Nhiều cái chết thương tâm do ăn nhầm lá ngón: Làm sao để nhận biết và xử trí kịp thời?

24/09/2021 16:02

PLBĐ - Vụ việc nữ sinh lớp 7 ở Nghệ An không may ăn nhầm lá ngón dẫn đến tử vong khiến nhiều người không khỏi xót xa. Trước đó, ở nước ta cũng đã có không ít những trường hợp tương tự.

Nhiều cái chết thương tâm do ăn nhầm lá ngón

Sáng 24/9, ông Lữ Trung Thành - Chủ tịch UBND xã Nậm Nhóong (huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) cho biết, trên địa bàn vừa có một học sinh tử vong do ăn nhầm lá ngón. Nạn nhân được xác định là em V.T.T.H. (SN 2008, trú tại bản Na, xã Nậm Nhóong) là nữ sinh lớp 7 của một trường học trên địa bàn.

Trước đó, chiều 23/9, em H. cùng mẹ vào khu vực nương rẫy của gia đình ở trên rừng làm việc. Khoảng 7h tối cùng ngày, H. đau bụng nên đi quanh rừng tìm hái lá ổi để ăn chữa đau bụng. Không lâu sau, H. xuất hiện triệu chứng bị ngộ độc nên được người thân đưa đến trạm y tế xã chữa trị. Tuy nhiên, H. đã tử vong sau đó.

Nguyên nhân được xác định, có thể em H. khi hái lá ổi đã hái nhầm lá ngón ăn dẫn đến sự việc đáng tiếc nói trên.

Nhiều cái chết thương tâm do ăn nhầm lá ngón: Làm sao để nhận biết và xử trí kịp thời? - Ảnh 1.

Cây lá ngón. (Ảnh minh họa)

Được biết, vụ việc trên không phải là trường hợp "mất mạng oan" vì ăn nhầm lá ngón hiếm hoi. Trước đó, ngày 12/7/2020, nhóm 5 người dân ở xã Linh Hồ (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) đi hái rau rừng để nấu canh ăn, tuy nhiên nhóm này hái nhầm lá ngón. Sau khi ăn, cả 5 người thấy buồn nôn, tê chân tay, tê miệng, khó chịu nên đã gọi cho người thân đến đưa đi cấp cứu. Vụ việc đã khiến 3 người tử vong.

Một vụ việc thương tâm khác cũng đã ra vào ngày 13/4/2019, chị Giàng Thị C. (SN 1984, trú tại bản Hô Củm, xã Chà Tở, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) bế theo con gái đi hái rau rừng. Tại đây, chị C. để con ngồi dưới đất nên cháu bé đã vặt cả lá ngón mọc bên cạnh cho vào giỏ rau. Về nhà, chị C. mang số rau đi nấu canh cho cả nhà ăn. Do chồng đi đám ma ở bản, con trai thứ 2 đi học nên chỉ có chị C. và 3 cháu còn lại ăn canh.

Sau khi ăn nhầm lá ngón có trong canh, cả nhà chị C. bị đau bụng dữ dội, hàng xóm phát hiện đã hô hoán cả bản đến cứu giúp. Tuy nhiên, chị C. đã tử vong. Các cháu được đưa đến Trung tâm y tế xã cấp cứu, song do ăn phải quá nhiều lá ngon trong canh nên con trai chị là Sùng A.D. (SN 2002) cũng tử vong. 

Cách nhận biết và độc tính của lá ngón

Cây lá ngón có thân và phần cành không có lông. Trên phần thân hơi có khía dọc. Lá ngón có hình thuôn dài, mọc đối xứng, đầu nhọn, bóng nhẵn. Lá ngón sẽ dài khoảng 7 - 12cm và có bề rộng 2,5 - 5,5cm. Chúng thường mọc thành chùm ở đầu cành. Hoa lá ngón thường nở vào tháng 6, 8, 10 và có màu vàng với 5 cánh. Quả của lá ngón có màu nâu, thon dài, rộng khoảng 0,5cm, không có lông bao quanh. Hạt lá ngón khá nhỏ, có màu nâu nhạt. 

Ở Việt Nam, lá ngón được coi là một trong 4 loại cây có độc tính hàng cao nhất (thuộc độc bảng A) gồm: cây củ chi, lá ngón, trúc đào và cây sui. Trong lá có chứa một chất kịch độc có thể ngay lập tức gây ra cái chết. Đó chính là hoạt chất cực độc alkaloid, một loại độc tố nguy hiểm. Các alkaloid chứa trong toàn bộ cây, độc tính giảm dần theo thứ tự rễ, lá, hoa, quả và thân cây.

Triệu chứng người bị ngộ độc lá ngón

- Đau bụng, buồn nôn, khó chịu, mệt mỏi, bí đái, da lạnh, vã mồ hôi, yếu mệt cơ tay chân khó vận động, nặng có thể gây liệt cơ hoàn toàn.

- Giãn đồng tử dẫn đến nhạy cảm với ánh sáng, chói mắt, sụp mi và liệt cơ hàm dưới dẫn đến rơi hàm dưới không khép được vào miệng.

- Thở yếu, thở chậm dẫn đến suy hô hấp; nhịp tim chậm, huyết áp tụt có thể dẫn đến ngừng tim; tăng phản xạ gân xương, co giật.

- Nạn nhân tử vong có nguyên nhân do liệt cơ, suy hô hấp và ngừng tuần hoàn.

Cách xử trí và phòng ngừa ngộ độc lá ngón

Nếu không phát hiện sớm, sơ cứu, cấp cứu và điều trị kịp thời, bệnh nhân thường tử vong sau 1 - 7 giờ. Do vậy, khi phát hiện người bị ngộ độc cây lá ngón, phương pháp xử trí ban đầu hết sức quan trọng. Theo đó, cần nhanh chóng loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể bằng các biện pháp như: gây nôn, uống đầy nước, móc họng để kích thích gây nôn.

Sau đó nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để loại bỏ độc chất, ngăn cản hấp thu độc chất bằng cách rửa dạ dày, uống than hoạt, truyền dịch. Khẩn trương đưa bệnh nhân đến bệnh viện chuyên khoa có đầy đủ trang thiết bị cấp cứu để giải độc.

Để phòng ngừa ngộ độc lá ngón, biện pháp hữu hiệu nhất là nên chặt bỏ tất cả những cây lá ngón được tìm thấy. Hiện, phần lớn bệnh nhân bị ngộ độc lá ngón ở nước ta là do tự tử hoặc bị đầu độc. Vì vậy, cần phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý tâm thần như trầm cảm, stress… là nguyên nhân gây tự sát. Không nên để những người này tiếp cận với lá ngón.

T.H (th)


(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nhiều cái chết thương tâm do ăn nhầm lá ngón: Làm sao để nhận biết và xử trí kịp thời?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO