Những ý kiến trái chiều xung quanh đề xuất cửa hàng tiện lợi chỉ phục vụ khách trong phạm vi 500m?

15/07/2022 18:16

PLBĐ - Quy định đối tượng phục vụ chủ yếu của cửa hàng tiện lợi là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về dự thảo thông tư phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại, trong đó có mô hình siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng outlet, cửa hàng tiện lợi... Đây đều là những mô hình đã hoạt động từ lâu tại Việt Nam.

Dự thảo đưa ra một số quy định về phân loại, quản lý hạ tầng thương mại để lấy ý kiến. Bao gồm siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng outlet, trung tâm outlet. Trong đó, yêu cầu hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại phải có địa điểm kinh doanh phù hợp với quy hoạch và có quy mô, có cách thức và trình độ tổ chức kinh doanh đáp ứng các tiêu chí cơ bản.

Với loại hình cửa hàng tiện lợi, dự thảo đưa tiêu chí chủ yếu phục vụ khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m; bán theo phương thức tự phục vụ, theo chuỗi; áp dụng công nghệ trong bán hàng, thanh toán. Bên cạnh đó, các cửa hàng tiện lợi được yêu cầu đặt ở vị trí khu dân cư tập trung, khu thương mại dịch vụ, du lịch, nơi tập trung đông người, với diện tích kinh doanh 30 - 200m2; số lượng mặt hàng kinh doanh trong mỗi cửa hàng tiện lợi khoảng 3.000 tên hàng...

Với cửa hàng outlet, tiêu chí cũng đặt tại khu dân cư tập trung, khu thương mại, gần nhà máy hoặc kho của các nhà sản xuất, các cảng hàng không, khu kinh tế, khu phi thuế quan; hoặc nằm trong trung tâm outlet, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch có liên quan. Diện tích kinh doanh từ 50mtrở lên. Trung tâm outlet phải đặt tại khu vực ngoại thành, ngoại thị, gần các địa điểm du lịch nổi tiếng, gần trung tâm các thành phố lớn, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch có liên quan; có diện tích tối thiểu là 7.000m2...

Các cơ sở kinh doanh thương mại không đáp ứng đủ các tiêu chí quy định sẽ không được đặt tên là siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng outlet, trung tâm outlet... Các cơ sở này cũng không được ghi biển hiệu bằng tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài, như supermarket, hypermarket, big mart, big store, shopping center, trade center, plaza...

Những ý kiến trái chiều xung quanh đề xuất cửa hàng tiện lợi chỉ phục vụ khách trong phạm vi 500m? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Những tiêu chí trên đã gây ra nhiều tranh cãi về sự bất hợp lý. Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú chia sẻ trên báo Thanh Niên, đa số các tiêu chí trong dự thảo đưa ra không phù hợp và thiếu khả thi. Chẳng hạn, cửa hàng bán đâu có nhiệm vụ kiểm soát khách vào mua ở đâu, cách vị trí bán hàng bao xa để đưa ra con số 500m định tính vậy. Nếu những con số quy định này chỉ mang tính cơ học, tức để dễ quản lý, kiểm tra theo địa bàn... thì cũng không cần thiết.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một chuyên gia luật cho rằng một số nội dung trong dự thảo còn khá chung chung và không phù hợp, thiếu khả thi. Đơn cử như quy định với cửa hàng tiện lợi là |"chủ yếu bán theo phương thức tự phục vụ, thanh toán tập trung tại quầy thu ngân". Điều này đặt ra câu hỏi liệu nhân viên cửa hàng có được lấy giúp hoặc lựa đồ cho khách hay không?

Hoặc với quy định những đối tượng phục vụ tại cửa hàng tiện lợi chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m, sẽ đặt ra vấn đề giới hạn đối tượng khách hàng trong phạm vi rất hẹp. "Trường hợp cửa hàng tiện lợi bán hàng cho khách từ nơi xa hơn 500m đến mua thì có bị phạt không? Quy định này liệu có giới hạn quyền tiếp cận mua hàng của khách hàng?", vị này đặt câu hỏi.

Bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cũng nhận xét, việc đưa ra quy định phát triển các loại hình hạ tầng thương mại là cần thiết. Nhưng các tiêu chí Bộ Công Thương đang dự thảo, bà Hậu cho rằng, quá chi tiết, thiếu khả thi và không phù hợp với bối cảnh phát triển các loại hình thương mại bán lẻ hiện đại. Hiện, Hiệp hội này đang gửi lấy ý kiến các doanh nghiệp bán lẻ thành viên, và sẽ có góp ý để các quy định này thực tế hơn khi được ban hành.

Trước những ý kiến trái chiều, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cơ quan xây dựng dự thảo đã có một số thông tin phản hồi. Theo đó, cơ quan này cho biết đối với tiêu chí với cửa hàng tiện lợi, trung tâm outlet đã được xây dựng trên cơ sở tham khảo tài liệu của một số nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và điều chỉnh phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Vụ này khẳng định quy định "đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m" tại dự thảo không cấm hay hạn chế đối tượng phục vụ hoặc khách mua của cửa hàng tiện lợi.

"Tiêu chí này nhằm thể hiện tính tiện lợi về khoảng cách cho người mua hàng, đồng thời làm cơ sở cho các địa phương tham khảo trong quá trình xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại", cơ quan này nhấn mạnh.

Bộ Công Thương cho biết đang đôn đốc các đơn vị, địa phương, hiệp hội khẩn trương gửi ý kiến để tiếp tục tổng hợp, hoàn thiện dự thảo. Sau khi hoàn thiện, Bộ sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp phân phối, các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định.

T.H (th)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Những ý kiến trái chiều xung quanh đề xuất cửa hàng tiện lợi chỉ phục vụ khách trong phạm vi 500m?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO