Ngoài nguy cơ ngộ độc thực phẩm, mùa hè là giai đoạn trẻ đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm ở mức cao. Để bảo vệ sức khỏe cho trẻ nhỏ, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ và tăng cường dinh dưỡng.
Ngày 24/5, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BVĐHYD) vừa tiếp nhận bé trai N.T.P. (2 tuổi, ngụ tại Quận 10 TPHCM). Khoảng 1 tuần trước khi vào viện bệnh nhi bị nôn ói, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng, xuất hiện các mẩn ngứa màu đỏ trên da rải rác khắp cơ thể. Qua thăm khám và xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán trẻ bị bệnh thủy đậu. Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ gia đình ghi nhận, bệnh nhi chưa được tiêm ngừa vắc xin phòng thủy đậu.
Theo phân tích của TS.BS Nguyễn Huy Luân, Trưởng Đơn vị Tiêm chủng BVĐHYD sự thay đổi thời tiết liên tục trong mùa hè có thể làm xuất hiện nhiều bệnh lý khác nhau. Nắng nóng có thể khiến thức ăn dễ bị ôi thiu, việc bảo quản không kỹ lưỡng có thể khiến trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hoá như tiêu chảy, ngộ độc thức ăn.
Nguy hiểm hơn, trẻ rất dễ bị nhiễm siêu vi như cúm, sởi, thuỷ đậu, quai bị , rubella gây tổn thương đường hô hấp, sau đó bội nhiễm vi khuẩn hay nhiễm khuẩn trực tiếp gây viêm tai giữa và viêm phổi do phế cầu hay Hib.
Viêm não Nhật Bản, viêm màng não cũng là hai bệnh lý đặc biệt nguy hiểm thường gặp vào mùa hè ở trẻ em. Bệnh có thể gây ra những diễn tiến nặng nếu không được phát hiện kịp thời. Ngoài ra, trẻ dưới 5 tuổi còn có nguy cơ cao bị mắc bệnh lý tay chân miệng và sốt xuất huyết.
Trong số các bệnh lý vào mùa hè kể trên, viêm màng não là bệnh lý nặng, gây ảnh hưởng sự phát triển vận động và bại não với nguy cơ tử vong lên đến 50% nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Do đó, cha mẹ cần chú ý và thực hiện những phương pháp phòng ngừa bệnh ngay từ sớm cho trẻ, đặc biệt là tiêm các vắc xin phòng ngừa não mô cầu.
TS.BS Nguyễn Huy Luân cho biết, viêm màng não có thể xuất hiện khi trẻ 2 tháng tuổi và đạt đỉnh điểm lúc 5 tháng tuổi, nguyên nhân do một số loại vi rút hoặc vi khuẩn (Hib, vi khuẩn phế cầu, vi khuẩn não mô cầu thường trú ở vùng mũi hầu). Phần lớn các ca mắc bệnh trước đây là do Hib - phế cầu - não mô cầu. Tuy nhiên ở hiện tại, Hib được tiêm chủng nhiều nên số ca mắc bệnh đã giảm đáng kể.
Trong khi đó, trẻ mắc viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu có nguy cơ tử vong chỉ trong 2 - 3 ngày. Trong trường hợp được điều trị kịp thời và điều trị biến chứng vẫn có trên 50% trẻ mắc các di chứng như cắt cụt chi, mất thính lực, rối loạn thần kinh, bại liệt. Tại Việt Nam, hơn 90% ca não mô cầu xâm lấn là do nhóm B.
Để bảo vệ sức khỏe cho trẻ, BS Nguyễn Hiền Minh - phó Trưởng Đơn vị Tiêm chủng BV ĐHYD cho biết, tiêm phòng vắc xin là công cụ hữu hiệu nhất giúp tăng đề kháng và phòng ngừa bệnh cho trẻ vào mùa hè, cha mẹ nên cho trẻ tiêm vắc xin phòng ngừa vi khuẩn haemophilus influenzae týp B (Hib), các vắc xin phòng bệnh liên quan đến phế cầu khuẩn và não mô cầu.
Tại Việt Nam, bệnh cúm xuất hiện quanh năm. Do đó, trẻ đủ 6 tháng tuổi, cha mẹ nên cho trẻ tiêm vắc xin cúm. Trẻ từ 9 tháng đến 1 tuổi cần tiêm vắc xin phòng bệnh sởi, quai bị, rubella và thuỷ đậu. Khi trẻ được khoảng 4 - 6 tuổi, cần lưu ý lịch tiêm nhắc lại các mũi vắc xin này. Trẻ cũng có thể tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản khi được 9 tháng tuổi. Tại Việt Nam hiện đã có các vắc xin liên quan đến vi khuẩn gây ra bệnh lý viêm màng não, cha mẹ cần lưu ý theo dõi sức khỏe của trẻ và đưa trẻ đến thăm khám kịp thời khi có triệu chứng của bệnh.
Bên cạnh khuyến cáo tiêm vắc xin đầy đủ cho trẻ, bác sĩ lưu ý phụ huynh cần tăng cường dinh dưỡng cho trẻ, hướng dẫn con em mình các phương pháp chăm sóc sức khỏe cá nhân như: rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, báo cho cha mẹ biết khi cơ thể có dấu hiệu bất thường, tránh tiếp xúc với người bệnh.