắn.
Người bệnh khi bị nhiễm thường có triệu chứng không điển hình như sau đau bụng âm ỉ vùng rốn; buồn nôn, nôn khan; rối loạn tiêu hóa, táo bón hoặc tiêu chảy; thỉnh thoảng thấy đốt sán bò ra hậu môn hoặc theo phân ra ngoài.
Bệnh sán dây có thể khỏi hoàn toàn khi được chẩn đoán đúng và điều trị đúng cách, do đó các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh có các triệu chứng bệnh như trên cần đến bệnh viện để được chẩn đoán bệnh sớm và điều trị bệnh kịp thời.
Các biện pháp phòng bệnh bao gồm:
Tuyên truyền cho người dân về tác hại và đường lây truyền của bệnh sán dây và bệnh ấu trùng sán dây lợn để chủ động phòng chống bệnh.
Vệ sinh cá nhân, không ăn thịt bò/lợn tái hoặc chưa nấu chín, thực hiện ăn chín, uống chín, ăn rau sống phải rửa sạch dưới vòi nước.
Quản lý và xử lý nguồn phân tươi hợp lý, tránh reo rắc mầm bệnh ra môi trường.
Phát hiện và tẩy sán trưởng thành sớm nếu bị nhiễm bệnh.