Những trường hợp dễ mắc, biến chứng nặng và tử vong do đậu mùa khỉ?

26/07/2022 14:59

PLBĐ - Trẻ sơ sinh, trẻ em và người có bệnh nền, bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ cao mắc đậu mùa khỉ. Nhóm người này cũng có triệu chứng nghiêm trọng hơn và nguy cơ tử vong cao khi mắc bệnh.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ sơ sinh, trẻ em và người có bệnh nền, bị suy giảm miễn dịch nguy cơ cao mắc đậu mùa khỉ. Nhóm người này cũng có triệu chứng nghiêm trọng hơn và nguy cơ tử vong cao khi mắc bệnh. Ngoài ra, cán bộ, nhân viên y tế cũng có nguy cơ cao phơi nhiễm virus gây bệnh đậu mùa khỉ cao.

WHO cũng cho rằng, bất cứ ai tiếp xúc gần gũi với người có triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ, hoặc với động vật nhiễm bệnh đều có nguy cơ mắc bệnh cao.

Người dân có thể bị lây bệnh đậu mùa khỉ do tiếp xúc gần với người có triệu chứng. Các nốt ban, dịch cơ thể (như dịch, mủ hoặc máu từ tổn thương trên da) và vảy ở người bệnh có nguy cơ làm lây nhiễm. Các đồ dùng sinh hoạt như quần áo, ga gối, khăn mặt hoặc vật dụng khác như: Dụng cụ ăn, bát đĩa bị nhiễm virus do tiếp xúc với người nhiễm bệnh cũng có thể làm lây bệnh cho người khác. Các vết loét, tổn thương hoặc chỗ đau trong miệng người bệnh cũng có nguy cơ làm lây nhiễm, nghĩa là virus có thể lây qua nước bọt. Do đó, người có tương tác gần gũi với người nguy cơ làm lây nhiễm bệnh, bao gồm: Cán bộ y tế, người nhà và bạn tình thì nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn.

Virus đậu mùa khỉ cũng có thể làm lây bệnh từ người đang có thai sang bào thai qua rau thai hoặc từ cha mẹ nhiễm bệnh sang con trong hoặc sau khi sinh do tiếp xúc trực tiếp da với da.

Người từng tiêm vaccine đậu mùa vẫn có khả năng được bảo vệ trước bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, hoạt động tiêm chủng vaccine đậu mùa tạm dừng từ rất lâu kể từ khi bệnh đậu mùa được thanh toán năm 1980.

Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, ngay cả khi đã tiêm vaccine đậu mùa, người dân vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ bản thân và người khác.

Những trường hợp dễ mắc, biến chứng nặng và tử vong do đậu mùa khỉ? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Các triệu chứng thông thường của đậu mùa khỉ bao gồm: Sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, giảm năng lượng, sưng hạch và phát ban hoặc tổn thương da. Ban thường bắt đầu trong 1 - 3 ngày khởi sốt; tổn thương da có thể phẳng hoặc hơi nổi, chứa dung dịch trong hoặc hơi vàng, và sau đó có thể đóng vảy, khô và rụng vảy. Số lượng tổn thương da trên một người có thể dao động từ một vài cho đến vài nghìn nốt. Ban của bệnh đậu mùa khỉ có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân; các tổn thương này cũng có thể gặp ở miệng, bộ phận sinh dục và mắt.

Theo Bộ Y tế, các triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ có triệu chứng điển hình thường kéo dài từ 2 - 4 tuần và tự biến mất mà không cần điều trị. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và thậm chí tử vong.

Với trẻ sơ sinh, trẻ em và người có bệnh nền là suy giảm miễn dịch có thể có nguy cơ gặp triệu chứng nghiêm trọng hơn và có nguy cơ tử vong do bệnh đậu mùa khỉ. Các biến chứng nặng bệnh nhân mắc đậu mùa bao gồm: Nhiễm trùng da, viêm phổi, lú lẫn, và nhiễm trùng mắt có thể dẫn đến mất thị giác.

Bộ Y tế khuyến cáo 6 biện pháp phòng bệnh 

Để chủ động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ ở nước ta, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

- Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

- Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.

- Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

- Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

Từ ngày 1/1/2022 đến ngày 23/7/2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Trong đó, có 5 trường hợp tử vong tại 75 quốc gia ở tất cả 6 khu vực của WHO. Ở Mỹ và châu Âu, phần lớn các ca lây nhiễm xảy ra ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới, mặc dù các quan chức y tế nhấn mạnh bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm loại virus này.

Hiện tại Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, trước bối cảnh nhiều nước châu Âu ghi nhận số ca mắc đậu mùa khỉ tăng nhanh thì nguy cơ bệnh này xâm nhập vào nước ta là rất lớn.

T.H (th)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Những trường hợp dễ mắc, biến chứng nặng và tử vong do đậu mùa khỉ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO