Giáo dục và định hướng nghề nghiệp cho trẻ tự kỷ là chìa khóa giúp các em hòa nhập cộng đồng và cống hiến sức mình cho xã hội - đây cũng chính là mục tiêu phát triển của Trung tâm Giáo dục kỹ năng và hướng nghiệp Hà Nội (HSVC) và phương pháp giáo dục đặc biệt.
Mái ấm dành cho trẻ tự kỷ
Nằm trên con phố Nguyễn Ngọc Nại, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội, Trung tâm giáo dục kỹ năng và hướng nghiệp Hà Nội (HSVC) là một tổ hợp giáo dục dành cho những bạn trẻ tự kỷ có mong muốn được phát triển bản thân theo phương pháp giáo dục toàn diện để tiến tới cuộc sống tự lập.
Trung tâm được thành lập vào ngày 4/2/2021, trực thuộc Công ty TNHH Giáo dục kỹ năng và Hướng nghiệp Hà Nội và là hội viên của Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam. HSVC đón nhận học viên thuộc nhiều lứa tuổi, nhưng chủ yếu ở độ tuổi thiếu niên (từ 10-16 tuổi). Học viên của trung tâm không chỉ là những em nhỏ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ mà còn mắc các bệnh như bại não hay triệu chứng chậm phát triển trí tuệ.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về lý do lựa chọn “Tôi vui khi ở HSVC” là khẩu hiệu của trung tâm, chị Nguyễn Hải Giang - Giám đốc điều hành tại HSVC chia sẻ: “Khi áp dụng phương pháp giáo dục đặc biệt vào quá trình dạy học, trung tâm đã ứng dụng một kỹ thuật mang tên “kỹ thuật hòa mình”, tức là những giáo viên ở đây cần phải bước vào thế giới của các bạn trẻ tự kỷ để nhận được sự tin tưởng từ các bạn”.
Theo chị Giang, khi khoảng cách giữa những con người xa lạ tại HSVC được xóa đi cũng là lúc các bạn học viên thấy “vui” và chính những người hướng dẫn cũng cảm thấy “vui”. Từ niềm vui sẽ ảnh hưởng tới tâm trạng, giúp não tiết ra những hormon hạnh phúc, chỉ khi đó trung tâm mới có thể can thiệp vào hành vi của các bạn, giúp các bạn nói chuyện với nhau và thực hành tốt những kỹ năng được dạy”.
Hành trình hướng nghiệp từ đôi bàn tay
Hành trình hướng nghiệp tại HSVC là hành trình bắt đầu từ đôi bàn tay, từ việc lao động từng chút một để các em hiểu giá trị lao động, nhờ đó các em có thể cải thiện được não bộ và xác định lộ trình nghề nghiệp phù hợp. Bên cạnh việc tham gia các lớp học như: kỹ năng sống, học vẽ, yoga, cảm thụ âm nhạc, HSVC rất chú trọng vào việc rèn luyện cho học viên những kỹ năng sinh hoạt hàng ngày như: gấp chăn, phân loại các loại hạt, rót nước... Những việc đó tuy đơn giản nhưng lại có vai trò quan trọng trong giai đoạn đầu học tính tự lập của trẻ.
Sau khi được giáo dục kỹ năng, các em nhỏ tự kỷ tại HSVC sẽ bắt đầu tham gia quá trình hướng nghiệp. Các em được định hướng làm những sản phẩm thủ công theo nhóm và quá trình làm sản phẩm giống như 1 “công xưởng thu nhỏ”. “Để tạo ra một cuốn sổ, có bạn sẽ gấp giấy, bạn quét keo, bạn ngồi luồn dây khâu, bạn tổ chức sắp xếp quá trình làm sổ… và thầy cô sẽ trợ giúp các bạn hoàn thiện những khâu cuối cùng. Điều này giúp các em rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm và thấy vui khi tương trợ lẫn nhau”, chị Hải Giang chia sẻ thêm.
Bên cạnh đó, nhằm tiếp thêm động lực cho việc đưa các sản phẩm hướng nghiệp tại HSVC ra thị trường, nằm trong hệ sinh thái của Trung tâm Giáo dục kỹ năng và hướng nghiệp Hà Nội còn có cửa hàng cà phê HSVC. Quán cafe nằm tại tầng 1 của trung tâm HSVC, là điểm đến dành cho những ai yêu thích nghệ thuật, sách, văn hóa cà phê cũng như quan tâm tới các hoạt động của trung tâm. Tại quán có trưng bày các tác phẩm của học viên lớp vẽ HSVC. Đồng thời, cửa hàng có bày bán các mặt hàng do học viên HSVC tự tay làm để gây quỹ cho trung tâm.
Dẫu biết hành trình tìm kiếm cơ hội việc làm cho các bạn trẻ tự kỷ còn nhiều khó khăn nhưng với sự định hướng nghề nghiệp từ sớm của trung tâm HSVC cũng như sự quan tâm của xã hội dành cho trẻ tự kỷ, các em sẽ được tiếp thêm phần nào động lực trên con đường trưởng thành từ lao động chân chính.