Những bất thường tại một doanh nghiệp dược

Thanh Hải 31/07/2019 07:16

Từng là một doanh nghiệp (DN) “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”, nhưng với những gì đang diễn ra tại Công ty CP Dược - Vật tư y tế Thanh Hóa (Thephaco), thành quả đó nhiều nguy cơ tới đây chỉ còn trong câu chuyện của những người đã gắn bó suốt cả cuộc đời cùng Thephaco. Đâu là nguyên nhân khiến Thephaco từ một DN hàng đầu, đã phát triển bền vững và ổn định suốt gần sáu thập kỷ qua bỗng dưng lao dốc đột ngột đến thế?

Kỳ 1: Có dấu hiệu vi phạm an toàn thực phẩm

Từ việc mập mờ hiểu nhầm…

Mới đây, Báo Thời Nay đã nhận được phản ánh liên quan đến những sai phạm tại Thephaco, trong đó có nội dung liên quan đến việc giấy chứng nhận an toàn thực phẩm (ATTP) dây chuyền sản xuất Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPCN) đã hết hạn nhưng phía DN vẫn hoạt động sản xuất bình thường (?). Không những thế, DN còn đẩy lùi thời hạn sản xuất và thời gian sử dụng sản phẩm trước một tháng nhằm hợp thức hóa với thời gian cấp phép của giấy Chứng nhận ATTP.

Cụ thể, theo phản ánh, ngày 15-6-2019 Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa đã thành lập đoàn liên ngành, bao gồm: Thanh tra Sở Y tế, Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa, Công an tỉnh Thanh Hóa, Chi cục ATTP Thanh Hóa kiểm tra đột xuất nhà máy sản xuất Đông dược của Thephaco có địa chỉ tại Khu công nghiệp Tây Bắc Ga, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa. Nguyên nhân dẫn đến việc Sở Y tế lập đoàn kiểm tra liên ngành là do dây chuyền sản xuất TPCN của Thephaco đã hết hạn nhưng DN vẫn hoạt động sản xuất và có dập lùi thời hạn sản xuất những sản phẩm này.

Để làm rõ vấn đề này, nhóm phóng viên đã liên hệ, đặt lịch làm việc với Sở Y tế Thanh Hóa (sau một ngày khi đoàn liên ngành kiểm tra). Ngày 25-6, Sở Y tế Thanh Hóa đã trả lời về vấn đề này.

e0400a129903c57473f707bb546918a0
Trụ sở Công ty CP Dược - Vật tư y tế Thanh Hóa.

Chánh Thanh tra Sở Y tế Thanh Hóa Lê Hồng Quang cho biết: “Sau khi có đơn phản ánh về nội dung sản phẩm Vitamin C sản xuất không đúng theo quy định, Sở Y tế đã thành lập đoàn kiểm tra, tham gia có Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa. Tại thời điểm kiểm tra, dây chuyền sản xuất sản phẩm Vitamin C đang hoạt động, nhưng đều tuân thủ các quy định của pháp luật. Mặc dù Giấy chứng nhận ATTP đã hết hạn ngày 26-5-2016, nhưng theo Điều 11 và 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP về Hướng dẫn Luật ATTP thì cơ sở sản xuất đã có đủ tiêu chuẩn Thực hành sản xuất tốt (GMP) nên không cần phải xin gia hạn Chứng nhận ATTP”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại Thephaco mới chỉ có dây chuyền sản xuất thuốc tân dược đạt tiêu chuẩn GMP. Còn dây chuyền sản xuất TPCN chưa hề được kiểm định, kiểm tra và chứng nhận GMP. Thực tế, Thephaco đang làm các thủ tục để đề nghị Bộ Y tế thẩm định và cấp chứng nhận cho dây chuyền sản xuất TPCN của mình. Như vậy, việc Thephaco dùng giấy chứng nhận GMP cho dây chuyền sản xuất khác để sản xuất TPCN khi đã hết thời hạn của giấy chứng nhận ATTP là hành vi gian lận, vi phạm các quy định của pháp luật.

Với mong muốn tìm hiểu kỹ sự việc, chúng tôi tiếp tục làm việc với đại diện Thephaco. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn Thephaco thừa nhận: “Sản xuất TPCN, công ty có giấy phép về ATTP nhưng hết hạn vào cuối tháng 5, trong thời gian chờ cấp giấy phép lại phía công ty vẫn sản xuất”.

Ông Tuấn cho biết thêm: “Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc đẩy lùi hạn sử dụng là do phía công ty hiểu ngày sản xuất là ngày pha chế thuốc, tức khi bắt đầu tháo các hoạt chất ra pha trộn thì công ty hiểu đó là ngày sản xuất. Về cái này, Sở cũng đã giải thích ngày đóng gói cuối cùng mới được gọi là ngày sản xuất và đề nghị phải xin phép lại giấy chứng nhận ATTP. Việc ngày sản xuất thuốc đẩy lùi là do dây chuyền sản xuất bị lỗi nên phải dừng lại, nhưng nếu tính lùi lại một tháng thì người tiêu dùng được hưởng lợi”.

Như vậy, không rõ Thephaco có thật sự hiểu nhầm ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng trên vỏ bao bì hay đây chỉ là lý do để bào chữa cho hành vi gian lận của mình. Và một câu hỏi không thể không đặt ra trong tình huống này là: Có phải tất cả các sản phẩm của Thephaco đều ghi sai ngày sản xuất và hạn sử dụng hay chỉ một vài sản phẩm cá biệt bị cố tình ghi sai như trả lời của ông Tuấn?

Chính vì những dấu hiệu bất ổn này mà cổ đông Lường Văn Sơn, một “Thầy thuốc nhân dân” với kinh nghiệm 30 năm là nhà lãnh đạo tại chính Thephaco đã phải chua chát yêu cầu trong Đại hội cổ đông: “Yêu cầu lãnh đạo công ty thực hiện nghiêm quy chế dược “Chất lượng thuốc là đạo đức, là lương tâm của người cán bộ dược”!

Được biết, hiện tại Thephaco vừa gửi hồ sơ ra Cục ATTP (Bộ Y tế) xin cấp giấy chứng cơ sở đủ điều kiện ATTP đạt yêu cầu GMP. Như vậy, việc dây chuyền sản xuất TPCN của Thephaco vẫn hoạt động khi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP số 000588/2016 đã hết hiệu lực từ ngày 26-5-2019, giấy chứng nhận chuẩn GMP hiện mới gửi hồ sơ đang chờ cấp có là chuyện bình thường (?). 

Đến sự sụt giảm bất thường

Tiền thân là một DN dược phẩm quốc doanh tại tỉnh Thanh Hóa, Thephaco luôn lấy khẩu hiệu “Chất lượng - Tin cậy” làm định hướng cho tất cả các hoạt động, và lấy con người là trung tâm để đạt được sự phát triển bền vững. Thephaco đã từng được đánh giá là một trong các thương hiệu có sức cạnh tranh, tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực Bắc Trung Bộ và trở thành một trong những DN dược phẩm hàng đầu trong cả nước.

Với truyền thống gần 60 năm xây dựng và phát triển, Thephaco đã từng vinh dự nhận được rất nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Lao động hạng nhất, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Huân chương Độc lập hạng 3, Ngôi sao thuốc Việt lần thứ nhất… Những danh hiệu vẻ vang ấy ghi dấu ấn công lao của bao thế hệ cán bộ công nhân viên (CBCNV) trong các thời kỳ. Đấy là một vốn quý, một tài sản vô hình, vô giá mà rất ít DN có được. Cùng với những thành tích đáng tự hào ấy, thương hiệu của DN đã trở nên quen thuộc trong mắt đối tác, bạn hàng và người tiêu dùng.Trong suốt nhiều năm, Thephaco luôn có mặt trong danh sách 1.000 DN nộp ngân sách lớn nhất trong toàn quốc.

Theo thông tin mà phóng viên có được, trong suốt thời gian từ năm 2008 đến 2016, DN luôn trả cổ tức cho cổ đông ở mức 15 đến 20%/năm, nằm trong nhóm dẫn đầu về cổ tức của các DN sản xuất dược trên cả nước. Năm 2016, DN đạt doanh thu xấp xỉ 800 tỷ đồng, nộp ngân sách 30 tỷ đồng và đời sống CBCNV luôn ở mức cao trong các DN cổ phần trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Tuy nhiên, bước sang năm 2018, DN đã bất ngờ tụt dốc thê thảm, mọi chỉ tiêu đều chạm đáy, lùi về mức đáng báo động. Theo đó, doanh thu DN bất ngờ sụt giảm nghiêm trọng lùi về mốc 515 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế theo báo cáo kiểm toán chỉ còn 2,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn hai tỷ đồng. Thu nhập bình quân công nhân trực tiếp sản xuất có người chỉ còn… khoảng ba triệu đồng mỗi tháng. So Nghị quyết ĐHCĐ đề ra trước đó doanh thu DN chỉ đạt hơn 70% kế hoạch, lợi nhuận đạt 20% và các chỉ số khác cũng tương tự.

Đặc biệt, số nộp ngân sách nhà nước của DN chỉ ở mức chưa đến 700 triệu đồng, chỉ tương đương với 3% so số thực hiện những năm trước đó. Đây là con số “èo uột” đến mức khó tin. Thephaco từ chỗ là một DN nộp NSNN trong “top 1.000” cả nước đã tụt giảm xuống mức ngang một hộ cá thể kinh doanh nhỏ lẻ.

Trao đổi với phóng viên, Thầy thuốc nhân dân Lường Văn Sơn, người đã gắn bó cả đời mình với Thephaco cho biết, với doanh thu hiện chỉ ngang với doanh thu của Thephaco năm 2003, tức DN đã bị tụt hậu 15 năm so chính mình. Chúng tôi, những CBCNV đã nhiều năm gắn bó với Thephaco thật sự đau xót. Trong khi các DN dược phẩm khác ngày một ăn nên làm ra, thì Thephaco, cánh chim đầu đàn một thời, lại kinh doanh theo kiểu “phú quý giật lùi”…

Đâu là nguyên nhân khiến Thephaco từ một DN hàng đầu, đã phát triển bền vững và ổn định suốt gần sáu thập kỷ qua bỗng dưng lao dốc đột ngột đến thế? Câu trả lời sẽ được chúng tôi đề cập trong kỳ tiếp theo.

(Theo Ngày nay)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Những bất thường tại một doanh nghiệp dược
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO