Những ngày cuối năm, tại Hà Nội xuất hiện tình trạng nhiều “ma men” tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn gấp nhiều lần mức kịch khung. Đáng nói, không ít người say xỉn tỏ thái độ bất hợp tác, chống đối lực lượng chức năng.
Vào 20h15 ngày 19/12, trên đường Hoàng Quốc Việt, tổ công tác Y9/141 Công an thành phố Hà Nội phát hiện anh V.P.A (sinh năm 1979, ở khu tập thể Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội) điều khiển xe máy biển kiểm soát 29X5-011.xx có biểu hiện không bình thường.
Cảnh sát giao thông và cảnh sát cơ động đã yêu cầu anh V.P.A. dừng xe, kiểm tra hành chính vi phạm về nồng độ cồn. Kết quả kiểm tra đối với anh V.P.A ở mức cao nhất từ trước đến nay là 1,235 miligram/ lít khí thở. Đây là một trong những trường hợp vi phạm cao nhất từ trước đến nay được phát hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Đáng nói, trong quá trình làm việc với tổ công tác, anh V.P.A luôn có thái độ chống đối và có biểu hiện bất bình thường như không chịu ký vào biên bản vi phạm xác lập từ thực tế kiểm tra.
Người này còn tự xưng là "Hùng đội phó Cảnh sát cơ động" và đe doạ, định hành hung những người dân chứng kiến vụ việc.
Tương tự vào thời gian trên, tại nút giao Lý Thái Tổ - Trần Nguyên Hãn, quận Hoàn Kiếm, tổ công tác Y1/141 phải mất gần 2 tiếng giải quyết lái xe ô tô vi phạm nồng độ cồn có biểu hiện chống đối, chây ỳ không ký biên bản, đòi kiểm tra kế hoạch tổ công tác, giấy tờ vận hành máy đo nồng độ cồn, thậm chí đe dọa người chứng kiến khi tổ công tác mời vào làm việc.
Nói về vấn đề người vi phạm say xỉn có thái độ bất hợp tác, chống đối người thi hành công vụ, Trung tá Đinh Ngọc Đạo, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông số 1, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) - Tổ trưởng Tổ công tác Y1/141 cho biết, căn cứ vào kết quả đo nồng độ, lực lượng chức năng sẽ lập biên bản ghi nhận từ thực tế.
Trường hợp người vi phạm thắc mắc về kế hoạch, về giám định máy đo nồng độ cồn… cán bộ xử lý đã hướng dẫn kế hoạch được công bố công khai trên trang website Công an thành phố Hà Nội và cơ quan thông tấn báo chí để người dân được biết và phối hợp thực hiện. Máy đo nồng độ cồn đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp chứng nhận, cán bộ vận hành máy chịu sự giám sát của đơn vị cung cấp máy, không có trách nhiệm trình bày, giải thích với người vi phạm.
"Về trường hợp, người vi phạm không ký vào biên bản vi phạm được lập tại hiện trường khi có sự chứng kiến của nhiều nhân chứng, như vậy đã tự đánh mất quyền lợi công dân. Bởi sau đó khi tới làm việc với cơ quan chức năng, người vi phạm phải tự chứng minh mình chính là người vi phạm và tài sản bị tạm giữ là của bản thân.
Việc tự chứng minh bản thân cũng áp dụng khi người vi phạm có khiếu kiện tới cơ quan chức năng nếu không sẽ là vu khống, xúc phạm danh dự bản thân và cơ quan thực thi pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm theo luật định" - Trung tá Đinh Ngọc Đạo giải thích.
Còn với trường hợp đe dọa nhân chứng, Thượng úy Nguyễn Hải Anh, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 9, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, cán bộ công an và nhiều người chứng kiến sẽ ghi nhận việc người làm chứng bị đe doạ, sau đó hướng dẫn người bị đe dọa viết đơn yêu cầu được cơ quan chức năng bảo vệ.
Công an phường, cảnh sát hình sự có mặt tại tổ công tác sẽ trực tiếp tiếp nhận phản ánh từ người bị hại về yêu cầu điều tra làm rõ. Nếu đối tượng đe dọa nhân chứng có dấu hiệu hình sự sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật.
Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng phòng Cảnh sat giao thông (Công an thành phố Hà Nội) nhấn mạnh, trong quá trình làm nhiệm vụ với những trường hợp chống đối và có biểu hiện chống đối, yêu cầu cán bộ khi thực thi nhiệm vụ chủ động ghi hình, xác lập hồ sơ ban đầu xử lý nghiêm sau này tạo sự răn đe trước pháp luật.