PLBĐ - 3 sản phẩm dung dịch rửa tay Dry Hand wash thuộc 2 nhãn hàng CEIBA và COBONG do Công ty T&T Việt Nam phân phối lại chỉ có một phiếu công bố? Sản phẩm không ghi số lô sản xuất; không ngày sản xuất, hạn sử dụng; không có số công bố nhưng vẫn được bán tràn lan ngoài thị trường.
Nhiều điểm đáng ngờ?
Thời gian vừa qua, Chuyên trang Pháp luật và Bạn đọc (Báo Gia đình và Xã hội) nhận được thông tin phản ánh của bạn đọc về việc sản phẩm dung dịch rửa tay Dry Hand wash do Công ty TNHH Kinh doanh Thương mại và Dịch vụ T&T Việt Nam (Công ty T&T Việt Nam) phân phối có nhiều điểm bất thường.
Cụ thể, khách hàng đặt mua 3 sản phẩm dung dịch nước rửa tay Dry Hand wash, mỗi loại có dung tích khác nhau qua mạng thì nhận được hai lọ rửa tay khô nhãn hàng CEIBA và một lọ dạng gel mang nhãn hàng COBONG. Các lọ này đều có tên trên vỏ hộp giống nhau là Dry Hand wash, nhưng điều kỳ lạ là 3 sản phẩm thuộc 2 nhãn hàng khác nhau này này lại chỉ một phiếu công bố đối với nhãn hàng CEIBA? Mã vạch sản phẩm của hai nhãn hàng này cũng khác nhau và cả 03 sản phẩm này đều không ghi nơi sản xuất.
Ngoài ra, loại Dry Hand wash 100ml thuộc nhãn hàng CEIBA trên vỏ không hề ghi lô sản xuất, ngày sản xuất và hạn sử dụng ở trên nhãn mã ghi dưới đáy. Lọ “Rửa tay kháng khuẩn khô” Dry Hand wash loại 120ml thuộc nhãn hàng COBONG lại không hề có số công bố in trên vỏ sản phẩm theo quy định.
Thổi phồng công dụng sản phẩm?
Cũng theo phản ánh, ngoài việc sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, 3 sản phẩm thuộc 2 nhãn hàng nhưng chỉ có một phiếu công bố thì cả 3 sản phẩm Dry Hand wash nói trên đều được nhà sản xuất “thổi phồng” công dụng, bằng việc tự ý tăng tính năng sản phẩm khác xa với mục đích của sản phẩm trên phiếu công bố khiến người tiêu dùng hiểu nhầm về công dụng.
Cụ thể, trên nhãn mác ở mặt trước nhãn hàng CEIBA ghi “rửa tay chống Virut khô. Sản phẩm diệt ngay vi khuẩn, virut gây bệnh truyền nhiễm qua đường tiếp xúc”; mặt sau ghi công dụng của sản phẩm: “Dùng để rửa tay làm sạch nhẹ nhàng kháng khuẩn chống virut, dùng được cho cả trẻ em và phụ nữ có thai”.
Sản phẩm thuộc nhãn hàng COBONG có nhãn mác mặt trước ghi ”Sản phẩm kháng khuẩn giúp ngăn ngừa bệnh, gây bệnh truyền nhiễm qua đường tiếp xúc”. Công dụng: “Dùng để rửa tay làm sạch nhẹ nhàng kháng khuẩn…”
Mặc dù nhiều công dụng là vậy, nhưng theo phiếu công bố, mục đích sử dụng của các sản phẩm này chỉ đơn giản là: Làm sạch và bảo vệ da tay; Giữ ẩm cho da, giúp da mềm mại.
Ngoài ra, tên sản phẩm theo phiếu công bố là Dry Hand wash, nhưng nhãn mác các sản phẩm lại thêm từ “Anti-Virus”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, 3 sản phẩm nói trên hiện tại đang được bán rộng rãi cho các hiệu thuốc, cửa hàng, bệnh viện, trường học và cũng được bán tràn lan trên mạng xã hội dưới nhiều mẫu mã khác nhau. Giá bán lẻ của sản phẩm từ 80.000 đồng đến 160.000 đồng/sản phẩm, giá sỉ từ 25.000 đồng đến 45.000 đồng/sản phẩm tùy loại chai lớn hoặc nhỏ.
Trong thời kỳ dịch bệnh Covid – 19 đang diễn biến phức tạp, nhắm vào thị hiếu của khách hàng, Công ty T&T Việt Nam đã tung ra thị trường nhiều loại nước rửa tay để bán cho người dân. Nhưng những sản phẩm này lại có nhiều điểm đáng ngờ khi không ghi thông tin công ty sản xuất (không rõ nguồn gốc xuất xứ); Không ghi lô sản xuất; Và kỳ lạ hơn khi 3 sản phẩm thuộc 2 nhãn hàng khác nhau lại chỉ có một phiếu công bố?
Vậy những sản phẩm Dry Hand wash do Công ty T&T Việt Nam phân phối có nguồn gốc như thế nào? Sản phẩm thuộc nhãn hàng COBONG đã được phép lưu hành hay chưa? Sản phẩm có thực sự chống lại được virut, diệt ngay vi khuẩn hay không? Đây có phải là chiêu trò đánh trúng tâm lý, lừa dối khách hàng để trục lợi hay không?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin!
Điều 18. Nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn (Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25/ 01/2011 Quy định về quản lý mỹ phẩm):
1. Nhãn sản phẩm mỹ phẩm phải phù hợp với yêu cầu ghi nhãn mỹ phẩm của ASEAN. Những thông tin sau phải được thể hiện trên nhãn sản phẩm:
a) Tên của sản phẩm và chức năng của nó, trừ khi dạng trình bày sản phẩm đã thể hiện rõ ràng chức năng của sản phẩm;
b) Hướng dẫn sử dụng, trừ khi dạng trình bày đã thể hiện rõ ràng cách sử dụng của sản phẩm;
c) Thành phần công thức đầy đủ: Phải ghi rõ các thành phần theo danh pháp quốc tế quy định trong các ấn phẩm mới nhất nêu tại điểm c khoản 1 Điều 5 của Thông tư này (không phải ghi tỷ lệ phần trăm của các thành phần);d) Tên nước sản xuất;
đ) Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường (ghi đầy đủ bằng tiếng Việt theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép đầu tư)
e) Định lượng thể hiện bằng khối lượng tịnh hoặc thể tích, theo hệ mét hoặc cả hệ mét và hệ đo lường Anh;
g) Số lô sản xuất;
h) Ngày sản xuất hoặc hạn dùng phải được thể hiện một cách rõ ràng (ví dụ: ngày/tháng/năm). Cách ghi ngày phải thể hiện rõ ràng gồm tháng, năm hoặc ngày, tháng, năm theo đúng thứ tự. Có thể dùng từ “ngày hết hạn” hoặc “sử dụng tốt nhất trước ngày”, nếu cần thiết có thể bổ sung thêm điều kiện chỉ định cần tuân thủ để đảm bảo sự ổn định của sản phẩm.
Quỳnh Mai