Thời gian gần đây, có nhiều trường hợp đã đến Bệnh viện Da liễu TPHCM để khám do bị viêm da tiếp xúc bởi kiến ba khoang gây ra. Vậy làm gì để phòng và cách xử trí thế nào?
Ghi nhận thực tế, hàng năm vào khoảng tháng 8 đến tháng 10, rất nhiều người bệnh bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang phải đi khám với tổn thương da là các dát đỏ thành dải, rải rác có thể kèm theo mụn nước, mụn mủ chủ yếu ở vùng da hở, kèm theo cảm giác ngứa rát nhiều.
Kiến ba khoang thuộc bộ cánh cứng, loài côn trùng này có thân mình thon, dài (dài 0,5 - 1,5cm), có hai màu đỏ và đen. Chúng thường sống ở các ruộng lúa, vườn cây, ven bờ suối hoặc dưới tán cây ở các bìa rừng, bãi rác thải, công trình đang xây dựng,... Chúng thường xuất hiện và phát triển vào đầu mùa mưa khi có độ ẩm cao, nhất là sau các cơn mưa lớn đầu mùa, rất thích ánh sáng đèn ban đêm nên thường bay vào đèn, vào nhà khi sáng đèn.
Do trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố pederin. Lượng chất độc pederin có độc tính rất mạnh, độc chất này cũng có hoạt tính gây bỏng , vì thế khi tiếp xúc vào da có thể gây bỏng, rát đôi khi hoại tử vùng da nếu tiếp xúc lượng lớn độc tố Pederin.
Mặc dù côn trùng cánh cứng thường không đốt, cắn người nhưng nhiều loài có chứa các chất hóa học có thể gây thương tổn da người. Hầu hết các thương tổn là do khi bọ cánh cứng đậu vào da, bị giết đập, chà xát làm cho các hóa học này được giải phóng ra ngoài tiếp xúc với da .
Kiến ba khoang thường hoạt động vào ban đêm, lúc mọi người đang ngủ nên sáng sớm thức dậy, các triệu chứng thường thấy:
Khi phát hiện thấy tổn thương do kiến ba khoang cần rửa sạch vùng da bị phơi nhiễm bằng nước sạch, nước muối sinh lý để giảm bớt độc tố thẩm thấu nhanh vào da, hạn chế phản ứng viêm tại chỗ và lan rộng ra vùng da khác.
Người bệnh không tiếp xúc các vùng da lành với vùng da bị dính độc tố pederin. Tránh gãi hay chà mạnh lên vùng da bị tổn thương.
Tuyệt đối không nên tự tìm cách chữa cho mình tại nhà bằng cách đắp các loại lá trong dân gian bởi có thể khiến vết thương lan rộng và bị nhiễm trùng.
Nên đến các cơ sở có bác sĩ chuyên khoa da liễu để thăm khám và chẩn đoán chính xác từ đó có phương án điều trị đúng và an toàn.
Sau khi thăm khám, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân sử dụng một số loại thuốc rửa, thuốc bôi, thuốc uống tùy theo tình trạng của bệnh: Bôi thương tổn bằng các thuốc Corticoid phối hợp với kháng sinh, uống kháng Histamin để chống ngứa, tùy mức độ nặng nhẹ của bệnh có thể dùng đường uống thêm Corticoid hoặc kháng sinh…
Nhà nên sử dụng lưới các cửa sổ và cửa ra vào, hạn chế mở cửa nhiều, nên buông rèm cửa để tránh kiến ba khoang bay vào nhà, nhất là trong những ngày mưa lớn.
Khi nhìn thấy kiến ba khoang, tuyệt đối không được dùng tay nghiền nát hoặc chà xát chúng trên thân mình để tránh độc tố pederin tiết ra.
Có thể dùng bình xịt côn trùng để xua đuổi kiến khỏi nơi ở. Vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ xung quanh nhà, vì đây là nơi trú ẩn tốt cho kiến ba khoang. Khi đi làm việc trên đồng ruộng, vườn cây nhất là mùa cần dùng phương tiện bảo hộ lao động.
Chú ý: Viêm da tiếp xúc kích ứng do kiến ba khoang là một bệnh thường xuất hiện theo mùa, chiểm tỉ lệ nhiều đầu mùa mưa. Nhiều trường hợp bệnh nhân tự bôi các loại thuốc không đúng gây nên các biến chứng nặng, nguy hiểm cho sức khỏe. Vì vậy, người dân biết cách phòng tránh bệnh viêm da tiếp xúc kích ứng do kiến ba khoang, nếu tự phát hiện có biểu hiện bệnh lý nên đến khám tại cơ sở y tế để điều trị kịp thời.