Nước dừa là thức uống tốt cho sức khoẻ được nhiều người yêu thích, đặc biệt là trong mùa hè, vậy nhưng không phải ai cũng có thể uống được loại nước này.
Trong nước dừa có gì?
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, nước dừa là nguồn nước tinh khiết nhất, là chất lỏng trong suốt hoặc hơi đục, nằm trong phần ruột rỗng của dừa.
Loại nước này được con người khai thác để sử dụng như một thứ nước giải khát từ thiên nhiên. Nước dừa vị thơm bùi đặc trưng, vị ngọt thanh mát. Cần phân biệt nước dừa và nước cốt dừa vì nước cốt dừa là phần nước và dầu béo được tinh chế từ phần cơm dừa.
Người ta ưa chuộng nước dừa không chỉ vì hương vị thơm ngon của nó mà còn nhờ giá trị dinh dưỡng do nó đem lại.
Đặc biệt ở những vùng có khí hậu nhiệt đới nắng nóng, bên cạnh nước dừa tinh khiết được lấy ra từ những trái dừa tươi xanh, người dân còn uống nước dừa được sản xuất theo dạng lon hoặc đóng chai.
Ngoài công dụng giải khát, loại nước này còn được dùng thay thế cho chất bù điện giải, dùng làm thuốc và sử dụng trong làm đẹp, nấu ăn.
Ít ai biết rằng trong nước dừa lại chứa một hàm lượng dưỡng chất vô cùng dồi dào, điển hình là các axit amin và glucose, thêm vào đó là những chất điện giải như natri, kali và magiê.
Tuy nhiên dừa non và dừa trưởng thành lại có sự khác biệt nhỏ về thành phần các chất dinh dưỡng. Cụ thể là trong dừa non thì tổng hàm lượng phenolic và đường sẽ lớn hơn so với dừa trưởng thành, trong khi đó dừa trưởng thành lại có giá trị pH, kali và nồng độ protein cao hơn.
Những người nên hạn chế uống nước dừa?
Nước dừa tuy tốt cho sức khoẻ nhưng không phải ai cũng có thể dùng được. Các chuyên gia cho biết, trước khi uống nước dừa bạn cần chắc chắn không thuộc những nhóm người dưới đây:
Người thuộc thể trạng âm hàn
Báo VnExpress dẫn lời TS.BS Nguyễn Thị Sơn, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3, cho biết nước dừa không phải là sự lựa chọn tốt với người có thể trạng âm hàn (tay chân dễ bị lạnh). Lý do, nước dừa tính mát, uống quá nhiều sẽ gây mất cân bằng "âm dương" của các hoạt động trao đổi chất, làm suy nhược cơ thể và đuối sức.
Phụ nữ mang thai ba tháng đầu
Ba tháng đầu thai kỳ, bào thai thường chưa bám chắc vào thành tử cung của mẹ. Do đó, thai phụ uống nước dừa có tính hàn sẽ làm lạnh cơ thể, tiềm ẩn nguy cơ sảy thai.
Hội chứng ốm nghén trong giai đoạn này có thể trở nên trầm trọng hơn bởi uống nước dừa thường xuyên sẽ gây đầy bụng và rối loạn tiêu hóa.
Người bị tăng kali máu
Nước dừa chứa hàm lượng kali cao. Đừng uống nước dừa nếu bạn có lượng kali trong máu cao.
Người có vấn đề về thận
Nước dừa chứa hàm lượng kali cao. Thông thường, kali sẽ được bài tiết qua nước tiểu nếu nồng độ trong máu tăng quá cao. Nhưng nếu thận không hoạt động bình thường, chúng sẽ không thể đào thải hết kali dư thừa. Người có vấn đề về thận như bị suy thận, suy tuyến thượng thận cấp tính hoặc có lượng nước tiểu giảm, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống nước dừa, Báo Thanh niên dẫn nguồn trang tin y tế PharmEasy.
Trên đây là những người nên hạn chế uống nước dừa. Nếu bạn thuộc nhóm những người trên hãy tránh xa nước dừa nhé.