PLBĐ - Các tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc trị béo phì gặp là buồn nôn, tiêu chảy/táo bón, đau bụng, đau đầu, mạch nhanh, thậm chí có thể làm gia tăng nguy cơ viêm tụy.
Trẻ béo phì có nguy cơ mắc nhiều bệnh
Nghiên cứu được công bố vào ngày 4/8 trên tạp chí PLOS Digital Health của Elizabeth Campbell của Đại học Drexel, Philadelphia, Pennsylvania, Hoa Kỳ cho biết, trẻ béo phì có thể liên quan đến một loạt các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn.
Cụ thể, béo phì ở trẻ có thể làm tăng nguy cơ phát triển nhiều bệnh bao gồm hen suyễn, đái tháo đường, tăng huyết áp và các vấn đề tâm lý. Tuy nhiên, liệu béo phì có phải là một căn bệnh đơn độc hay là tổng hợp của nhiều loại tình trạng bệnh với các nguyên nhân khác nhau vẫn chưa được nghiên cứu rõ?
Để xác định được các tình trạng bệnh trên lâm sàng trên đối tượng bệnh nhi béo phì, các nhà nghiên cứu đã tiến hành một nghiên cứu hồi cứu, truy cập hồ sơ sức khỏe của 49.694 bệnh nhi được chẩn đoán mắc bệnh béo phì tại Bệnh viện Nhi Philadelphia. Các tác giả đã phân tích xu hướng chung xung quanh căn bệnh béo phì ở trẻ em và so sánh chúng với nhóm đối chứng gồm các trẻ có chỉ số khối cơ thể khỏe mạnh.
Các nhà nghiên cứu đã tìm ra được 8 tình trạng sức khỏe khác nhau ở trẻ em mắc bệnh béo phì, bao gồm rối loạn hô hấp và giấc ngủ, tình trạng viêm da, hen suyễn, rối loạn co giật, các triệu chứng về tiêu hóa/sinh dục và rối loạn phát triển thần kinh. Tuy nhiên, nghiên cứu có một số hạn chế và cần thêm các nghiên cứu trong tương lai để có thể xác định chính xác các yếu tố trung gian trong mối quan hệ giữa béo phì ở trẻ em và các bệnh phổ biến.
Ai cần dùng thuốc giảm cân?
Theo PGS.TS. Trần Thị Thanh Hóa, mặc dù thuốc giảm cân hướng tới các trường hợp thừa cân béo phì, nhưng không phải tất cả các đối tượng đều có thể dùng thuốc giảm cân.
Với các trường hợp khi thực hiện chế độ ăn và luyện tập đã giúp giảm cân thì không nên dùng thuốc. Trước khi kê đơn thuốc cho bệnh nhân, bác sĩ sẽ phải cân nhắc các yếu tố giữa lợi và hại cũng như tác dụng phụ mà bệnh nhân có thể gặp phải.
Ngoài ra các vấn đề khác như tiền sử gia đình có người bị béo phì, có bị mắc các bệnh mạn tính (đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch…) hay không, việc kết hợp giữa các thuốc mà bệnh nhân đang uống cũng như vấn đề chi phí mà bệnh nhân phải chi trả… đều liên quan đến hiệu quả của thuốc giảm cân.
Các trường hợp có chỉ số BMI từ 30 trở lên hoặc chỉ số từ BMI 27 nhưng có mắc các bệnh đái tháo đường type 2 hoặc tăng huyết áp thì bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định thuốc giảm cân.
Tuy nhiên tùy trường hợp, bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng loại thuốc nào, sử dụng ra sao. Thuốc giảm cân không phải là loại mà bệnh nhân có thể tự ý dùng bừa.
Thuốc nào điều trị béo phì?
PGS.TS. Trần Thị Thanh Hóa cũng cho biết, hiện nay, đã có nhiều thuốc được được Cơ quan quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận kê đơn điều trị thừa cân, béo phì.
Một số thuốc được sử dụng điều trị béo phì hiện nay như:
Orlistat: Giúp giảm hấp thu chất béo tại ruột, giúp giảm hấp thu 25% đến 30% chất béo trong thức ăn, do đó giúp giảm cân và kiểm soát cân nặng. Thuốc chỉ định cho các trường hợp béo phì, tăng mỡ máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, người trên 18 tuổi.
Tác dụng phụ thường gặp là tiêu chảy, đầy hơi, đại tiện không kiểm soát, phân có mỡ, đau dạ dày. Tác dụng phụ nghiêm trọng có thể gặp là gây tổn thương gan nghiêm trọng.
Liraglutide: Là thuốc được FDA chấp thuận năm 2020 được coi là một "bước đột phá" trong quản lý giảm cân
Liraglutide là một thuốc đồng vận thụ thể GLP-1 (glucagon-like peptide 1 - có tác dụng cải thiện điều hòa glucose, làm tăng tiết insulin -phụ thuộc glucose, ở tế bào β tuyến tụy và giảm tiết glucagon ở tế bào α), có cấu trúc tương đồng 97% các acid amin trong GLP-1 của người. Liraglutide giúp tăng cảm giác no và giảm cảm giác đói.
Có thể hiểu đơn giản là liraglutide "bắt chước" một loại hormone trong ruột, phát tín hiệu "no" đến não. Thuốc giúp giảm cân nặng cơ thể chủ yếu qua giảm khối lượng mỡ với mức giảm mỡ nội tạng nhiều hơn mỡ dưới da.
Liraglutide được chỉ định như thuốc hỗ trợ cho chế độ ăn giảm calo và tăng hoạt động thể lực để quản lý cân nặng ở bệnh nhân người lớn có chỉ số khối cơ thể (BMI) ban đầu là ≥ 30 (béo phì), hoặc ≥ 27 đến < 30 (thừa cân) và có ít nhất một bệnh liên quan với cân nặng như rối loạn đường huyết (tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường type 2), tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu hoặc ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
Nên dừng liraglutide điều trị sau 12 tuần nếu bệnh nhân không giảm ít nhất 5% cân nặng ban đầu.
Các tác dụng phụ thường gặp là: Buồn nôn, tiêu chảy/táo bón, đau bụng, đau đầu, mạch nhanh. Cảnh báo về gia tăng nguy cơ viêm tụy, tuy ít gặp nhưng đây là cảnh báo khá nghiêm trọng.
Cũng theo PGS.TS. Trần Thị Thanh Hóa, việc điều trị béo phì phải kết hợp đủ 3 yếu tố: Chế độ ăn; Chế độ luyện tập; Dùng thuốc. Nếu chỉ dùng thuốc mà không thực hiện nghiêm túc chế độ ăn và luyện tập, thì việc điều trị béo phì sẽ mau chóng thất bại. Biện pháp cuối cùng điều trị béo phì là phẫu thuật thu hẹp dạ dày.