Nhiều vụ ngư dân ngạt khí độc dưới hầm chứa cá, làm gì để phòng ngừa?

13/09/2022 09:40

PLBĐ - Xuống vệ sinh hầm cá, 5 ngư dân ở Ninh Thuận bị ngạt khí độc, 1 người đã không qua khỏi. Trước đó ở nước ta đã xảy ra không ít vụ việc đau lòng tương tự.

Nhiều vụ ngư dân ngạt khí độc dưới hầm chứa cá

Đại diện UBND huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) xác nhận, trên địa bàn xảy ra vụ ngạt khí độc dưới hầm chứa cá khiến 1 ngư dân tử vong, 4 người còn lại đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận. Theo đó, vào khoảng 8h30 sáng ngày 12/9, ông Nguyễn Dân (SN 1971, trú ở thôn Mỹ Tân 1, xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải) - chủ nhân tàu cá NT-91369 TS điều động một nhóm ngư dân xuống khoang hầm tàu đang neo đậu tại cảng cá Mỹ Tân, xã Thanh Hải để thu dọn vệ sinh nơi chứa cá, chuẩn bị cho một chuyến vươn khơi đánh bắt hải sản mới.

5 ngư dân gồm Võ Minh Toản (SN 2002), Nguyễn Nhân (SN 2000), Lê Thành Lanh (SN 2002), Nguyễn Văn Quang (SN 1981) và Đào Duy Luân (SN 2000, cùng trú ở xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải).

Khi vừa xuống hầm tàu cá được vài phút thì nhóm ngư dân có triệu chứng bất ổn sức khỏe do ngạt khí, nhưng do mệt lả vì thiếu oxy, trong khi lối đi lên sàn tàu cao, nên 5 ngư dân lâm vào tình trạng bất tỉnh. Một số ngư dân ở trên sàn tàu phát hiện đã tìm cách đưa 5 nạn nhân rời khỏi hầm tàu rồi chuyển vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận để cấp cứu. Tuy nhiên một người trong số họ là ngư dân Đào Duy Luân đã tử vong, 4 người còn lại vẫn đang được cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, phải thở máy do thiếu oxy não.

Ngay trong chiều ngày 12/9, Cơ quan CSĐT Công an huyện Ninh Hải đã tiến hành khám nghiệm hiện trường và tử thi nạn nhân Đào Duy Luân, đồng thời thu thập mẫu khí, mẫu nước bên dưới hầm tàu cá NT-91369 TS để trưng cầu giám định. Tại thời điểm xảy ra vụ tai nạn, bên trong hầm tàu cá có hơn 100kg cá đang bị phân hủy cùng mực nước khoảng 15cm với nhiều khí độc, trong khi nắp hầm tàu đậy kín trước đó nhiều ngày. Chiều 12/9, UBND huyện Ninh Hải đã đến viếng thăm, chia sẻ, động viên gia đình nạn nhân.

Nhiều vụ ngư dân ngạt khí độc dưới hầm chứa cá, làm gì để phòng ngừa? - Ảnh 1.

Người nhà lo hậu sự cho ngư dân xấu số. (Ảnh: B.H./Người lao động)

Được biết, đây không phải là vụ ngư dân bị ngạt khí dưới hầm chứa cá hiếm hoi. Trước đó, ở nước ta đã xảy ra nhiều vụ việc tương tự. Cụ thể, vào rạng sáng ngày 2/4/2020, một ngư dân xuống hầm tàu thu mua hải sản của tỉnh Tiền Giang neo đậu trên vùng biển đảo Thổ Châu (Kiên Giang) để lấy cá. Hải sản lưu trong hầm nhiều ngày phát sinh khí độc khiến người này gặp nạn. 5 người đồng nghiệp nhảy xuống hầm cứu thuyền viên gặp nạn cũng bị ngạt khí. Tất cả 6 người được thuyền trưởng chở vào Trạm Y tế xã Thổ Châu cấp cứu. Tuy nhiên, anh Trần Văn V. (quê Kiên Giang) đã tử vong.

