Bệnh viện Nhi Trung ương đã mất 6 giờ để phẫu thuật nối bàn tay đứt gần rời cho bé gái bị máy dập cốc cán.
Theo đó, bé gái 3 tuổi (Hà Nội) được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương lúc 18 giờ ngày 22/11 với một bên bàn tay phải đã bị đứt gần rời, chỉ còn phần da dập nát ở gan bàn tay (mặt trước bàn tay). Được biết, trước đó, cô bé đã cho bàn tay vào máy dập cốc và bị máy cán.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ nhanh chóng chỉ định phẫu thuật cho bệnh nhi. Theo Thạc sĩ, bác sĩ Phùng Công Sáng, người trực tiếp phẫu thuật cho bé gái, trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ nhận thấy vết thương ở bàn tay của trẻ rất nghiêm trọng. Cụ thể, bàn tay phải của trẻ đã đứt toàn bộ gân, khối xương cổ tay và bó mạch thần kinh quay, trụ và thần kinh giữa, chẻ đôi xương ngón tay cái, đứt toàn bộ gân gấp vùng ống cổ tay.
Để phục hồi bàn tay cho cháu bé, các bác sĩ đã tiến hành kết hợp xương, nối lại bó mạch quay, bó mạch trụ, thần kinh giữa, nối lại hệ thống gân gấp và gân duỗi, tĩnh mạch nông. Đây là một kỹ thuật phức tạp do hệ thống mạch, thần kinh, gân cơ ở bàn tay của trẻ đều nhỏ và bị máy cán dập nát.
Việc nối lại hệ thống gân bị đứt cũng không đơn giản vì bệnh nhi bị đứt toàn bộ gân. Kỹ thuật nối nếu không tốt sẽ dễ làm dính, khiến bàn tay kém chức năng sau này nên đòi hỏi phẫu thuật viên phải có dày dặn kinh nghiệm trong phẫu thuật vi phẫu, bàn tay.
Sau 6 giờ phẫu thuật căng thẳng, bàn tay gần đứt lìa của cô bé đã được nối thành công. Ngay sau phẫu thuật, bàn tay của bệnh nhi đã hồng ấm. Hiện sau 5 ngày kể từ ca mổ, cháu bé có thể nhúc nhích các ngón tay. Tuy nhiên, để bàn tay hoạt động tốt, cháu bé vẫn cần trải qua một khoảng thời gian tập phục hồi chức năng nữa.
Các bác sĩ Chuyên khoa Chỉnh hình nhi, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ, hàng năm, bác sĩ tiếp nhận rất nhiều trường hợp tai nạn trong sinh hoạt như trường hợp của cháu bé 3 tuổi nói trên. Hầu hết các trường hợp đến bệnh viện đều trong tình trạng tổn thương rất nặng nề, phức tạp.
Cách đó không lâu, ngày 5/11, cũng có trường hợp một trẻ cho tay vào dây curoa máy xát gạo và bị dập nát mất đoạn ở vùng cổ bàn tay. Rất may, bệnh nhi đã được các bác sĩ cấp cứu kịp thời và được ra viện 10 ngày sau phẫu thuật.
Để phòng tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra, các bác sĩ khuyến cáo: người lớn rất cần để mắt, trông chừng trẻ nhỏ và giáo dục các em đến các hoạt động vui chơi lành mạnh, an toàn. “Chỉ một phút lơ là của người lớn có thể khiến trẻ phải gánh hậu quả nặng nề suốt đời”, bác sĩ Phùng Công Sáng chia sẻ.
(Theo Nguyễn Liên/Vietnamnet)
https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/suc-khoe-24h/6-gio-phau-thuat-noi-ban-tay-dut-gan-roi-cho-be-gai-3-tuoi-592489.html