Những tình huống pháp lý xung quanh vụ bị kiện sau khi giúp nạn nhân TNGT

15/07/2022 19:38

PLBĐ - Hai vợ chồng ở Vân Đồn (Quảng Ninh) sau khi cứu giúp, đưa một phụ nữ lớn tuổi bị TNGT vào bệnh viện liền bị gia đình nạn nhân tố cáo là người gây ra tai nạn.

Theo đó, vào ngày 17/6, khi bà P.T.T. (SN 1965, trú tại thôn 7, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn), đang dắt xe đạp qua đường tại khu vực xã Hạ Long, huyện Vân Đồn thì bị một xe ô tô húc văng. Sau đó xe ô tô bỏ chạy khỏi hiện trường.

Cùng lúc đó, anh N.T.Đ. cũng đi ngang đường và chứng kiến toàn bộ sự việc. Vì đi xe máy một mình nên anh Đ. không thể chở bà T. đi bệnh viện cấp cứu. Đúng lúc đó vợ chồng anh chị N.T.V.A. (SN 1992, trú tại khu 8, thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn) và chồng chị là anh N.V.C. (SN 1988) điều khiển xe ô tô bán tải BKS 14C-104.18 đi ngang qua nên anh Đ. đã ra hiệu. Thấy vậy, vợ chồng chị V.A. dừng xe hỗ trợ chở bà T. đi bệnh viện cấp cứu.

Ngày 11/7, trong lúc cả hai vợ chồng chị V.A. đang đi du lịch ở Phú Quốc thì bất ngờ nhận được điện thoại của phía công an mời cả hai vợ chồng đến trụ sở làm việc vì có đơn tố cáo chính anh chị là người gây tai nạn cho bà T.

Bức xúc với sự việc trên, chị V.A. đã đăng tải sự việc lên mạng xã hội với mục đích tìm người thanh niên đã vẫy xe để chứng minh vợ chồng chị không phải là người gây tai nạn. "Tôi đăng vụ việc lên mạng xã hội với mục đích tìm người đàn ông đi xe máy đã vẫy xe ô tô của tôi dừng lại giúp nạn nhân. Việc này nhằm chứng minh rằng vợ chồng tôi không phải là người gây tai nạn nhưng lại bị phía gia đình nạn nhân dọa kiện", chị V.A. cho biết.

Sau đó, anh N.T.Đ. (trú thôn 13, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, là người đi xe máy đã vẫy xe 2 vợ chồng chị V.A. dừng xe cứu giúp) đứng ra xác nhận. Theo anh Đ., anh là người chứng kiến sự việc từ đầu. Chiếc xe gây tai nạn cho bà T. là chiếc xe khách 16 chỗ. Khi xảy ra va chạm với bà T. lái xe 16 chỗ đã dừng xe và xuống thăm hỏi. Khi thấy có anh Đ. tận tình giúp đỡ nên lái xe 16 chỗ đã nhờ anh Đ. thay mình đưa bà T. đi bệnh viện vì trên xe anh còn chở rất nhiều khách. Lái xe còn hứa sau khi trả khách sẽ quay lại. Nhưng sau khi lên xe, tài xế xe 16 chỗ đã bặt vô âm tín.

Cùng lúc đó, anh Đ. đã ra tín hiệu cầu cứu với rất nhiều xe đi ngang đường nhưng không ai dừng xe trợ giúp. Chỉ khi vẫy được xe của vợ chồng chị V.A. thì bà T. mới được đưa đi bệnh viện kịp thời.

Liên quan đến vụ việc, ngày 15/7, lãnh đạo Đội CSGT - Trật tự, Công an huyện Vân Đồn cho biết, sau khi nhận được đơn trình báo của người nhà bà P.T.T., đơn vị đã triệu tập những người liên quan gồm vợ chồng chị V.A và anh N.T.Đ đến trụ sở công an để làm việc.

Sau đó, lực lượng chức năng kiểm tra ô tô của vợ chồng chị V.A xem có dấu hiệu va đập hay không. Hệ thống camera của nhà dân khu vực xảy ra tai nạn được trích xuất phục vụ công tác điều tra. Qua những bằng chứng thu thập được, Đội CSGT - Trật tự, Công an huyện Vân Đồn khẳng định vợ chồng chị V.A, không phải là người gây tai nạn mà chỉ là giúp đỡ, đưa nạn nhân tới bệnh viện.

"Việc triệu tập các bên lên trụ sở để lấy thông tin là chuyện bình thường trong công tác điều tra. Xe gây ra vụ tai nạn cho bà T. là xe khách 16 chỗ hiệu Ford, chúng tôi đang truy tìm xe ô tô này", lãnh đạo Đội CSGT - Trật tự, Công an huyện Vân Đồn thông tin.

Những tình huống pháp lý xung quanh vụ bị kiện sau khi giúp nạn nhân TNGT - Ảnh 1.

Vợ chồng chị V.A. tại trụ sở CSGT phối hợp thông tin về vụ tai nạn. (Ảnh: Quang Minh)

Được biết, vụ việc trên hiện đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Nhiều người đặt câu hỏi, nếu có đủ căn cứ cho rằng, người nhà bà T. đã vu khống cho vợ chồng chị V.A, thì theo quy định hiện hành, người này sẽ bị xử lý ra sao?

Giải đáp thắc mắc trên, trao đổi với ANTĐ, luật sư Lê Hồng Vân (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, người nhà của nạn nhân trong vụ TNGT có quyền nghi ngờ và nếu chỉ dừng lại ở mức độ này thì pháp luật không xử lý. Tuy nhiên, trong trường hợp người này biết rõ sự việc mà vẫn cố tình bịa chuyện để tố cáo người khác, thì có thể bị xử lý về tội vu khống.

Theo luật sư Vân, tại Khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo 2018 quy định, tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Như vậy, tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân, song người tố cáo cũng có nghĩa vụ: Cung cấp thông tin cá nhân; Trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được; Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo; Bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra.

Luật này cũng nghiêm cấm cá nhân có hành vi cố ý tố cáo sai sự thật; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; sử dụng họ tên của người khác để tố cáo.

Hành vi vi phạm được tố cáo chỉ được pháp luật công nhận và xử lý khi có đầy đủ bằng chứng chứng minh vi phạm. Vì vậy, nếu tố cáo thiếu chứng cứ và nội dung tố cáo được cơ quan chức năng cho là sai sự thật, hành vi tố cáo này có thể bị coi là bịa đặt, vu khống.

Cũng theo vị luật sư, điểm b khoản 1 Điều 156 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi nêu rõ, người có hành vi bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vu khống" với mức phạt tù lên đến 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Nếu tố cáo thiếu chứng cứ, sai sự thật và không được cơ quan chức năng công nhận, người tố cáo có thể bị tố ngược về tội "Vu khống". Do đó, trước khi quyết định tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, tổ chức nào đó, người tố cáo cần phải tìm hiểu kỹ thông tin để tránh việc tự đẩy mình vào vòng lao lý, luật sư Hồng Vân khuyến cáo.

T.H (th)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Những tình huống pháp lý xung quanh vụ bị kiện sau khi giúp nạn nhân TNGT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO