Có những thói quen sinh hoạt tưởng tiết kiệm, sạch sẽ, nhưng nếu việc tiết kiệm xảy ra quá mức đôi khi còn có thể đem lại cho chúng ta những hậu quả tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Việc để thực phẩm đã qua chế biến bảo quản ở trong tủ lạnh, dù sẽ bị biến đổi với tốc độ chậm hơn so với để bên ngoài, tuy nhiên vẫn sẽ gây hại đáng kể tới sức khỏe.
Trên thực tế, dù nhiệt độ trong tủ lạnh thấp nhưng các loại vi sinh vật ưa lạnh vẫn sẽ có khả năng phát triển, làm diễn ra quá trình biến đổi protein, dễ sinh ra các chất vi khuẩn có hại gây hỏng đồ ăn.
Đặc biệt là các loại rau lá xanh vốn dĩ đã có hàm lượng nitrat cao, nếu bảo quản quá lâu hoặc đun nóng lại nhiều lần thì nitrat sẽ chuyển hóa thành một lượng nitrit ngày càng lớn, đây chính là nguyên nhân dẫn tới các bệnh ung thư cho người sử dụng.
Táo hỏng thì cắt bỏ chỗ xấu ăn tiếp; bánh hấp bị mốc, cắt chỗ mốc rồi ăn tiếp... Cách làm này tưởng như tiết kiệm nhưng thực tế lại rất có hại cho sức khỏe.
Trong số các chất gây ung thư mà WHO công bố, aflatoxin chính là chất có khả năng gây ung thư cao nhất, thường ẩn chứa trong các loại thực phẩm bị mốc.
Đặc biệt đối với các loại thực phẩm có hàm lượng tinh bột cao như lạc, ngô, gạo, kê... khi đã bị mốc thì hàm lượng aflatoxin càng cực kỳ cao. Việc ăn các loại thực phẩm ẩm mốc lâu ngày này sẽ làm tăng thêm khả năng mắc bệnh ung thư.
Một số vật dụng như thớt gỗ, đũa gỗ, nồi nấu cơm... dù có bền đến mấy cũng không thể tồn tại đến hàng chục năm được.
Sau một thời gian dài sử dụng, vi khuẩn và nấm mốc có thể phát triển và dễ làm sản sinh độc tố aflatoxin. Đây là một chất gây ung thư cực mạnh có thể làm hại tới sức khỏe của bạn.
Nhiều người nghĩ rằng dầu ăn sẽ không hết hạn sử dụng, miễn là nó được bảo quản đúng cách.
Trên thực tế, dầu ăn cũng có hạn sử dụng, dầu ăn đã mở nắp sẽ dễ bị ôi thiu hơn sau khi tiếp xúc với oxy. Thậm chí, dầu còn bị biến chất nên dễ tạo ra glycidaldehyde sau khi đun nóng, dùng lâu ngày sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
Thực tế, trên miếng giẻ lau có thể chứa tới 5 nghìn tỷ vi khuẩn trên đó nếu như không được phân loại và giặt thường xuyên.
Và nếu bạn chỉ dùng một chiếc giẻ lau bàn để lau trong thời gian dài hoặc lau cho nhiều bề mặt khác nhau thì rất có nguy cơ gây ra các rủi ro sức khỏe, đặc biệt là người có hệ miễn dịch suy yếu, người già hay trẻ nhỏ. Đó có thể là các bệnh tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy, ngộ độc, hay thậm chí là cả ung thư.
Với các khu vực bếp khác nhau bạn cũng nên phân nhóm giẻ lau khác nhau để tránh nhiễm khuẩn chéo. Đừng quên giặt, tiệt trùng giẻ lau và phơi khô dưới ánh nắng mặt trời hoặc nơi khô thoáng thường xuyên; và nên thay các loại giẻ tối đa 3 tháng một lần.
Rửa thịt trước khi sơ chế luôn được khuyến cáo để miếng thịt được rửa sạch bụi bẩn. Nhìn thoáng qua thói quen này có vẻ như không có vấn đề gì nhưng thực tế khi rửa thịt, vi khuẩn từ miếng thịt (như Salmonella, E. coli, tụ cầu khuẩn...) sẽ bắn trong bồn rửa đồ theo tia nước từ vòi, làm nhiễm khuẩn toàn bộ bồn rửa và thậm chí là bắn cả ra ngoài không gian bếp.
Nếu không được vệ sinh sạch sẽ thì vi khuẩn này sẽ phát triển, nhiễm chéo vào thực phẩm khác và gây bệnh như ngộ độc, tiểu chảy, đau bụng, nôn mửa...
Thay bằng việc rửa trực tiếp dưới vòi nước, bạn có thể ngâm thịt sống vào nước vo gạo hoặc nước muối loãng khoảng 10 phút trước khi rửa và nên cho thịt vào chậu riêng để rửa, dùng tay chà nhẹ lên bề mặt thịt sống và tránh cho vi khuẩn bắn ra bồn rửa. Sau đó vệ sinh lại chậu rửa thịt sống và để ráo cho lần sử dụng tiếp theo.