Những thực phẩm dễ bị vi khuẩn tấn công gây nguy cơ ngộ độc trong mùa nắng nóng

Cẩn trọng với thức ăn đường phố mùa lễ 30.4-1.5 11/05/2024 09:15

GĐXH – Theo các chuyên gia, các thực phẩm có nguồn gốc động vật, nhiều đạm gồm thịt, cá, hải sản, sữa, đồ chưa nấu chín hoặc còn tái như rau quả sống, sushi, nem chua... là nhóm thực phẩm dễ bị vi khuẩn tấn công gây ngộ độc trong mùa nắng nóng.

Nắng nóng gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm

Thời gian gần đây, trên cả nước liên tiếp xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm khiến người dân hoang mang. Mới đây nhất là vụ 19 sinh viên ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM được đưa vào viện vì có triệu chứng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy sau bữa cơm tối. Hay trước đó, 15 học sinh của 4 trường tiểu học tại Thủ Đức (TP.HCM) cũng bị ngộ độc vì ăn sushi từ hàng rong bán trước cổng trường.

Trong số những vụ ngộ độc, đáng chú ý nhất là vụ hơn 500 người phải nhập viện sau khi bánh mì tại Đồng Nai. Trong đó có 12 bệnh nhân nặng phải chuyển viện, 2 bệnh nhi nặng nhất phải lọc máu hồi sức tích cực.

Tất cả những sự việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về thực trạng ngộ độc thực phẩm và vấn đề bảo quản thực phẩm, nhất là trong mùa nắng nóng như hiện nay.

Những thực phẩm dễ bị vi khuẩn tấn công gây nguy cơ ngộ độc trong mùa nắng nóng- Ảnh 1.
Bệnh nhân trong vụ ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: Phạm Thương

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, thời tiết càng nắng nóng càng tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật và vi khuẩn có hại sinh sôi, phát triển. Theo đó, những thực phẩm nếu không được bảo quản đúng cách dễ dẫn đến tình trạng bị ôi thiu, hư hỏng và có thể gây ra ngộ độc thực phẩm nếu không may ăn phải.

Theo phân tích của các chuyên gia, ở nhiệt độ 32-43 độ C, vi khuẩn phát triển nhanh nhất và làm thức ăn nhanh ôi thiu, nhiễm khuẩn. Trong đó, các thực phẩm dễ biến chất và gây ngộ độc là thực phẩm có nguồn gốc từ thịt (thịt luộc, nấu đông, chả, pate, xúc xích), sữa (bánh nhân sữa, sữa chua), cá (chả cá, cá luộc, cá khô, cá ướp, cá hộp). Bên cạnh đó, các thực phẩm từ ngũ cốc (gạo, sắn, lạc, đỗ), cơm, xôi… cũng dễ bị vi khuẩn tấn công trong mùa nắng nóng.

Mặt khác, nhiệt độ tăng cao khiến hệ miễn dịch cơ thể dễ suy giảm, nhất là ở trẻ nhỏ, người lớn tuổi. Khi tiếp xúc với các độc tố của vi khuẩn trong thực phẩm, cơ thể giảm khả năng chống cự, dễ nhiễm bệnh và ngộ độc hơn.

Khi bị ngộ độc, người bệnh sẽ có những biểu hiện sớm từ 1- 3 giờ sau khi ăn, chủ yếu là triệu chứng tiêu hóa như: Buồn nôn, nôn, đau bụng vùng thượng vị từng cơn co thắt rồi đi ngoài nhiều lần, lúc đầu có phân, sau phân ít nước nhiều.

Các triệu chứng khác có thể xuất hiện là: Ngứa, mề đay, đau đầu, mệt mỏi. Các triệu chứng trên có thể đỡ dần sau khi nôn và đi ngoài nhiều lần, nhưng cũng có thể nặng lên gây ra suy sụp cơ thể do mất nước, mất điện giải, toan chuyển hóa và rối loạn thân nhiệt (lạnh hạ nhiệt hay sốt cao, co giật). Một số ít trường hợp có thể bị biến chứng nặng nếu nhiễm Salmonella lan rộng, xuyên qua ruột, có thể dẫn đến tử vong.

Một số loại thực phẩm dễ nhiễm vi khuẩn Salmonella như: Thịt gia cầm và các sản phẩm từ thịt; trứng và các sản phẩm từ trứng; sữa và các sản phẩm từ sữa; trái cây và rau củ, socola, ngũ cốc, bơ đậu phộng…

Phòng ngừa nguy cơ ngộ độc thực phẩm như thế nào?

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, để phòng ngừa nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm trong mùa nắng nóng, người dân cần đặc biệt lưu ý đến khâu lựa chọn, bảo quản thực phẩm và biết cách nhận diện thực phẩm đã bị biến chất, hư hỏng.

Do đó, ngay khi chọn thực phẩm, cần chọn các thực phẩm tươi, sạch, không dập nát, có nguồn gốc rõ ràng; ngâm rửa sạch rau, quả tươi, nhất là loại rau dùng ăn sống, rửa rau dưới vòi nước chảy, ngâm nước muối.

Những thực phẩm dễ bị vi khuẩn tấn công gây nguy cơ ngộ độc trong mùa nắng nóng- Ảnh 2.
Lựa chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm đúng cách để phòng tránh nguy cơ bị ngộ độc. Ảnh minh họa

Thực hiện "ăn chín, uống sôi". Che đậy bảo quản cẩn thận thức ăn đã được nấu chín, ăn ngay sau khi vừa nấu xong; không để lẫn thức ăn sống và thức ăn chín; không dùng chung dụng cụ chế biến thức ăn sống và thức ăn chín; rửa tay trước khi chế biến thực phẩm, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh…

Bên cạnh đó, cần bảo quản thực phẩm đúng cách. Không nên để thức ăn ở nhiệt độ bên ngoài quá 2 giờ. Với những thức ăn thừa nên để ở ngăn mát của tủ lạnh. Trước khi cất vào tủ lạnh cần đun lại để diệt hết vi khuẩn, sau đó để nguội, cất riêng vào từng hộp có nắp đậy. Thức ăn đã để ở ngăn mát, muốn ăn cần phải nấu lại, tuyệt đối không ăn được ngay.

Ngoài ra, không sử dụng lại các món ăn đã qua chế biến trong tủ lạnh quá 1-2 ngày. Bởi theo khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), tủ lạnh chỉ bảo quản thực phẩm được trong một thời gian nhất định. Ngăn tủ lạnh chứa quá nhiều thực phẩm sẽ chặn luồng khí lạnh lưu thông khiến nhiệt độ bảo quản không được như mong muốn, dễ gây hư hỏng thực phẩm, dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm...

Xử trí đúng cách ngộ độc thực phẩm ngay tại nhà

Ngay khi nhận biết các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm bạn cần sơ cứu ngay bằng các bước dưới đây:

Gây nôn

Người bệnh có triệu chứng nôn mửa ngay sai khi ăn thực phẩm nhiễm độc, cần ngay lập tức gây nôn để người bệnh nôn hết thức ăn trong bụng ra. Cách gây nôn khá đơn giản: Uống một hơi hết 1 cốc nước pha muối (0,9%) rồi dùng tay móc họng, ngoáy vào họng để gây nôn. Nếu không kịp pha nước muối thì dùng nước lọc rồi lấy ngón tay trỏ đè vào gốc lưỡi, ép cơ thể nôn ra càng nhiều càng tốt.

Sau khi gây nôn, nếu thấy người bệnh nôn được hầu hết thức ăn ra thì để người bệnh nằm nghỉ ngơi. Tuy nhiên, cần phải theo dõi sát, nếu có bất kỳ triệu chứng gì khác lạ cần đưa người bệnh tới bệnh viện càng sớm càng tốt.

Bù nước và điện giải

Nôn nhiều và tiêu chảy khiến cơ thể bị mất nước và điện giải. Cần bù nước cho người bệnh bằng cách uống dung dịch oresol (pha theo đúng hướng dẫn trên bao bì). Hoặc nếu không có oresol sẵn thì có thể pha 1 thìa cà phê muối cùng 1 lít nước rồi cho người bệnh uống nhằm chống mất nước cho cơ thể.

Đối với dung dịch oresol chỉ sử dụng dung dịch đã pha trong 24 giờ, bảo quản kĩ tránh nhiễm bẩn bởi có thể bị nhiễm khuẩn nếu để quá lâu và gây nguy hiểm cho người bệnh

Nếu người bệnh có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời, tránh biến chứng.


Theo giadinh.suckhoedoisong.vn
https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nhung-thuc-pham-de-bi-vi-khuan-tan-cong-gay-nguy-co-ngo-doc-trong-mua-nang-nong-172240510181457957.htm
Copy Link
https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nhung-thuc-pham-de-bi-vi-khuan-tan-cong-gay-nguy-co-ngo-doc-trong-mua-nang-nong-172240510181457957.htm
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Những thực phẩm dễ bị vi khuẩn tấn công gây nguy cơ ngộ độc trong mùa nắng nóng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO