Cà Mau - Trên chòi gác cao 20 m, rộng 3 m2, ngày nắng rát da, đêm đầy muỗi, nhân viên phải túc trực 24/24 canh giữ rừng, sớm phát hiện, ngăn nguy cơ cháy trong mùa khô hạn.
Ngày cuối tháng 4, vừa kết thúc cuộc họp tại trụ sở chính Vườn Quốc gia U Minh Hạ, ông Lê Quốc Việt, 46 tuổi, mất 20 phút đi hơn 10 km đường nội bộ mới đến được căn nhà của đội quản lý bảo vệ rừng 21 do ông làm đội trưởng. Tới nơi người đàn ông 46 tuổi nhanh chóng phân công nhiệm vụ trực đêm cho từng người, còn mình chuẩn bị đi tuần khu vực 700 ha thuộc vùng lõi của rừng quốc gia.
Ông Lê Quốc Việt quan sát rừng tại chòi gác. Ảnh: An Minh
Hơn 20 năm trước, ông Việt xin vào công tác tại Lâm trường U Minh 3 (nay được sáp nhập vào Vườn quốc gia U Minh Hạ). Là dân xứ rừng nhưng công việc tại lâm trường với mức lương hơn 100.000 đồng mỗi tháng, khiến chàng trai trẻ khá bỡ ngỡ và gặp nhiều khó khăn.
Những ngày đầu nhận nhiệm vụ, ông Việt thường bị lạc giữa rừng, có khi chỉ đi vài km nhưng hơn nửa ngày mới về tới đơn vị. Mất hơn hai năm học hỏi, người cán bộ mới thạo đường, công việc cũng dễ dàng hơn. "Lúc mới vào nghề vừa cực vừa buồn, tôi từng có suy nghĩ từ bỏ nhưng nhờ anh em động viên nên đã vượt qua", ông Việt nói.
Vườn quốc gia U Minh Hạ rộng hơn 8.500 ha, thuộc địa bàn một số xã của hai huyện U Minh và Trần Văn Thời. Đây là khu bảo tồn thiên nhiên của tỉnh Cà Mau, được UNESCO công nhận là một trong ba vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau năm 2009, với nhiều hệ động thực vật đặc trưng, cần bảo tồn.
Theo ông Việt, do diện tích lớn, rừng dễ xảy ra cháy nhất là thời điểm mùa khô, kéo dài từ tháng 11 đến tháng 5. Đến giờ người đội trưởng vẫn nhớ lần dập đám cháy rừng bị ong vây kín. Vào buổi chiều cách đây hơn 10 năm, ông cùng đồng nghiệp nghe tiếng nổ rất lớn cách đó khoảng 200 m kèm khói bốc lên. Các nhân viên trực nhanh chóng đến vị trí xảy ra sự cố để dập lửa. Đám cháy trên diện tích gần 20 m2 được khống chế, song gần chục người đã bị đàn ong mật chích sưng mặt, trên người đầy thương tích.
Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, ông Nguyễn Văn Hải cùng đồng đội còn trồng rau, nuôi cá để cải thiện bữa ăn. Ảnh: An Minh
Hơn 30 năm gắn bó với rừng U Minh Hạ, ông Nguyễn Văn Hải, 51 tuổi, được xem là "lão làng" trong đội. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông từ quê ở huyện Cái Nước đến với U Minh Hạ giữ rừng cùng nhiều bỡ ngỡ. "Mỗi lần về thăm nhà tôi phải qua mấy lượt đò, chỉ thời gian đi đã mất hơn nửa ngày", ông Hải nói. Sau hơn hai năm công tác, ông được đơn vị tạo điều kiện cho mượn đất, hỗ trợ cây, lá để cất nhà rồi đem vợ con từ quê đến ở gần nơi làm việc.
Ông Hải kể năm 2002 đã cùng 500 người tham gia dập lửa vụ cháy rất lớn với diện tích thiệt hại hơn một nghìn ha. Lực lượng chữa cháy phải ở xuyên suốt gần 100 ngày trong rừng để dập lửa, canh không cho đám cháy bùng trở lại. Thời đó phương tiện chữa cháy thô sơ, hầu như việc dập lửa chỉ dùng sức người. Mỗi khi xảy ra sự cố, nhân viên phải đào đường băng ngăn cháy lan. Do thiếu máy bơm, lực lượng cứu hộ múc từng thùng nước dưới kênh để dập lửa.
Diễn tập phòng chống cháy rừng ở Vườn quốc gia U Minh Hạ. Ảnh: Thúy Minh
Theo ông Nguyễn Tấn Giang, đội trưởng quản lý bảo vệ rừng T21-90 (thuộc Vườn quốc gia U Minh Hạ), những tháng mùa khô, cán bộ quản lý bảo vệ rừng không có thứ bảy hay chủ nhật, có khi cả tháng không thấy mặt vợ, con. Họ thay phiên trực suốt ngày đêm tại rừng, trừ khi có việc quan trọng mới được nghỉ phép.
Đội T21-90 có 4 cán bộ, được giao bảo vệ, quản lý hàng hơn 670 ha rừng tràm. Tại đây các chiến sỹ bảo vệ rừng cùng ở, sinh hoạt như một gia đình. Họ tự trồng rau, nuôi cá để cải thiện bữa ăn hằng ngày. Đúng 7h, ai đến ca trực thì lên chòi canh gác, số khác tham gia tuần tra rừng, ngăn chặn hành vi phá hoại, săn bắt động vật...
Ông Trần Công Hoằng, Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ, cho biết vườn có 11 đội quản lý, bảo vệ với gần 100 cán bộ, nhân viên. Từ đầu năm đơn vị triển khai các biện pháp bảo vệ, trong đó chú trọng tập trung lực lượng luân phiên túc trực canh lửa. Những điểm nguy cơ hoả hoạn cao được bố trí nhiều lực lượng, máy bơm để kịp thời xử lý nhanh sự cố.