Trong vụ "chia tay đòi tiền", phía nguyên đơn cho rằng chuyển tiền cho bị đơn vay, trong khi bị đơn cho rằng cả hai có mối quan hệ tình cảm và việc chuyển tiền là cho cho tặng, chu cấp.
Bản án sơ thẩm vụ kiện "chia tay đòi tiền" gần 3 tỉ đồng mà TAND huyện Phong Điền, TP Cần Thơ đã tuyên vừa qua đã gây nhiều tranh cãi.
Trao đổi với PV, một số chuyên gia cho rằng cần làm rõ quan hệ tình cảm giữa nguyên đơn và bị đơn cũng như mục đích chuyển khoản tiền có phải cho vay hay không.
Sau chia tay, khởi kiện đòi tiền?
Theo nội dung bản án, do có mối quan hệ bạn bè nên ông T đã 8 lần chuyển hơn 2,9 tỉ đồng cho bà H từ tháng 4-2023 đến tháng 6-2023 cho bà H mượn. Ông T nhiều lần gọi điện yêu cầu bà H trả tiền nhưng đến nay bà H chỉ trả được 495 triệu đồng. Ông T khởi kiện, buộc bà H trả số tiền còn nợ là 2,5 tỉ đồng.
Ngược lại, bị đơn lại nói giữa bị đơn và ông T có quan hệ tình cảm từ năm 2019 và chung sống như vợ chồng. Ông T thuê nhà cho bà H ở và chu cấp tiền.
Quá trình chung sống, đầu năm 2022, bà H phát hiện ông T có người thứ 3 nên đã cắt đứt quan hệ.
Đến tháng 3-2023, ông T nhiều lần năn nỉ, bà H đồng ý quay lại sống chung với ông như vợ chồng. Trong thời gian này, ông T hứa tặng cho bà H chiếc xe ôtô làm quà sinh nhật muộn và chuyển tiền vào tài khoản của bà H để thanh toán.
Đến ngày 25-6-2023, bà H biết ông T vẫn còn quan hệ tình cảm với người thứ 3 và vẫn chưa ly hôn vợ (khi mới quen ông T nói đã ly hôn) nên đã dứt khoát chia tay.
Bà H cung cấp thông tin ông T chuyển khoản qua ngân hàng N cho bà trong từ tháng 4-2022 đến tháng 5-2022, có nội dung chuyển khoản như “qua 8/3 tang em yeu”, “ck ey”, “mua chenel hihi”... tổng cộng 147 triệu đồng và bà H đã chuyển trả lại 20 triệu đồng vì đã cắt đứt quan hệ (lần đầu). Thông tin chuyển khoản thông qua ngân hàng Q từ tháng 4-2023 đến tháng 7-2023 tổng số tiền 2,995 tỉ; bà H chuyển lại cho ông T hai lần tổng 495 triệu.
Tất cả khoản tiền trên, bà H cho rằng ông T chuyển tặng và chu cấp trong thời gian sống chung như vợ chồng; không có việc bà vay mượn ông T.
HĐXX nhận định, ông T là chủ sở hữu số tiền hơn 2,9 tỉ đồng đã chuyển giao cho bà H. Nội dung giao dịch không thể hiện tặng hay cho bà H mượn nên ông T đòi lại tài sản là có căn cứ.
Đối với các giao dịch từ từ tháng 4-2020 đến tháng 5-2022 không liên quan đến nội dung khởi kiện. HĐXX xét thấy, nguyên đơn khởi kiện dựa trên các giao dịch từ tháng 4-2023 đến tháng 7-2023, nên không thể dựa vào các chứng cứ mà bị đơn cung cấp để suy đoán việc ông T chuyển tiền cho bà H là để tặng cho.
Do đó, HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T, buộc bà H phải trả lại 2,5 tỉ đồng.
Cần chứng minh mục đích chuyển tiền là cho vay
Theo ThS. NCS. Mai Hoàng Phước (Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế-Luật, ĐHQG TP.HCM) cần chứng minh mục đích chuyển tiền (nếu có) là tặng cho hay là cho vay.
Cả ông T và bà H đều không thống nhất mục đích chuyển tiền là tặng cho hay là cho vay. Tiếp theo, các chứng từ giao dịch cũng không thể hiện bất kỳ nội dung cụ thể nào. Theo quy khoản 1 Điều 6 và Khoản 1 Điều 91 BLTTDS thì ông T có nghĩa vụ cung cấp cho tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh mục đích chuyển tiền là cho vay để được chấp nhận yêu cầu khởi kiện.
Trường hợp này, THS Phước cho rằng: Ông T không đưa ra được chứng cứ nào khác chứng minh thì tòa án giải quyết vụ việc dân sự theo những chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ án căn cứ theo khoản 4 Điều 91 BLTTDS. Do đó, khi chưa đủ chứng cứ đánh giá mục đích chuyển tiền là tặng cho hay là cho vay thì chưa đủ cơ sở chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Còn theo LS Nguyễn Chí Thiện (Đoàn LS TP.HCM), hai bên không lập văn bản cho vay tài sản và không nêu rõ về thời hạn trả tiền. Vì vậy, cần làm rõ hợp đồng vay tài sản không được lập thành văn bản, thì việc ông T chuyển tiền cho bà H có được xem là giao dịch cho vay tài sản thật hay không?
Ông T đã 8 lần chuyển tiền cho bà H nhưng các lệnh chuyển khoản chưa được làm rõ nội dung chuyển khoản, tức chưa xác định được việc ông T chuyển tiền có phải mục đích cho vay hay không. Và nếu bà H không vay và nội dung chuyển khoản là cho vay thì bà H sẽ phản đối. Việc ông T chuyển tiền cho bà H mà không ghi rõ nội dung đã gây ảnh hưởng đến quyền được phản đối hoặc từ chối của bà H.
Cần làm rõ mối quan hệ tình cảm giữa hai bên
Cũng theo LS Thiện, bà H trình bày về việc giữa bà và ông T có quan hệ tình cảm, sống chung với nhau như vợ chồng (từ năm 2019 đến tháng 3-2022 thì chia tay và quay lại từ tháng 3-2023 đến tháng 6-2023 thì chấm dứt). Bà T cung cấp các chứng từ giao dịch từ tháng 4-2020 đến tháng 5-2022 thể hiện ông T nhiều lần chuyển tiền với nội dung chuyển khoản tặng cho bà H.
Có thể hiểu rằng, ông T chuyển tiền nhưng không ghi rõ nội dung từ tháng 4-2023 đến tháng 7-2023 là trong thời gian 2 người sống chung là ý chí chủ quan, thể hiện mong muốn tặng cho bà H. Điều 463 BLDS quy định về hợp đồng vay tài sản, dù không quy định về hình thức của hợp đồng vay tài sản nhưng cũng cần phải xem xét đầy đủ bối cảnh, thời điểm chuyển tiền và ý chí, thỏa thuận của các bên tại thời điểm phát sinh giao dịch dân sự.
Nói thêm, LS Lâm Quang Quý (Đoàn LS TP.HCM), cho rằng HĐXX cần làm rõ có hay không mối quan hệ tình cảm giữa ông T và bà H. Vì đây có thể là tình tiết mấu chốt, có phải do mâu thuẫn trong tình cảm nên ông T đã kiện đòi lại tiền đã chuyển khoản cho bà H mua xe.
Trong vụ án này, lời khai của ông T và bà H có nhiều mâu thuẫn chưa được làm sáng tỏ. Ông T cho rằng chuyển khoản cho bà H mượn nợ để phụ giúp gia đình kinh doanh, còn bà H cho rằng, sau khi hàn gắn tình cảm vào tháng 4-2023, ông T hứa tặng bà H xe ô tô BMW làm quà sinh nhật muộn và ông T chuyển tiền cho bà H là để thanh toán tiền mua xe.
Vì vậy, cần xác minh, thu thập chứng cứ, làm rõ những mâu thuẫn trong lời khai của các bên để giải quyết được phần gốc rễ là vì sao có chuyển khoản và chuyển khoản để làm mục đích gì để giải quyết thấu đáo vụ án.