Nhiều vụ ngư dân ngạt khí độc dưới hầm chứa cá, làm gì để phòng ngừa? - Ảnh 2.

Cảnh sát biển đưa nạn nhân đi cấp cứu. (Ảnh: Đức Thịnh/Zing.vn)

Trước đó, vào năm 2019, lãnh đạo Đồn biên phòng Tây Yên đóng tại huyện An Biên (Kiên Giang) cũng cho biết có 4 người tử vong trong vụ ngạt khí dưới hầm ủ cá trên tàu đánh bắt hải sản cách mũi Rãnh khoảng 2 hải lý. Theo đó, vụ việc xảy ra khoảng 10h ngày ngày 19/11/2019 khi tàu đánh bắt thủy sản của ông Nguyễn Văn Dư (trú phường Vĩnh Hiệp, TP Rạch Giá) di chuyển vào bờ. Lúc này, Võ Toàn Em (trú xã Nam Yên, huyện An Biên) cùng 4 đồng nghiệp xuống hầm để lấy nước đá. Sau khi 5 thuyền viên xuống hầm không lâu, những người ở trên tàu nghe tiếng kêu cứu. 6 thuyền viên còn lại đã kéo những đồng nghiệp lên trên và liên lạc với lực lượng biên phòng nhờ hỗ trợ. Sau vài giờ được chuyển vào Bệnh viện đa khoa Kiên Giang cấp cứu, 4 nạn nhân đã không qua khỏi. Riêng, Em được cấp cứu tại bệnh viện.

Cách phòng ngừa

Bác sĩ chuyên khoa 2 Dương Thiện Phước, Trưởng khoa Hồi sức - Chống độc tích cực, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã cho biết trên Zing.vn, hầm chứa cá không thoáng khí lâu ngày có sự phân hủy protein. Các chất hữu cơ chứa khí H2S, CO2, SO2…, và các hợp chất lưu huỳnh làm cho hầm cá thiếu oxy, mùi rất nồng như trứng thối. Nồng độ lưu huỳnh càng cao mùi càng nồng, tình trạng thiếu oxy càng cao. Do đó, người xuống hầm cá lúc này sẽ không có oxy để thở và hít phải hơi khí độc dẫn đến ngộ độc.

"Đây là loại ngộ độc cấp tính. Ban đầu nạn nhân nhức đầu, choáng váng, có cảm giác hô hấp bị kích thích như thở nhanh hơn, sau đó thở chậm dần và ngưng thở. Nạn nhân sẽ tử vong do ngạt thiếu oxy quá lâu dẫn đến hôn mê, ngưng tim, ngừng thở, suy nhiều cơ quan trong cơ thể", bác sĩ Phước chia sẻ.

Vị chuyên gia chống độc khuyến cáo trước khi xuống hầm cá, ngư dân cần phải khơi thông luồng khí, xử lý hơi độc bằng cách sử dụng quạt công suất lớn thổi xuống hầm cá. Mục đích của việc này là để thay đổi dòng không khí độc bên trong các kho, hầm tạo luồng không khí mới trong sạch kết hợp với hệ thống hút, thông gió.

Khi xuống hầm cá, ít nhất một người phải ở trên quan sát, theo dõi người ở dưới thực hiện công việc. Người xuống hầm cá phải mang dây an toàn và bảo hộ cá nhân phòng ngừa sự cố xảy ra. Người trên hầm quan sát nếu thấy đồng nghiệp ngạt hơi, cứu hộ bằng cách kéo dây an toàn để đưa nạn nhân lên cấp cứu kịp thời.

Trong trường hợp phải xuống hầm để cứu nạn nhân, chúng ta phải mang bình dưỡng khí. Khi nạn nhân bị ngạt khí được đưa ra, có thể xử trí ban đầu bằng hô hấp nhân tạo, hà hơi thổi ngạt, cần có bóng giúp thở mang theo tàu cá, tránh để ngưng thở quá lâu. Sau đó, đưa nạn nhân vào bờ chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.

T.H (th)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nhiều vụ ngư dân ngạt khí độc dưới hầm chứa cá, làm gì để phòng ngừa?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO