PLBĐ - Sở Y tế TP. HCM đã có Công văn 6002/SYT-NVY cập nhật "Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0" (phiên bản 1.4), trong đó có hướng dẫn 3 gói thuốc điều trị COVID-19 tại nhà.
Theo đó, ở lần cập nhật mới phần hướng dẫn toa thuốc điều trị F0 tại nhà có một số điều chỉnh so với hướng dẫn trong phiên bản 1.3 trước đó. Theo hướng dẫn sử dụng toa thuốc tại nhà mới nhất, thuốc điều trị COVID-19 tại nhà gồm 3 gói (A, B, C): Gói thuốc A là những thuốc thông dụng bao gồm thuốc hạ sốt và thuốc nâng cao thể trạng; Gói thuốc B là những thuốc sử dụng hạn chế trong một số tình huống đặc biệt bao gồm thuốc kháng viêm và thuốc kháng đông; Gói thuốc C là thuốc kháng virus, được kiểm soát đặc biệt. Cụ thể:
Gói thuốc A
Dùng trong 7 ngày là những thuốc thông dụng bao gồm thuốc hạ sốt (Paracetamol) và thuốc nâng cao thể trạng (các loại vitamin tổng hợp hoặc vitamin C).
Đối với nhóm thuốc này, Sở Y tế có sự thay đổi nhỏ trong chỉ định dùng thuốc Paracetamol, theo đó người dân sẽ uống 1 viên Paracetamol 500mg khi sốt trên 38.5 độ C thay vì sốt trên 38 độ C như hướng dẫn ở phiên bản 1.3.
Việc dùng thuốc hạ sốt có thể lặp lại mỗi 4 giờ đến 6 giờ nếu vẫn còn sốt; đối với các loại vitamin tổng hợp hoặc vitamin C không có sự thay đổi.
Gói thuốc B
Trong phiên bản hướng dẫn này Sở Y tế TP. HCM nêu rõ, trong trường hợp cảm thấy khó thở (nhịp thở khi nghỉ ngơi trên 20 lần/phút hoặc đo SpO2 < 95%), người dân phải liên hệ ngay với bác sĩ để được hỗ trợ. Trong trường hợp người dân chưa liên hệ được bác sĩ thì có thể sử dụng các thuốc này:
- Thuốc kháng viêm Dexamethasone 0,5mg: Uống ngày 1 lần, sáng 12 viên sau khi ăn (tương đương 6mg/ngày) hoặc Methylprednisolone 16mg ngày 2 lần, sáng 1 viên, chiều 1 viên sau khi ăn (tương đương 32mg/ngày).
- Thuốc kháng đông Rivaroxaban 10mg ngày uống một lần 1 viên vào buổi sáng hoặc Apixaban 2,5mg, uống ngày 2 lần sáng 1 viên, chiều 1 viên hoặc Dabigatran 110 mg, uống ngày 2 lần, sáng 1 viên, chiều 1 viên.
Sở Y tế TP. HCM lưu ý, thời gian tự uống các loại thuốc trên không quá 3 ngày. Và 2 thuốc Dexamethasone và Rivaroxaban không sử dụng cho: Phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú; Người mắc một trong các bệnh: Viêm loét dạ dày tá tràng, suy gan, suy thận, các bệnh lý dễ gây chảy máu đường tiêu hóa, đường tiết niệu, các bệnh lý dễ gây chảy máu khác.
Đồng thời, trong thời gian này, người dân tiếp tục liên hệ bác sĩ để được hỗ trợ, tùy tình trạng sức khỏe để bác sĩ quyết định có tiếp tục dùng nữa không.
Gói thuốc C
Dùng trong 5 ngày là thuốc kháng virus được chỉ định đối với trường hợp F0 có triệu chứng nhẹ. Thuốc này được Bộ Y tế cung cấp trong Chương trình can thiệp cộng đồng có kiểm soát. Người dân cần ký giấy cam kết sử dụng thuốc để được cấp phát và sử dụng.
Ở nhóm thuốc này liều dùng có sự thay đổi so với hướng dẫn trước đó, theo đó thuốc Molnupiravir sẽ được sử dụng trong 5 ngày liên tục, uống 2 lần sáng và chiều mỗi lần 800mg (tăng gấp đôi so với liều dùng trong hướng dẫn ở phiên bản 1.3).
Thuốc Molnupiravir có nhiều dạng khác nhau, bao gồm viên nang 200mg, 400mg do Ấn Độ và Việt Nam sản xuất. Thuốc dùng đường uống, ngày 2 lần với liều dùng là 1600mg/ngày.
Sở Y tế. TP. HCM đã giao Công ty Dược Sài Gòn Sapharco chịu trách nhiệm tiếp nhận, bảo quản và cấp phát thuốc theo kế hoạch của Sở. Căn cứ vào số lượng F0 đang cách ly tại nhà trên các địa bàn, Sở Y tế sẽ có kế hoạch phân bổ cơ số thuốc phù hợp.
Điều kiện để F0 được cách ly tại nhà:
Các trường hợp F0 được cách ly tại nhà phải đủ các điều kiện bao gồm: không triệu chứng hoặc triệu chứng mức độ nhẹ (không có suy hô hấp: SpO2 ≥ 96%; nhịp thở ≤ 20 lần/phút).
Ngoài ra, phải đáp ứng một trong hai điều kiện: Thứ nhất là từ 1 tuổi đến 50 tuổi, không có bệnh nền, không đang mang thai, không béo phì; Thứ hai là đã tiêm đủ 2 mũi hoặc sau 14 ngày kể từ ngày tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 đầu tiên.
Đồng thời, bệnh nhân COVID-19 phải đáp ứng các yêu cầu về khả năng tự chăm sóc cũng như đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất để có thể được chăm sóc, theo dõi sức khỏe tại nhà.
Bệnh nhân COVID-19 được cách ly, chăm sóc tại nhà khi có các dấu hiệu như: thở hụt hơi, thở nhanh hơn 30 lần/phút, li bì, lừ đừ tím tái, SpO2 < 95% thì phải gọi ngay đến tổng đài 115 hoặc đến số điện thoại của Trạm y tế lưu động, tổ phản ứng nhanh của các xã/phường để được cấp cứu kịp thời.
T.H (th)