Nổi tiếng với những thắng cảnh tự nhiên hùng vĩ, những bản du lịch cộng đồng độc đáo, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu còn có phong tục văn hóa đặc sắc và ẩm thực phong phú.
Huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu được biết đến là một huyện có nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn đang được các du khách tìm đến. Đó là các đỉnh núi cao hùng vĩ thích hợp cho du lịch leo núi, mạo hiểm như: Pu Ta Leng, Tả Liên Sơn và Ngũ Chỉ Sơn. Hay những địa điểm checkin tuyệt đẹp như: Cầu kính Rồng Mây, Hang Bản Thắm, cọn nước Nà Khương, bản Sì Thâu Chải, bản Lao Chải 1, Đồi thông Tả Lèng…
Với 12 dân tộc như Dao đầu bằng, H’Mông, Thái, Lự… cư trú nên có những nét văn hóa đa dạng mang những sắc thái riêng biệt. Ngoài khung cảnh đẹp tuyệt vời nói trên, du khách đến Tam Đường phải biết thưởng thức các sản vật địa phương hấp dẫn, độc đáo của đồng bào các dân tộc mang hương vị đậm đà đặc trưng của vùng cao Tây Bắc, Việt Nam.
Hầu hết các món ăn ẩm thực ở Tam Đường được làm từ các nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên, chủ yếu từ sông suối hay các sản vật từ rừng như rêu đá, chuối rừng; gia vị đặc trưng như hạt dổi, tiêu rừng, thảo quả… Điều độc đáo hơn là ở cách chế biến cầu kỳ, khéo léo tạo cho món ăn có những hương vị riêng mà không phải nơi nào cũng có. Ai thưởng thức cũng sẽ nhớ mãi hương vị đó.
Cùng PV điểm tên "Top" những đặc sản Tam Đường, Lai Châu vừa thưởng thức và mua về làm quà cho người thân nhé.
Bánh dong được làm từ chính củ dong riềng – nông sản chính của nhiều bản làng tại huyện Tam Đường. Đây là món ăn giản dị của người Dao xã Sìn Hồ. Dong sau khi được thu hoạch được sát thành bột trắng. Bột dong ngâm nước từ 6-8 tiếng cùng nước đun sôi, khuấy đều tay cho đến khi sệt lại và đổi sang màu trong suốt. Cuối cùng đổ ra khuôn có lót lá chuối và để nguội. Món bánh dong chính thức được hoàn thành.
Khi ăn, người Dao sẽ xắn ra từng miếng nhỏ ăn kèm với nước dưa cải muối chua, thêm chút bột canh, ớt, muối hạt và để 1 lúc cho ngấm gia vị. Vị bánh dong thanh thanh kết hợp cùng vị chua nhẹ của dưa muối và tê cay của ớt sẽ đem đến một món ăn nhẹ nhàng, dễ chịu.
Ẩm thực ở Tam Đường, Lai Châu không thể không nhắc đến bánh hoa chuối là món ăn dân giã, quen thuộc của người Dao Đầu Bằng. Khu rừng sau bản Sì Thầu Chải với những vạt chuối mọc xanh tốt là nơi người dân tìm lấy các nguyên liệu để làm nên món bánh hoa chuối. Hoa chuối sau khi được hái về sẽ được thái thật mỏng rồi xào chín cùng với thịt ba chỉ và đậu đỏ. Các nguyên liệu này được dùng làm nhân bánh tạo nên vị béo, bùi rất ngon miệng. Phần bánh được người dân tạo nên từ những hạt nếp nương sau đó xay kỹ qua cối đá.
Để tạo nên những chiếc bánh hoa chuối, người dân khéo léo, tỉ mỉ cho lớp vỏ bọc kín phần nhân bánh. Những tàu lá chuối rừng lựa chọn thật kỹ dùng để gói phía ngoài bánh giúp hương vị bánh thơm ngon hơn. Bánh sau khi gói xong được đem đồ ngay bằng những chiếc chõ lớn trên bếp củi hồng rực khoảng 1 tiếng mới chín.
Vẫn là cá như ở miền xuôi, nhưng cá nướng của đồng bào dân tộc ở Tam Đường, Lai Châu lại được tẩm ướp cầu kỳ với những gia vị đặc trưng riêng của người vùng cao. Hương vị thơm ngon của cá đặc biệt cho những thân cá nướng trên than hồng.
Trong quá trình tẩm ướp cá ngoài gia vị không thể thiếu như muối, mì chính thì cá nướng ở Tam Đường, Lai Châu còn dùng các gia vị như hành củ, hành lá, rau húng, sả, ớt... và đặc biệt không thể thiếu là hạt mắc khén.
Xôi tím là một trong những món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày lễ hay những dịp đãi khách của người đồng bào dân tộc ở huyện Tam Đường, Lai Châu. Bên cạnh màu sắc bắt mắt, xôi tím còn tốt cho sức khỏe… Khác với các loại xôi khác, xôi tím được tạo nên từ những gạo nếp nương hạt to, mẩy đều cùng lá dạ cẩm tạo màu, từ cây khẩu cắm – một loại cây rừng đặc trưng.
Để làm được xôi tím, người dân địa phương làm rất công phu từ chọn nguyên liệu tới khi đồ xôi. Sau khi nếp nương được vo sạch sẽ được ngâm khoảng từ 6 – 8 giờ. Lá cây khẩu cắm được rửa sạch đem luộc sôi để có màu tím tự nhiên, đợi nước nguội cho vào gạo nếp ngâm thêm khoảng 3 giờ mới tiến hành đem đồ xôi. Ngay việc đồ cũng phải dùng đúng loại chõ gỗ làm từ cây sung, thực hiện đồ trên bếp lửa củi để có hương vị thơm ngon.
Xôi tím thường được người dân dùng ăn kèm với cá nướng, thịt gác bếp… Màu sắc bắt mắt cùng dẻo thơm của hạt nếp nương, nếu đã đến Tam Đường, bạn nhất định phải thử ngay món xôi tím này nhé.
Những món ăn từ sâu chít, sâu tre có thể khiến nhiều người sợ hãi nhưng đây lại là đặc sản của người dân huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Những món ăn từ sâu được người dân địa phương chế biến với nhiều cách, nhưng để đãi khách thì đơn giản nhất vẫn là chiên lá chanh, mang lại vị bùi, ngậy, lớp vỏ giòn, thơm.
Dân tộc H’Mông ở huyện Tam Đường chủ yếu sống ở xã Khun Há. Người dân có món bánh cổ truyền là bánh dày. Vào các dịp lễ, hội… hoạt động giã bánh dày không thể thiếu với đồng bào dân tộc H'Mông. Theo quan niệm xưa, bánh dày của người H'Mông không chỉ biểu tượng cho tình yêu, sự thủy chung son sắt của trai gái mà là đại diện cho âm, dương; thứ có thể sinh ra vạn vật.
Bánh dày của người H’Mông được làm từ gạo nếp thơm dẻo. Sau đó đem đồ thành xôi. Dụng cụ giã bánh làm từ thân cây gỗ chắc, thớ mịn, có mùi thơm và khoét rỗng ruột; chày giã bánh cũng được làm bằng các loại gỗ cứng và nặng… Thay vì dùng dầu, mỡ, người dân sẽ dùng lòng đỏ trứng gà để thoa đều vào các vật dụng giúp không bị dính khi giã bánh.
Để bánh được ngon, quá trình đồ xôi cần phải khéo léo vì quyết định một phần đến độ ngon, dẻo của bánh dày. Giã bánh ngay khi xôi còn nóng, giã càng kỹ bánh càng dẻo ngon, để được lâu. Khi giã xong cần bàn tay khéo léo nặn bánh ngay. Lá gói bánh sẽ được dùng bằng lá chuối đã được hơ qua lửa cho mềm…
Rau rừng là một trong những đặc sản mà nhiều du khách đến Tam Đường ‘săn lùng’. Rau dớn sau khi được phơi héo một chút trộn cùng các nguyên liệu như rau thơm, ớt gừng, hành tỏi, lạc rang... thành nộm. Ngoài ra, rau dớn xào tỏi, rau dớn xào măng chua… là những thức ăn vô cùng hấp dẫn từ rau rừng. Nếu như một lần đặt chân qua vùng đất Tây Bắc hay ghé thăm bản Hon của người đồng bào Lự, thực khách đừng nên bỏ lỡ món ăn mang hương vị núi rừng đặc trưng này.
Trên đây là "Top" những đặc sản mang đậm nét Tam Đường mà bất cứ ai cũng nên thử một lần nếu có dịp. Bên cạnh cảnh đẹp núi rừng hùng vĩ, Tam Đường còn níu chân khách quay lại bởi những hương vị đặc sản độc đáo, không đâu có được. Hãy đi và cảm nhận nhé!