Những phản ứng có thể gặp sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 ở trẻ từ 5-11 tuổi

08/04/2022 11:33

PLBĐ - Bộ Y tế cho biết sẽ triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi đồng loạt tại 63 tỉnh/thành ngay khi có vaccine về. Vậy ở lứa tuổi này, trẻ có thể gặp những phản ứng nào sau tiêm và cha mẹ cần lưu ý điều gì?

Các phản ứng thường gặp sau tiêm vaccine ở trẻ từ 5 -11 tuổi 

Bộ Y tế đã phê duyệt 2 loại vaccine phòng CCOVID-19 tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi. Cụ thể: vaccine Pfizer (tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi) và vaccine Moderna (tiêm cho trẻ từ 6-11 tuổi).

Đối với vaccine Pfizer, các phản ứng rất thường gặp khi tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là đau đầu, tiêu chảy, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, kiệt sức, ớn lạnh, sốt (tần suất cao hơn đối với liều thứ 2), sưng tại chỗ tiêm ( 80%), kiệt sức (50%), đau đầu (30%), tấy đỏ và sưng tại vị trí tiêm (20%), đau cơ và ớn lạnh (10%).

Phản ứng thường gặp nhất là phản ứng buồn nôn, tấy đỏ tại vị trí tiêm. Phản ứng ít gặp là nổi hạch, các phản ứng quá mẫn (phát ban, ngứa, mề đay, phù mạch), giảm cảm giác thèm ăn, mất ngủ, ngủ li bì, tăng tiết mồ hôi, đổ mồ hôi đêm, đau chi, suy nhược, khó chịu, ngứa tại vị trí tiêm.

Đối với vaccine Moderna, các phản ứng rất thường gặp là sưng hạch nách ở cùng bên với vị trí tiêm, một số trường hợp sưng hạch bạch huyết khác (ví dụ: ở cổ, ở trên xương đòn), đau đầu, buồn nôn/nôn, đau cơ, đau khớp,đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt, sưng tại vị trí tiêm, ban đỏ tại vị trí tiêm.

Các phản ứng bất lợi được báo cáo nhiều nhất ở trẻ em từ 6 - dưới 12 tuổi sau liệu trình tiêm cơ bản là đau tại vị trí tiêm (98,4%), mệt mỏi (73,1%), đau đầu (62,1%), đau cơ (35,3%), ớn lạnh (34,6%), buồn nôn/nôn mửa (29,3%), sưng/đau ở nách (27.0%), sốt (25,7%), ban đỏ tại vị trí tiêm (24,0%), sưng tại vị trí tiêm và đau khớp.

Phản ứng thường gặp là: Tiêu chảy, phát ban, nổi mề đay tại vị trí tiêm, phát ban tại vị trí tiêm, phản ứng muộn tại vị trí tiêm;

Phản ứng ít gặp là: Chóng mặt, ngứa tại vị trí tiêm; 

Phản ứng hiếm gặp là: Giảm cảm giác, sưng mặt ở người có tiền sử tiêm chất làm đầy da; Phản ứng rất hiếm gặp là: Viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim.

"Không giống như người từ 18 tuổi trở lên, với trẻ em 5-11 tuổi, Bộ Y tế yêu cầu chỉ tiêm 2 mũi duy nhất cùng loại vaccine, không tiêm trộn với bất kỳ vaccine mRNA nào", PGS. TS. Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ cho biết.

Những phản ứng sau tiêm vaccine COVID-19 của trẻ từ 5-11 tuổi - Ảnh 1.

Trẻ từ 5 -11 tuổi sắp được tiêm vaccine phòng COVID-19. (Ảnh minh họa)

Cách theo dõi sau tiêm ở trẻ 5 - 11 tuổi

Theo Bộ Y tế, sau khi tiêm chủng cần cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các phản ứng nghiêm trọng nếu có. Đồng thời các gia đình cần theo dõi liên tục sức khỏe của trẻ trong 28 ngày sau tiêm, đặc biệt 48 giờ đầu. Trong đó, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý:

- Luôn có người hỗ trợ bên cạnh trẻ 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm.

- Không nên cho trẻ uống các chất kích thích ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng.

- Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ.

- Nếu thấy trẻ sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm, phụ huynh cần tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay, không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.

- Thường xuyên đo thân nhiệt, nếu trẻ sốt dưới 38,5 độ C cần cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước, không để nhiễm lạnh. Đo lại nhiệt độ cho trẻ sau 30 phút.

Nếu trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên, cha mẹ cần sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 giờ, cha mẹ cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.

Cha mẹ khi thấy một trong các dấu hiệu sau cần đưa trẻ đi đến các cơ sở y tế để được xử trí kịp thời:

- Ở miệng thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi;

- Ở da thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da;

- Ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó;

- Về thần kinh có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật;

- Về tim mạch có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất;

- Đường tiêu hóa có dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy;

- Đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái;

- Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường;

- Đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn;

- Sốt cao liên tục trên 38,5 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt.

Theo Thứ trưởng Y tế - Đỗ Xuân Tuyên, gần 1 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi của lô đầu tiên trong tổng số gần 14 triệu liều do Chính phủ Australia tài trợ dự kiến về Việt Nam ngày 9/4. Thứ trưởng cũng cho biết, dự kiến lô vaccine thứ 2 sẽ về vào ngày 13/4 và lô thứ 3 sẽ về trước ngày 18/4. Các lô vaccine này đều do Chính phủ Australia viện trợ Việt Nam.

Bộ Y tế đã hướng dẫn các tỉnh, thành phố về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ ở độ tuổi này; đề nghị địa phương, đơn vị khẩn trương xây dựng kế hoạch báo cáo UBND ban hành kế hoạch triển khai tại địa phương và hướng dẫn, phổ biến cho các cơ sở y tế, tích cực chuẩn bị để sớm triển khai vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi; Các phản ứng thường gặp sau tiêm vaccine ở trẻ cần lưu ý.

Thứ trưởng Tuyên thông tin, tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước hiện đã có nhiều thay đổi. Việt Nam đã phát hiện biến chủng Omicron và chuyển đổi chiến lược từ phòng chống dịch sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả COVID-19. Nguồn lây nhiễm trong cộng đồng luôn tồn tại, tỷ lệ mắc COVID-19, số ca nhiễm trong nhóm trẻ đi học tăng cao dẫn đến số lượng người có miễn dịch tự nhiên trong cộng đồng liên tục tăng.

Vì vậy, Bộ Y tế cân đối số lượng vaccine viện trợ và mua để đảm bảo nhu cầu tiêm chủng cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi. Sau khi vaccine này về tới Việt Nam và hoàn thành kiểm định, Bộ Y tế sẽ phân bổ ngay cho các địa phương để triển khai việc tiêm chủng.

Theo kế hoạch của Chương trình Tiêm chủng Mở rộng, trong chiến dịch tiêm chủng cho trẻ từ 5-11 tuổi triển khai tới đây, các địa phương tổ chức tiêm cuốn chiếu theo trường, địa bàn, căn cứ vào tình hình dịch và số lượng vaccine được cung ứng. Trẻ được tiêm miễn phí, tại các cơ sở cố định, điểm tiêm lưu động và trường học. Cha mẹ, người giám hộ ký phiếu đồng ý tiêm chủng cho trẻ. Trẻ từ 11 tuổi sẽ tiêm trước, sau đó hạ thấp dần độ tuổi.

T.H (th)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Những phản ứng có thể gặp sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 ở trẻ từ 5-11 tuổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO