Những tác dụng phụ trẻ có thể gặp sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 và cách xử trí

19/10/2021 11:12

PLBĐ - Bộ Y tế đã cho phép tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 12-17 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp, tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương. Cũng như tất cả các loại thuốc, sau khi tiêm trẻ có thể gặp phải các phản ứng phụ như đau cánh tay, sốt, buồn nôn…

Ngày 14/10, Bộ Y tế đã có văn bản về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Cụ thể, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục mua, nhập khẩu và tiếp nhận các loại vaccine có công nghệ sản xuất khác nhau (vaccine mRNA, vaccine bất hoạt...). Hiện, một số loại vaccine phòng COVID-19 theo hướng dẫn của nhà sản xuất đã có chỉ định tiêm cho trẻ em. 

Tại Việt Nam, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em 12 - 17 tuổi sẽ thực hiện theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi 16-17 tuổi và hạ dần độ tuổi) theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương. Loại vaccine sử dụng là loại đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi này, theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và Bộ Y tế. Vaccine được sử dụng 2 liều cơ bản/đối tượng và tiêm cùng loại vaccine.

Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm mũi 1 từ tháng 10/2021 nếu đã chuẩn bị đủ điều kiện. Các Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, lập danh sách tiêm cho trẻ đang đi học từ lớp 6 đến hết lớp 12. Đối với trẻ thuộc lứa tuổi này không đi học thì phối hợp với chính quyền địa phương để lập danh sách.

Bộ Y tế lưu ý tổ chức tiêm theo hình thức chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định, tại điểm tiêm lưu động và trường học. Việc tổ chức tiêm thực hiện theo quy định. Cha mẹ, người giám hộ sẽ thực hiện ký vào phiếu đồng ý tiêm chủng (nếu đồng ý tiêm chủng cho đối tượng này). Trẻ em trước khi tiêm phòng sẽ thực hiện khám sàng lọc trước tiêm theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế và chỉ định loại vaccine sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Sau đó, sẽ được hướng dẫn cách theo dõi, chăm sóc sau khi tiêm chủng theo các hướng dẫn của Bộ Y tế.

Những tác dụng phụ trẻ có thể gặp sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 và cách xử trí - Ảnh 1.

Trong các loại vaccine được cấp phép tại Việt Nam đến nay, có vaccine Pfizer được nhà sản xuất hướng dẫn tiêm cho trẻ.

Theo các chuyên gia y tế, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 đều an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, cũng như tất cả các loại thuốc, một trẻ có thể gặp các tác dụng phụ. Do vậy, điều quan trọng là phải biết những tác dụng phụ đó là gì và cần chú ý những gì.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, ở trẻ em cũng đã ghi nhận những phản ứng thông thường và bất thường tương tự như với người trưởng thành sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19.

"Chúng tôi đã ghi nhận thông báo của nhà sản xuất, của các quốc gia đã tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em và thông qua số liệu của WHO đó là sau tiêm, trẻ em có thể sưng đau tại chỗ tiêm. Biểu hiện toàn thân như có thể sốt, mệt mỏi, khó chịu, đau mỏi cơ, khớp. Các phản ứng này tương tự với người trưởng thành khi tiêm vaccine COVID-19. Tuy nhiên, các số liệu cũng chỉ ra tỉ lệ hiếm gặp các phản ứng nặng hơn, tùy vào cơ địa từng cá thể, điều này cũng giống như bất kỳ loại vaccine phòng bệnh nào khác như phản ứng phản vệ, phản ứng dị ứng muộn", TS Hồng cho biết. 

Các tác dụng phụ trẻ có thể gặp sau khi tiêm vaccine COVID-19

Trong hầu hết các trường hợp, trẻ sau khi tiêm vaccine COVID-19 sẽ chỉ gặp các tác dụng phụ thông thường. Đây là những dấu hiệu cho thấy cơ thể đang hình thành khả năng bảo vệ và hệ miễn dịch đang làm những gì mà nó phải làm. Các tác dụng phụ này thường sẽ biến mất sau 12-48 giờ. Một số trẻ không gặp tác dụng phụ hoặc có thể sẽ gặp các tác dụng phụ sau liều tiêm thứ 2 khác với sau liều đầu tiên.

Việc gặp một tác dụng phụ thông thường không phải là lý do để không tiêm liều thứ 2 của vaccine mRNA ngừa COVID-19. Trẻ cần tiêm cả 2 liều để được bảo vệ hoàn toàn.

Một số tác dụng phụ trẻ thường gặp sau khi tiêm vaccine COVID-19 là: đau và sưng tấy tại vị trí tiêm, ớn lạnh, tiêu chảy, sốt, buồn nôn... Ngoài ra, một số ít trẻ có thể sẽ xuất hiện các hạch bạch huyết sưng và nhạy cảm đau (gọi là nổi hạch), thường ở vùng nách hoặc cổ. Một số người có thể bị phát ban đỏ, ngứa, sưng hoặc đau ở vị trí tiêm, thường được gọi là "cánh tay COVID".

Những tác dụng phụ trẻ có thể gặp sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 và cách xử trí - Ảnh 2.

Phản ứng sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 ở trẻ em tương tự với người trưởng thành.

Cần làm gì khi trẻ gặp tác dụng phụ sau khi tiêm vaccine COVID-19?

Để giảm đau và giảm khó chịu tại vị trí tiêm: Đắp một chiếc khăn mặt sạch, mát và ướt lên vùng da đó. Sử dụng hoặc tập thể dục cho cánh tay.

Để giảm khó chịu do sốt: Uống thật nhiều nước. Mặc đồ nhẹ nhàng, với những bộ quần áo không gây nóng bức.

Sau khi tiêm nếu tình trạng ửng đỏ hoặc nhạy cảm đau ở vị trí tiêm của trẻ trở nặng sau 24 giờ thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để gặp bác sĩ. Ngoài ra, phụ huynh theo dõi những dấu hiệu bất thường sau tiêm, đặc biệt là biến chứng viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, dù rất hiếm gặp.  Khi có các dấu hiệu như: đau ngực, cảm giác ép nặng hoặc khó chịu ở ngực, thở hụt hơi, khó thở, cảm giác nhịp tim nhanh hay chậm bất thường, không đều hoặc đập thình thịch, hồi hộp đánh trống ngực... cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí. 

Các phản ứng dị ứng nghiêm trọng cũng rất hiếm xảy ra. Các loại phản ứng này được gọi là sốc phản vệ và hầu hết luôn xảy ra trong vòng 30 phút sau khi tiêm vaccine. Chính vì vậy, điều quan trọng là sau khi tiêm vaccine phải ở lại 15-30 phút để bác sĩ có thể theo dõi tình trạng và đảm bảo mọi thứ đều ổn.

T.H (th)


(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Những tác dụng phụ trẻ có thể gặp sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 và cách xử trí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO