Nhiều bất thường tại hệ thống cửa hàng thực phẩm Bếp Diêm Phố?

Quỳnh Mai 10/05/2022 21:55

PLBĐ - Tại Cửa hàng thực phẩm Bếp Diêm Phố rất nhiều mặt hàng là nước đóng chai, mỹ phẩm, nước giặt, bánh kẹo, thực phẩm, trên bao bì chỉ có tiếng nước ngoài, không có tem nhãn phụ tiếng Việt. Tại đây cũng có dấu hiệu trốn thuế khi nhân viên từ chối xuất hóa đơn cho khách hàng.

Theo quy định tại Nghị định số 43/2017 của Chính phủ về ghi nhãn hàng hóa, từ ngày 1/6/2017, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam khi lưu thông trên thị trường mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt, thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa.

Việc bắt buộc sản phẩm nhập khẩu phải có gắn tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt đảm bảo cho người tiêu dùng có thể nhận biết nguồn gốc, xuất xứ và các thông tin cần thiết về hàng hóa nhập khẩu. Đồng thời, quy định dán nhãn phụ bằng tiếng Việt đối với hàng nhập khẩu còn hạn chế sự trà trộn của hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Cửa hàng thực phẩm Bếp Diêm Phố bị xử phạt vì bán hàng không rõ nguồn gốc? - Ảnh 1.

Nhiều sản phẩm tại Bếp Diêm Phố không được dán nhãn phụ tiếng Việt.

Tuy nhiên, thực tế ghi nhận nhiều sản phẩm nhập khẩu hiện nay trên thị trường không có nhãn phụ. Trong đó có các sản phẩm được bày bán trong hệ thống của Cửa hàng thực phẩm Bếp Diêm Phố (Bếp Diêm Phố).

Theo một số thông tin phản ánh đến Báo Sức khỏe và Đời sống, tại 4 cơ sở kinh doanh của Bếp Diêm Phố (số 7, Ngõ 25 Nguyễn Chí Thanh, Ba Đình, Hà Nội; Số 86 Nguyễn Văn Lộc, Mộ Lao, Hà Đông, Hà Nội; Ngõ Hoà Bình 6, Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội; B15 - 05, Violet 03, Vinhomes Gardenia, Hàm Nghi, Hà Nội) bày bán nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt... khiến nhiều người tiêu dùng phải đặt dấu hỏi chấm, nghi ngờ về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.

Theo ghi nhận thực tế của Phóng viên tại hai cơ sở Bếp Diêm Phố ở số 86 Nguyễn Văn Lộc, và B15 - 05, Violet 03, Vinhomes Gardenia, rất nhiều mặt hàng là nước đóng chai, mỹ phẩm, nước giặt, bánh kẹo, thực phẩm, trên bao bì chỉ có tiếng nước ngoài, không có tem nhãn phụ. Ngoài ra, trên Fanpage Facebook của Bếp Diêm Phố và website bepdiempho.vn nhiều mặt hàng nhập khẩu cũng được làm mờ nhãn hiệu, không ghi nhãn phụ bằng tiếng Việt.

Nhiều bất thường tại hệ thống cửa hàng thực phẩm Bếp Diêm Phố? - Ảnh 2.

Việc làm mờ các nhãn hiệu bất thường trên Fanpage Facebook của Bếp Diêm Phố

Chưa hết, khi Phóng viên đề nghị mua hàng với số lượng lớn tại đây và được xuất hóa đơn thì nhân viên tại Bếp Diêm Phố từ chối và cho biết "ở đây không xuất hóa đơn".

Để có thông tin chính xác, khách quan, Phóng viên đã đặt lịch làm việc tại Bếp Diêm Phố ở địa chỉ số B15 - 05, Violet 03, Vinhomes Gardenia, Hàm Nghi, Hà Nội nhưng không có thông tin phản hồi. Sau đó, Phóng viên nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0968090xxx, một người tự xưng là chủ cửa hàng này cho biết, các cơ sở thuộc Bếp Diêm Phố đều do những người khác đứng tên và không liên quan gì đến nhau. 

Việc nhiều sản phẩm không có nhãn phụ tiếng Việt là do sai sót, sản phẩm có giấy tờ và hóa đơn đầy đủ nhưng "nhỡ quên không dán" và đã bị cơ quan chức năng xử phạt?.

Cửa hàng thực phẩm Bếp Diêm Phố bị xử phạt vì bán hàng không rõ nguồn gốc? - Ảnh 2.

Rất nhiều mặt hàng là nước đóng chai, mỹ phẩm, nước giặt, bánh kẹo, thực phẩm, trên bao bì chỉ có tiếng nước ngoài, không có tem nhãn phụ.

"Sai đến đâu thì tôi sẽ chịu phạt đến đấy… Khi các cơ quan chức năng đến làm việc chúng tôi đã bị phạt... ví dụ như quả ổi không có giấy tờ…", chủ cửa hàng cho hay.

Những sản phẩm nào đang được bày bán tại chuỗi Cửa hàng thực phẩm Bếp Diêm phố không có giấy tờ, không rõ nguồn gốc xuất xứ và đã bị cơ quan chức năng xử phạt? Việc mua và sử dụng hàng hóa tại đây có tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng hay không?

Pháp luật & Bạn đọc sẽ tiếp tục thông tin.

Khoản 4 Điều 11 Thông tư 10/2014/TT-BTC được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Thông tư 176/2016/TT-BTC quy định:

Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ có giá trị thanh toán từ 200.000 đồng trở lên cho người mua theo quy định.

Cùng với việc bị xử phạt, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải lập hóa đơn giao cho người mua.

Nhóm PV

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nhiều bất thường tại hệ thống cửa hàng thực phẩm Bếp Diêm Phố?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO