Người bệnh suy tim cần phải điều chỉnh lối sống và chế độ dinh dưỡng. Nên chú ý bổ sung thực phẩm giàu kali trong chế độ ăn uống của mình.
Suy tim là tình trạng suy giảm chức năng co bóp của cơ tim khiến tim không đủ sức bơm máu theo nhu cầu của cơ thể. Các triệu chứng của suy tim phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và loại suy tim.
Khi được chẩn đoán suy tim, bệnh nhân cần tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa kết hợp điều chỉnh lối sống và chế độ dinh dưỡng để kiểm soát và ngăn ngừa biến chứng của bệnh.
Cơ thể chúng ta phụ thuộc vào kali để điều chỉnh huyết áp, trương lực mạch máu, chức năng bình thường của insulin và nhiều loại hormone khác, nhu động đường tiêu hóa, cân bằng axit-bazơ, chức năng thận, cân bằng chất lỏng và điện giải.
Kali cũng là một khoáng chất quan trọng đối với huyết áp và sức khỏe tim mạch. Kali hoạt động như một chất giãn mạch, làm giảm căng thẳng trong thành mạch máu.
Một số nghiên cứu cho thấy, những người tiêu thụ nhiều kali (thông qua chế độ ăn uống) cũng có nguy cơ đột quỵ thấp hơn.
Ở người trưởng thành bình thường, nhu cầu kali mỗi ngày khoảng 4.700mg. Nhu cầu này tăng hơn ở những người trên 45 tuổi, vận động thể lực nhiều, những người đang theo chế độ ăn kiêng hoặc sử dụng các thuốc giảm cân tác dụng nhuận tràng, thuốc tránh thai, lợi tiểu…
Kali là khoáng chất đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động của tim. Chế độ ăn giàu kali có tác dụng hạ huyết áp, làm giảm nguy cơ đau tim. Khi điều trị suy tim, người bệnh thường được bác sĩ cho dùng thuốc lợi tiểu nên sẽ làm giảm đáng kể lượng kali trong cơ thể. Vì vậy người bệnh suy tim cần bổ sung các thực phẩm giàu kali trong chế độ ăn uống như: chuối, bông cải xanh, bơ…
Theo ThS.BS. Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), khi bị suy tim ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định thì chế độ dinh dưỡng cũng rất cần thiết. Người bệnh suy tim nên hạn chế muối và các thực phẩm giàu natri, chất béo và thực phẩm sinh hơi, tăng cường thực phẩm giàu chất xơ thì cần phải cân bằng lượng kali trong khẩu phần ăn.
Có rất nhiều thực phẩm chúng ta ăn hằng ngày có chứa kali. Một số thực phẩm giàu kali nhất là:
Bông cải xanh là thực phẩm chứa rất nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe như chất chống ôxy hoá, vitamin và khoáng chất, giàu chất xơ, đặc biệt là kali. Ngoài ra, chất chống ôxy hóa trong bông cải xanh giúp bảo vệ tim khỏi viêm và giảm cứng động mạch do tích tụ cholesterol.
Rau bina cũng là một trong những loại rau giàu dinh dưỡng và chứa nhiều kali. Chỉ cần 1 cốc (190g) rau bina đông lạnh chứa 12% giá trị hàng ngày đối với lượng kali cần cung cấp cho cơ thể.
Khoai lang là thực phẩm dồi dào kali. Một cốc (328g) khoai lang nghiền có 16% kali giá trị hàng ngày.
Khoai tây với lớp vỏ còn nguyên là nguồn cung cấp kali tuyệt vời, rất tốt cho tim mạch. Một củ khoai tây có thể cung cấp khoảng 18% lượng kali mỗi ngày.
Các loại trái cây tươi giàu kali phổ biến nhất là chuối, bơ, táo… Hàm lượng kali trong 1 quả chuối vừa có 430mg; táo (1 quả vừa với vỏ): 195mg; quả bơ (1/4 quả): 172mg.
Một số loại trái cây sấy khô có hàm lượng kali cao như mơ khô, mận khô, nho khô… Nửa cốc mơ khô chứa 1.101mg kali; nửa cốc mận khô chứa 699mg; nửa cốc nho khô chứa 618mg kali.
Nên chọn các loại trái cây sấy khô không thêm đường và các phụ gia khác để tốt cho sức khỏe.
Sữa là nguồn cung cấp các khoáng chất cần thiết như canxi, magiê và kali mà cơ thể cần để hỗ trợ sức khỏe tim mạch.
Nghiên cứu cho thấy sử dụng sữa ít béo giảm nguy cơ tăng huyết áp và giảm nguy cơ đột quỵ. Hàm lượng kali trong 1 cốc sữa ít chất béo là 350-380mg; 1 cốc sữa chua ít chất béo là 563mg.
Thu Phương