Trước khi phẫu thuật, các nhân viên y tế đứng thành hai hàng, xúc động cúi đầu tri ân người hiến tạng giúp hồi sinh 6 cuộc đời khác.
1h30 ngày 23/8, sau tai nạn giao thông, anh N.Đ.T (SN 1992, quê ở Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội) được đưa đến Bệnh viện Xanh Pôn trong tình trạng hôn mê sâu. Gần hai tiếng sau, anh T. được xác định chết não. Gia đình quyết định hiến tạng của anh để mang lại sự sống cho người khác. Ca phẫu thuật đặc biệt có 60 y bác sĩ của hai đơn vị phối hợp là Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức.
Trước khi phẫu thuật, nhân viên y tế đứng thành hai hàng, cùng cúi đầu tri ân người hiến tạng. Bác sĩ người tựa vào bàn mổ, người cố nén những giọt nước mắt, tất cả đều hướng về anh T.
"Chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước nghĩa cử cao đẹp của anh. Đây là nghĩa cử thể hiện tình thương yêu và sự hy sinh cao cả, mang hy vọng mới cho những người đang mong chờ cơ hội được ghép tạng", một bác sĩ thay mặt êkíp gửi lời tri ân cuối cùng đến người hiến tạng.
Để lấy tạng từ người cho chết não, hàng chục nhân viên y tế ở nhiều vị trí khác nhau phối hợp chặt chẽ, không được phép để xảy ra sai sót.
Cùng thời điểm đó, bên trong phòng mổ số 5 Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, một nhóm các y bác sĩ cũng tất bật chuẩn bị cho công tác ghép thận.
Hai bệnh nhân được ghép thận là người đàn ông suy thận từ năm 2012 và người phụ nữ suy thận phải lọc máu chu kỳ từ năm 2020. Đến nay, sức khỏe của hai người được ghép thận đều tiến triển tốt, bệnh nhân tỉnh táo, các chỉ số theo dõi cơ bản ổn định.
Trái tim của người hiến rời phòng mổ số 2 Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn lúc 20h ngày 24/8, được bảo vệ nghiêm ngặt trong hành trình xuyên Việt để đến với bệnh nhân nhân bị suy tim đang điều trị tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM.
Các chuyên gia xuyên đêm ghép tim cho bệnh nhân. Quá trình này tuân thủ nhiều quy định nghiêm ngặt. Tất cả các thành viên kíp mổ đều tập trung cao độ. Từng phút, thậm chí từng giây đều được các y bác sĩ tính toán cẩn trọng.
PGS Nguyễn Hoàng Bắc - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM chia sẻ: "Dù ở ngoài lồng ngực 7 giờ nhưng trái tim vẫn an toàn. Đây là niềm tự hào về tinh thần kết nối một lòng vì sự sống của người bệnh".
Ca phẫu thuật kéo dài 5 tiếng, tính từ khi trái tim được cấy ghép vào cơ thể người bệnh vào nửa đêm ngày 24/8. Đến 3h ngày 25/8, trái tim "người lạ" đã bắt đầu nhịp đập đầu tiên trong lồng ngực của bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM.
Như LoanThống kê của Trung tâm Điều phối hiến ghép tạng quốc gia cho thấy, trong hơn 15 năm cả nước mới chỉ hơn 46 ca chết não hiến tạng, thực hiện ghép cho 458 người. Số ca ghép tạng từ người sống hiến tạng vẫn chiếm tới 95%. Con số này ngược lại ở các nước trên thế giới, hơn 95% nguồn tạng được cho từ người chết não, còn ở Việt Nam tỷ lệ này rất thấp, chưa đến 5%.