Nhiều người chọn tránh xa thói quen 'cúi đầu' để có không gian riêng tư

18/11/2024 14:10

Những ngày qua, mạng xã hội xôn xao trước một bài đăng nói về thói quen bật chế độ 'không làm phiền' cả ngày đã nhanh chóng gây sốt, thu hút hàng ngàn lượt thích và bình luận.

Vừa qua, một bài đăng trên nền tảng Threads nói về thói quen bật chế độ 'không làm phiền' trên điện thoại của các bạn trẻ đã nhanh chóng nhận được gần 100.000 lượt xem và hơn 4.000 lượt thích cùng hàng trăm bình luận bày tỏ quan điểm đồng tình chỉ sau 1 ngày đăng tải.

Đa số những bình luận dưới bài viết này cho thấy, đây không phải câu chuyện của riêng ai. Hầu hết những người bình luận đều đồng cảm với xu hướng này và thậm chí cho rằng đây là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của họ.

Sự quá tải do một lượng tin nhắn khổng lồ và vô vàn các loại thông báo từ mạng xã hội, ứng dụng... đã khiến nhiều bạn trẻ thường xuyên chuyển điện thoại sang chế độ "không làm phiền" để kiểm soát tình trạng “ngợp” thông tin.

Nghiện mạng xã hội- Ảnh 1.
Bài viết đăng tải thể hiện cảm giác thoải mái khi bật chế độ 'không làm phiền'.

Tránh cảm giác bị 'làm phiền' bởi những thứ không đâu

Quang Dũng (20 tuổi đến từ Hà Nội) chia sẻ: "Mình cảm thấy việc bật chế độ không làm phiền giúp mình giảm căng thẳng, không bị ảnh hưởng bởi các tin nhắn nhóm hay công việc cứ đổ dồn dập đến. Điều này cho phép mình tận hưởng từng khoảnh khắc hiện tại mà không cần lo lắng về những tiếng chuông báo liên tục".

Cùng quan điểm trên, Quỳnh Trang (đến từ trường Đại học Thương mại Hà Nội) cũng bày tỏ: "Khi bật chế độ mặt trăng, mình mới có cảm giác như đang dành thời gian cho chính bản thân. Việc này không phải là tách biệt với thế giới hoàn toàn mà chỉ là giảm tải bớt những áp lực thường ngày".

Thật vậy, hiện nay rất nhiều bạn trẻ cho rằng tiếng thông báo từ các nhóm chat học tập, làm việc đang trở thành "gánh nặng" hơn là một công cụ liên lạc. Thậm chí, họ cho rằng âm thanh tin nhắn dễ trở thành nguyên nhân gây mất tập trung và căng thẳng. Bởi lẽ hiện nay không chỉ các tin nhắn nhóm trao đổi học tập, công việc mà còn cả những thông báo ứng dụng tràn lan. Chính vì vậy, việc bật chế độ 'mặt trăng' là một cách để duy trì sự bình tĩnh, giúp họ chủ động hơn trong việc xử lý công việc và thông tin cá nhân.

Dành khoảng thời gian riêng tư cho chính bản thân mình

Nhiều bạn trẻ bật chế độ không làm phiền là để dành thời gian cho chính bản thân mình. Việc làm này giúp họ tránh được những gián đoạn không cần thiết trong các hoạt động như học tập hay làm việc. Với họ, đây là cách bảo vệ tâm trạng và nâng cao năng suất.

Hoài Thanh (23 tuổi, đến từ Hà Nội) cho biết: "Khi mình làm việc, mình chỉ tập trung vào nhóm chat của công việc nên đã bật chế độ không làm phiền. Sau khi hoàn thành công việc, mình hoàn toàn có thể làm những việc khác theo sở thích. Kể cả những ngày thứ bảy hay chủ nhật, nếu là ngày nghỉ thì mình cũng sử dụng chế độ này để có thể tự do vui chơi hoặc nghỉ ngơi mà không sợ bị ngắt quãng".

Giảm tải việc 'nghiện' mạng xã hội

Nghiện mạng xã hội- Ảnh 2.
Nhiều bạn trẻ bày tỏ việc bật chế độ không làm phiền giúp họ tránh khỏi việc 'nghiện cúi đầu'.

Bên cạnh những hữu ích như dành thời gian riêng cho bản thân, tập trung công việc,.. thì một số bạn trẻ khác lại cho rằng đây cũng là một cách giúp các bạn có thói quen xây dựng ranh giới trong kết nối số.

Cụ thể, khi bật chế độ 'không làm phiền' sẽ giúp các bạn trẻ tách biệt "hai thế giới", tạo điều kiện để tập trung vào những điều quan trọng trong những khoảng thời gian riêng tư, tránh bị quá tải thông tin. Họ chỉ kết nối khi thật sự cần thiết, từ đó duy trì sự kiểm soát tốt hơn trong thời đại số hóa.

Thiều Quang (đến từ TP.HCM) chia sẻ: "Mình cảm thấy khi sử dụng chế độ ‘không làm phiền’ sẽ giúp mình giữ được ranh giới và sự cân bằng giữa thế giới ảo và cuộc sống thật. Khi bật chế độ này, mình chỉ nhận thông báo từ những người hoặc ứng dụng thực sự quan trọng. Chính vì vậy, mình có thời gian để tập trung vào những việc thực sự cần thiết mà không bị phân tâm. Điều này giúp mình cảm thấy không bị 'ngợp' khi các thông báo từ mạng xã hội cứ liên tục ập đến".

Theo một nghiên cứu của Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia Mỹ, người trẻ sử dụng mạng xã hội thường xuyên có nguy cơ trầm cảm cao hơn 27% so với những người ít sử dụng. Áp lực phải thể hiện hình ảnh hoàn hảo trên mạng cũng góp phần gây ra lo âu, căng thẳng.

Một nghiên cứu của ĐH Michigan (Mỹ) chỉ ra rằng sinh viên dành nhiều thời gian trên mạng xã hội có khả năng đồng cảm thấp hơn và gặp khó khăn trong việc đọc biểu cảm khuôn mặt của người khác.

Tuy nhiên, để không bỏ lỡ những tin nhắn hay cuộc gọi quan trọng, bạn chỉ nên bật chế độ này trong một khoảng thời gian nhất định hoặc cài đặt để chỉ nhận thông báo từ một số người. Nhiều điện thoại hiện nay đã cải tiến chế độ này với tính năng cho phép thông báo cuộc gọi từ các số ưu tiên.

Theo giadinh.suckhoedoisong.vn
https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nhieu-nguoi-chon-tranh-xa-thoi-quen-cui-dau-de-co-khong-gian-rieng-tu-172241117000350788.htm
Copy Link
https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nhieu-nguoi-chon-tranh-xa-thoi-quen-cui-dau-de-co-khong-gian-rieng-tu-172241117000350788.htm
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nhiều người chọn tránh xa thói quen 'cúi đầu' để có không gian riêng tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO