Trước đây, rơm rạ bị người dân đốt hoặc vứt đi gây ô nhiễm môi trường, lãng phí. Tuy nhiên, những năm gần dây rơm là nguồn thu nhập khá khi người dân thu gom, cuộn tròn lại bán với giá cao.
Giữa tháng 5/2024, trên cánh đồng ở huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Yên Thành, Diễn Châu (Nghệ An) bà con nông dân vào vụ thu hoạch lúa vụ Xuân. Đây cũng là thời điểm những người làm nghề thu gom rơm tất bật vào vụ.
Thấy được nguồn lợi rơm, Anh Hoàng Văn Quân (người thu mua rơm) cho biết, anh đầu tư gần 1 tỷ đồng để mua máy cuộn rơm. Mỗi ha lúa thu được từ 120 - 150 cuộn rơm. Mỗi cuộn rơm hiện có giá từ 15.000 - 20.000 đồng. Tính ra, mỗi ngày mỗi máy thu về về gần chục triệu đồng.
"Tuy nhiên, trừ đi chi phí cho 3 thợ lái máy, bốc xếp rơm cùng 10 người phụ việc nữa thì tôi chỉ thu về gần 5 triệu đồng. Hơn nữa, làm việc giữa trời nóng bức khiến công việc chúng tôi vất vả bội phần" – anh Quân chia sẻ.
Về quy trình thu gom, máy gặt sau khi thu hoạch lúa sẽ bỏ rơm lại thành từng hàng trên ruộng. Sau một ngày phơi nắng, rơm mới được thu gom, bó thành từng cuộn, mỗi cuộn nặng khoảng 20kg để vận chuyển về nhà dự trữ làm thức ăn cho gia súc hoặc bán cho người có nhu cầu.
Nghệ An là một trong những địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất cả nước với 1,4 triệu ha. Riêng đối với sản xuất lúa, mỗi năm tỉnh này có hơn 180.00ha vụ Xuân và Hè Thu. Bởi vậy, rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch rất lớn. Đây là nguồn phụ phẩm lớn nếu người dân biết tận dụng.