Những đối tượng dễ bị lây virus Corona và cách tăng sức đề kháng để phòng ngừa

Thanh Hải 31/01/2020 15:36

PLBĐ - Trước tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona mới diễn biến phức tạp, người dân cần trang bị những kiến thức cơ bản để phòng ngừa.

Những đối tượng dễ nhiễm và tử vong vì virus Corona

Trước tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona mới diễn biến phức tạp, thậm chí nhiều người dân hoang mang vì lo sợ mắc bệnh, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định, chỉ mắc bệnh khi tiếp xúc với nguồn bệnh.

Theo những hiểu biết ban đầu, hiện nay, nguồn bệnh có thể là động vật mang mầm bệnh hoặc tiếp xúc với người mang mầm bệnh virus Corona mới (nCoV). Bệnh lây theo đường hô hấp nên có thể lây truyền qua giọt nước bọt qua ho, hắt hơi hoặc lây truyền qua tay chân, vật dụng mà virus bám vào.

TS. Phu cho hay, những người đi từ vùng dịch trở về, những người tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc gần với những người đi từ vùng dịch về mà nhiễm bệnh như những người cùng chung sống, sinh hoạt với những người nhiễm bệnh, những người đi cùng máy bay, ô tô, tàu..., trong các đám tụ họp, trong bệnh viện mà có người bị nhiễm bệnh, những người làm công tác ở sân bay, cửa khẩu mà phải tiếp xúc với những người nhập cảnh nhiễm bệnh..., những người nhà, nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân và có tiếp xúc với hải sản, động vật của vùng dịch là đối tượng dễ nhiễm bệnh nhất. 

Chuyên gia đầu ngành về phòng dịch khuyến cáo, những người đi từ vùng dịch trở về phải tuân thủ khai báo y tế, nếu chưa có những dấu hiệu cơ bản của bệnh như sốt/ ho/khó thở... trong 14 ngày thì có thể cách ly tại nhà, hạn chế tiếp xúc với nhiều người và thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi, tuân thủ rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác vì đây là bệnh có cơ chế lây qua đường hô hấp, qua không khí, qua giọt bắn khi hắt hơi.

Vì bệnh này thường ủ bệnh trong thời gian 14 ngày nên người bệnh có thể xuất hiện triệu chứng sớm hơn hoặc có thể lâu nhất là 14 ngày. Do vậy, trong thời gian cách ly tại nhà, nếu có các dấu hiệu như sốt, ho, khó thở... thì cần ngay lập tức đến cơ sở y tế để được thăm khám và hướng dẫn cách ly y tế, điều trị kịp thời, tránh lây lan cho cộng đồng. Tại các cơ sở y tế, khi bệnh nhân đã nghi ngờ mắc bệnh đang chờ kết quả xét nghiệm cũng cần tuân thủ quy trình về cách ly, điều trị và bảo hộ để tránh lây lan cho cộng đồng, đặc biệt lây nhiễm chéo sang nhân viên y tế.

Việc điều trị cho những trường hợp bệnh nhân đã mắc bệnh sẽ tuân theo phác đồ của Bộ Y tế đã ban hành và dựa trên từng thể trạng của bệnh nhân.

phong_chong_benh_o_virut_corona_2901222009_wczg
 Dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona mới diễn biến phức tạp. (Ảnh: Tiền phong)

Cách tăng sức đề kháng đơn giản để phòng dịch

Theo GS Nguyễn Gia Bình, nguyên bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, các bệnh do virus đều nguy hiểm và ta không biết được khi nào mình mắc bệnh. Cách dự phòng là tránh xa đám đông, đeo khẩu trang và đặc biệt là nâng cao sức đề kháng. Cơ thể khỏe mạnh có thể chống lại được sự tấn công của virus.

Cách phòng bệnh tốt nhất là cần tăng sức đề kháng, theo bác sĩ Trương Hoàng Hưng - Bác sĩ tại Tesxa, Hoa Kỳ các biện pháp phòng bệnh như: 

- Áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm như rửa tay, khẩu trang khi cần, dung dịch rửa tay khô với dung dịch cồn,...

- Tránh đám đông nếu có thể, bớt đi lễ hội, chùa chiền

- Ăn uống điều độ, uống nhiều nước.

- Vận động đều đặn

Thói quen ăn uống tốt cho sức khỏe
Ăn uống điều độ giúp nâng cao sức đề kháng để phòng dịch. (Ảnh minh họa)

Để tăng sức đề kháng cho cơ thể, theo PGS Tạ Văn Bình, Viện Nội tiết và chuyển hóa đái tháo đường, cần ăn uống đủ chất và giữ cơ thể luôn khỏe mạnh. Những người bị các bệnh mãn tính kèm theo cần làm tốt kiểm soát bệnh tật.

Có thể bổ sung các loại thực phẩm như cà rốt, đu đủ, xoài, đào, khoai lang, bí đỏ… là nguồn cung cấp beta-carotene tuyệt vời. Cơ thể sẽ chuyển hóa beta-carotene thành vitamin A, giúp cơ thể khỏe mạnh. 

Cam, chanh, bưởi, táo... dồi dào vitamin C tự nhiên. Vitamin C cải thiện hệ miễn dịch bằng cách giúp cơ thể tăng cường sản sinh các tế bào bạch cầu và kháng thể chống lại virus, vi khuẩn xâm nhập cơ thể.

Dưa hấu chứa nhiều vitamin A, C, lycopene giúp giảm nhiễm trùng, chống viêm và tăng cường miễn dịch. Đây cũng là loại trái cây thơm ngon nên ăn quanh năm.

Tỏi có tác dụng chống oxy hóa, bảo vệ màng tế bào, chống nhiễm trùng, tăng số lượng và sức mạnh chống lại mầm bệnh của bạch cầu. 

Sáng nay (31/1), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu do sự bùng phát và lây lan của chủng virus Corona mới (2019-nCoV). Quyết định này được WHO đưa ra sau cuộc họp của Ủy ban Khẩn cấp về điều lệ y tế quốc tế (IHR).

Trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Bộ Y tế vừa ban hành công văn phân tuyến điều trị bệnh nCoV, khi có diễn biến nặng hoặc được xác định dương tính với chủng virus Corona mới, sẽ chuyển người bệnh tới Bệnh viện tuyến cuối theo phân tuyến điều trị.

Theo đó, nhằm phát hiện, điều trị và quản lý kịp thời người bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, Bộ Y tế đã có công văn gửi Giám đốc các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế, Y tế ngành tiếp tục khẩn trương và nghiêm túc thực hiện Công điện số 121/CĐ-TTg ngày 23/1/2020, Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẵn sàng ứng phó tiếp nhận, thu dung, điều trị và quản lý người nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do chủng mới của virus Corona.

Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẵn sàng tổ chức phân loại người bệnh ngay từ khi người bệnh đến đăng ký khám bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; phân luồng và bố trí buồng khám riêng đối với người bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính (ho, sốt,...); đặc biệt lưu ý khi có yếu tố dịch tễ của người bệnh sống hoặc đến từ Trung Quốc trong vòng 14 ngày.

Các đơn vị nghiêm túc bảo đảm tổ chức thường trực cấp cứu thường xuyên, liên tục; sẵn sàng tiếp nhận, thu dung điều trị, quản lý ca bệnh theo phân tuyến điều trị. Khi có người bệnh nghi ngờ viêm đường hô hấp cấp tính do chủng mới của virus corona được tiếp nhận và theo dõi cách ly triệt để tại địa phương (tại Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh).

Khi có diễn biến nặng hoặc được xác định dương tính với chủng virus Corona mới sẽ chuyển người bệnh tới Bệnh viện tuyến cuối theo phân tuyến điều trị. Các bệnh viện thực hiện nghiêm túc xử trí, điều trị thực hiện theo đúng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi cấp do chủng nCoV ban hành kèm theo Quyết định số 125/QĐ-BYT ngày 16/1/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

T.H (th)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Những đối tượng dễ bị lây virus Corona và cách tăng sức đề kháng để phòng ngừa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO