Những rối loạn ở hệ tiêu hoá sau tết và cách xử trí

Hà Anh 30/01/2023 10:05

Việc sử dụng thực phẩm quá nhiều, ăn uống thất thường, quá bữa, lệch giờ, uống nhiều rượu bia, nước có ga có thể gây ra rối loạn tiêu hóa.


Rối loạn tiêu hóa ngày Tết và cách xử trí - Ảnh 1.

Một số lời khuyên dành cho các bạn khi xảy ra rối loạn tiêu hóa

Phổ biến nhất với các triệu chứng thông thường là tiêu chảy, táo bón và tình trạng chậm tiêu hóa, đầy bụng, khó tiêu, ợ hơi, đắng miệng, ăn không thấy ngon đến hội chứng kém hấp thu…

Xử trí rối loạn tiêu hóa tại nhà

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hùng Cường, chuyên khoa Ngoại Tiêu hóa - gan mật - tiết niệu lưu ý,dịp Tết, chúng ta hay gặp những trường hợp ngộ độc thực phẩm , ngộ độc rượu bia , nhẹ thì bị rối loạn tiêu hóa với các biểu hiện như: ợ hơi, ợ chua, đầy bụng, khó tiêu, nóng rát thượng vị, đau bụng, buồn nôn, nôn, rối loạn đại tiện (tiêu chảy, táo bón)…

Cùng chia sẻ về vấn đề này, Bác si chuyên khoa tiêu hoá, Huỳnh Văn Trung, cho biết, ngay khi có những triệu chứng của rối loạn tiêu hoá, bạn cần thực hiện những cách xử trí ngay tại nhà như sau: ăn những thức ăn dễ tiêu hóa như cháo, súp; ăn sữa chua để bổ sung lợi khuẩn; ăn nhiều rau củ quả; uống nước tùy theo nhu cầu vận động của cơ thể cả trong và sau những ngày Tết (trung bình từ 1 đến 2 lít nước mỗi ngày); uống thêm trà gừng ấm; có thể dùng oresol bù nước nếu rơi vào tình trạng tiêu chảy nhiều; không tự ý dùng nhiều thuốc chống tiêu chảy hay táo bón; vận động nhẹ nhàng mỗi ngày; và đặc biệt lưu ý đến chế độ sinh hoạt như tránh thức khuya, ăn khuya…

Khi nào cần đến bệnh viện để thăm khám?

Sau khi xuất hiện triệu chứng, xử lý bằng các biện pháp đơn giản tại nhà, bạn phải cần tiếp dục theo dõi cơ thể một cách chặt chẽ.

Bác sĩ Huỳnh Văn Trung đặc biệt lưu ý khi cơ thể bạn xuất hiện những dấu hiệu nặng sau thì cần đến ngay bệnh viện để thăm khám:

Cảm giác mệt mỏi liên tục xuất hiện; Cơ thể mất nước do nôn ói hoặc tiêu chảy nhiều; Khát nước; Da, môi, miệng khô; Tiểu ít hoặc không có nước tiểu; Đau bụng dữ dội; Không thể ăn, uống; Sốt cao, tay chân lạnh, mạch nhanh, huyết áp tụt…

Những lưu ý cần nhớ

Để tránh rối loạn tiêu hóa sau tết, chúng ta nhớ "5 cần" như sau:

- Cần bổ sung nhiều rau xanh và trái cây tươi:  Đảm bảo ăn đủ 4 nhóm thực phẩm trong mỗi bữa ăn với tỷ lệ cân bằng đó là: tinh bột đường (bánh mì, cơm, phở...); chất béo (bơ, dầu, mỡ...); chất đạm (cá, thịt...); vitamin (rau, củ, quả).

- Cần uống đủ nước mỗi ngày: Việc uống nước lọc và nước trái cây mỗi ngày có tác dụng ngăn ngừa nguy cơ táo bón, đẩy nhanh quá trình chuyển hóa thức ăn, giúp bạn tránh hiệu quả nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa.

- Cần thêm men vi sinh vào thực đơn: Probiotics là các lợi khuẩn giúp cân bằng sự phát triển của vi khuẩn trong đường ruột. Bạn có thể tìm thấy lợi khuẩn này có trong các sản phẩm vô cùng quen thuộc như sữa chua, dưa cải bắp, các loại quả mọng, măng tây, chuối, yến mạch...

- Cần duy trì một chế độ sinh hoạt lành mạnh: Cố gắng duy trì một nếp sinh hoạt khoa học với việc ăn đúng bữa, đúng giờ với lượng thực phẩm lành mạnh, nhiều chất xơ… nhằm giúp cơ thể hấp thụ được đầy đủ những dưỡng chất cần thiết để khỏe mạnh.

- Cần chuẩn bị thuốc tiêu hóa trong tủ thuốc gia đình: Bất cứ lúc nào tình trạng rối loạn tiêu hóa cũng có thể xảy ra. Chính vì thế, bạn nên chuẩn bị sẵn loại thuốc điều trị các triệu chứng như chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu trong tủ thuốc gia đình. Lưu ý là những loại thuốc này cần được dùng dưới hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Những rối loạn ở hệ tiêu hoá sau tết và cách xử trí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO