PLBĐ - Tắm đêm là thói quen và sở thích của nhiều người nhưng lại tiềm ẩn nhiều căn bệnh nguy hiểm. Vậy tắm đêm có hại cho sức khỏe như thế nào?
Tắm bằng nước nóng trước khi đi ngủ nghe có vẻ thư giãn nhưng trên thực tế nó có thể làm gián đoạn giấc ngủ của bạn. Bạn nghỉ ngơi tốt hơn khi nhiệt độ cơ thể thấp hơn một chút, và khi cơ thể bắt đầu chuẩn bị cho một giấc ngủ ngon, nhiệt độ cơ thể sẽ giảm nhẹ. Việc tắm nước nóng sẽ làm tăng nhiệt độ và khiến cơ thể bị rối loạn. Nếu bạn cảm thấy không thể đi ngủ mà không tắm, hãy chọn tắm bằng nước ấm trước khi ngủ 1-2 tiếng.
Dễ bị cảm lạnh
Ban đêm nhiệt độ xuống thấp, nếu bạn tắm đêm và nhất là tắm bằng nước lạnh sẽ làm cho cơ thể mất nhiệt. Đặc biệt với những người có sức đề kháng yếu thì rất dễ bị cảm hoặc nặng hơn có thể trúng gió.
Phổi dễ bị nhiễm lạnh
Trong số các bộ phận của cơ thể, lá phổi chính là cơ quan chịu ảnh hưởng đầu tiên của thói quen tắm khuya. Khi bạn tắm đêm, phổi sẽ rất dễ bị nhiễm lạnh. Lá phổi bị suy yếu hoặc suy giảm chức năng sẽ làm sức khỏe cũng bị ảnh hưởng. Bạn sẽ bị viêm phổi cấp tính, viêm hô hấp, tràn dịch phổi,...
Mắc các bệnh về khớp
Đây là một trong những tác hại của tắm đêm mà ít ai ngờ tới. Khi bạn tắm khuya, cơ thể và nhiệt độ của nước sẽ phản ứng với nhau. Khung xương và các khớp sẽ bị suy yếu dần sau những phản ứng này của cơ thể. Bạn sẽ dễ mắc các bệnh về thấp khớp, viêm xương, đau nhức mỏi vai gáy,...
Nhức đầu mãn tính
Việc tắm gội đêm khuya và đi ngủ khi tóc chưa kịp khô sẽ khiến da đầu dễ bị nhiễm lạnh khiến cho các mạch máu khó lưu thông. Đây cũng chính là nguyên nhân đầu tiên gây ra tình trạng đau đầu mỗi buổi sáng hôm sau.
Nếu việc tắm đêm diễn ra nhiều lần và thường xuyên sẽ dẫn đến việc bạn phải đối mặt với chứng đau đầu mãn tính.
Đột quỵ
Với một số người đang trong tình trạng suy nhược, cảm cúm, uống bia rượu, mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp, tắm đêm dễ dẫn đến bi kịch đột quỵ, tai biến và thậm chí là tử vong. Vì khi đó, nhiệt độ nước tắm không phù hợp với nhiệt độ cơ thể, cơ thể sẽ tự điều chỉnh bằng cách co mạch hoặc giãn mạch để giữ nhiệt hoặc thoát nhiệt. Khi mạch máu não bị co lại đột ngột sẽ dễ gây ra đột quỵ do nhồi máu não hoặc mạch vành (mạch máu cung cấp máu cho tim) co thắt đột ngột, có thể gây ra nhồi máu cơ tim cấp.
Việc tắm đêm tiềm ẩn nhiều nguy cơ có hại cho cơ thể. Tuy nhiên, vì điều kiện công việc mà một số người không thể sắp xếp thời gian tắm sớm. Trong trường hợp phải tắm đêm, thì bạn cần lưu ý một vài điều sau đây:
- Không nên tắm sau 22 giờ nhằm tránh các nguy cơ gây tổn hại đến sức khỏe.Trong trường hợp bất khả kháng buộc chúng ta phải tắm sau 22 giờ đêm thì bạn chỉ nên rửa qua, thay quần áo và tắm vào sáng hôm sau.
- Khi tắm không nên dội nước lên người đột ngột mà nên dội từ từ, dội vào 2 tay trước, sau đó dội đến 2 chân rồi mới dội lên cơ thể.
- Nếu có thể thì bạn chỉ nên tắm mà không nên gội đầu ban đêm. Nếu có gội đầu thì bạn cần dùng máy sấy tóc sấy cho tóc thật khô rồi mới đi ngủ.
- Nên tắm với nước ấm, không tắm nước lạnh và cũng không tắm nước quá nóng.
- Việc tắm đêm cần diễn ra nhanh chóng.
- Sau khi tắm xong, bạn không nên ngồi trước quạt, điều hòa.
- Những đối tượng cần tránh tuyệt đối tắm đêm là trẻ em, phụ nữ đang mang thai, phụ nữ trong ngày "đèn đỏ", người vừa mới bệnh dậy và người mới uống rượu bia.
- Bạn nên hạn chế tắm muộn vào các ngày đầu óc căng thẳng hoặc bị stress vì khi đó cơ thể đang trong tình trạng bất ổn, dễ dẫn đến những biến chứng về sức khỏe khó lường.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, thời điểm thích hợp nhất cho việc tắm là vào buổi sáng. Nếu bắt buộc phải tắm buổi tối thì nên tắm trước 20 giờ để tránh những tai biến nguy hiểm.
Về nhiệt độ, nên tắm trong khoảng từ 20 - 25 độ C, không nên tắm nước quá nóng hoặc quá lạnh vì đều ảnh hưởng đến mạch máu dưới da.
Vào ngày hè, các bác sĩ khuyên rằng mỗi người cũng chỉ nên tắm tối đa 2 lần/ ngày vào buổi sáng và có thể thêm một lần vào buổi chiều tối. Thời gian tắm cũng không nên quá lâu, mỗi lần tắm chỉ từ 15 - 20 phút.
Thanh Hải (th)