Những chi phí "khủng" cho ngoại hình ở phái nữ

Thu Thủy (t/h) 05/10/2022 18:52

PLBĐ - Theo các nhà nghiên cứu, việc chạy theo những tiêu chuẩn phi lý về cái đẹp khiến người Mỹ tiêu tốn hơn 300 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2019.

Theo báo cáo “The Real Cost of Beauty Ideals” (tạm dịch: Chi phí thực sự của những lý tưởng về cái đẹp) của Dove, các tiêu chuẩn sắc đẹp đã tiêu tốn của người Mỹ hơn 300 tỷ USD vào năm 2019.

Con số này bao gồm chi phí cho các phương pháp điều trị như tẩy trắng da và duỗi tóc bằng hóa chất.

Chi phí này được tính toán và áp dụng cho người Mỹ từ độ tuổi 10 tuổi trở lên.

Theo báo cáo, 16% dân số Mỹ từ 10 tuổi trở lên (45 triệu người) đã trải qua cảm giác không hài lòng về cơ thể.

Nhìn chung, phụ nữ phải chịu chi phí tài chính cao do không hài lòng về cơ thể và bị phân biệt đối xử dựa trên ngoại hình.

Sự không hài lòng và những chi phí

Số tiền chi cho việc thẩm mỹ tăng lên khi ngày càng nhiều người bị ám ảnh bởi ngoại hình (ảnh internet).

Các nhà nghiên cứu phân tích kết quả liên quan đến sự không hài lòng về cơ thể (trầm cảm, lạm dụng rượu và ma túy) để tính toán tác động tài chính như chi phí hệ thống y tế, tổn thất năng suất, hiệu quả.

Ở mức 84 tỷ USD, chi phí tài chính cho việc không hài lòng về cơ thể có thể chi trả toàn bộ học phí và tiền ăn, ở cho 2,9 triệu sinh viên đại học ở Mỹ trong một năm học.

Ngoài ra, ít nhất 66 triệu người ở xứ cờ hoa phải đối mặt với sự phân biệt đối xử dựa trên ngoại hình. Các chi phí tài chính liên quan đã tiêu tốn tổng cộng 501 tỷ USD Mỹ vào năm 2019.

Những người từng trải qua sự phân biệt đối xử dựa trên ngoại hình phải chịu đựng khó khăn như: bị chế giễu về cân nặng (34 triệu), màu da (27 triệu), mái tóc tự nhiên (5 triệu).

2/3 chi phí cho việc chăm sóc sức khỏe ở Mỹ có thể được chi trả bằng số tiền bỏ ra để cố khắc phục tình trạng phân biệt đối xử dựa trên ngoại hình.

Simone Cheung, đối tác tại Deloitte Access Economics, lãnh đạo tổ chức về y tế và chính sách xã hội ở Sydney (Australia), cho biết: “Nếu có thể ngăn chặn hoặc giảm số người cảm thấy không hài lòng về cơ thể chỉ 10%, chúng ta có thể tiết kiệm được hơn 8 tỷ USD. Tương tự với phân biệt dựa trên cân nặng và màu da, chúng ta có thể tiết kiệm hơn 25 tỷ USD. Đó là khoản chi tiêu có thể được chuyển hướng sang các vấn đề xã hội và sức khỏe khác”.

Báo cáo chỉ phân tích dữ liệu từ năm 2019, nhưng Cheung lưu ý rằng đại dịch có thể ảnh hưởng đến các con số năm 2020 trở về sau. Nếu tính đến lạm phát, cái giá của sự không hài lòng về cơ thể và phân biệt đối xử dựa trên ngoại hình sẽ còn cao hơn.

“Các chi phí liên quan đến những tác động này do tất cả gánh chịu, từ chính phủ, gia đình và bạn bè, người sử dụng lao động, các công ty bảo hiểm y tế tư nhân đến xã hội... Vì vậy, nó không chỉ là chi phí cá nhân. Mọi người đều có vai trò trong việc dẹp bỏ những lý tưởng về cái đẹp có hại”, Cheung nói.

Theo báo cáo, một số hành động có thể được thực hiện để giảm thiểu thiệt hại mà các tiêu chuẩn sắc đẹp độc hại gây ra đối với nước Mỹ gồm: Thúc đẩy không gian kỹ thuật số an toàn hơn, dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tâm thần, tập trung vào sự đa dạng trong quảng cáo, giám sát việc bán các sản phẩm độc hại, giáo dục tại trường học để thúc đẩy sự tự tin của cơ thể, ưu đãi thuế và luật để chấm dứt phân biệt đối xử dựa trên ngoại hình, iểu biết về mạng xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Những chi phí "khủng" cho ngoại hình ở phái nữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO