Dù đã lãi khủng nhưng nhiều nông dân ở thủ phủ cà phê Tây Nguyên của Việt Nam vẫn “ém hàng” chưa chịu bán, góp phần khiến cung khan hiếm, đẩy giá loại hạt này trên toàn cầu lập đỉnh lịch sử.
Ông Nguyễn Văn Tạo ở Đắk Mil (Đắk Nông) sáng 26/11 khoe với PV. VietNamNet : “Giá cà phê nhân đã vượt 120.000 đồng/kg nhưng tôi chưa bán”.
Gia đình ông Tạo có 6ha cà phê, sản lượng vụ này ước đạt 27 tấn nhân. Hơn một tuần nay, ông và người làm đã ra rẫy chọn những cây cà phê đã chín thu hoạch trước để chất lượng hạt được đảm bảo. Tầm giữa tháng 12, cà phê chín rộ, lúc đó ông mới bắt tay thu hoạch đồng loạt.
Song, thay vì bán quả tươi hay bán luôn cà phê nhân sau khi phơi sấy như những năm trước, vụ này ông tiếp tục giữ hàng chờ được giá mới bung ra bán. Bởi, tiền chi tiêu sinh hoạt của gia đình 2 năm nay lúc nào cũng rủng rỉnh, không sợ thiếu.
“Nhà tôi có sầu riêng trồng xen canh, vừa qua thu được hơn 1 tỷ đồng. Hồ tiêu năm nay cũng được giá cao, thu hoạch xong có thêm mấy trăm triệu đồng đút túi. Vậy nên, cà phê thu hoạch vụ này tôi giữ lại, chưa vội bán”, ông chia sẻ.
Vụ cà phê năm ngoái, ông Tạo cũng “ém hàng”, đến khi giá vọt lên 128.000 đồng/kg mới xuất bán. Kết quả trúng đậm tiền tỷ.
Theo ông, nông dân ở vùng Tây Nguyên 2 năm trở lại đây khấm khá nhờ cà phê, hồ tiêu, sầu riêng... đều được giá tốt. “Người dân tậu ô tô đi đầy đường, đua nhau xây nhà mới. Tôi được mời đi ăn tân gia liên tục”, ông nói thêm.
Đây cũng là lý do nhiều người chưa vội bán cà phê lúc này, cũng không ký gửi hàng ở đại lý như trước. Thay vào đó, họ tự giữ cà phê trong kho nhà mình chờ đợi giá cao hơn.
Trao đổi với PV. VietNamNet , ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), thừa nhận, giá cà phê nhân tăng lên 125.000 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân lãi khoảng 85.000 đồng/kg nhưng họ vẫn giữ lại hàng.
Tình trạng này khiến nguồn cung cà phê, vốn không được dồi dào nay còn khan hiếm hơn dù đã vào niên vụ thu hoạch mới. Do đó, giá cà phê trong nước và thế giới càng bị đẩy lên cao hơn.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê tăng mạnh, đặc biệt từ ngày 22/11 đến nay. Theo ông Hải, có nhiều nguyên nhân thúc đẩy giá cà phê lập đỉnh lịch sử những ngày gần đây.
Đơn cử, nguồn cung cà phê lớn nhất thế giới là Brazil đã thu hoạch xong từ tháng 7 vừa qua, nhưng sản lượng giảm khá mạnh so với dự đoán ban đầu.
Tương tự, tại Việt Nam sản lượng cà phê niên vụ 2024-2025 được dự đoán sụt giảm đáng kể. Ngoài ra, thời tiết thất thường làm cà phê của nước ta chín muộn, ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu ở thời điểm hiện tại.
Thực tế, trong 15 ngày đầu tháng 11/2024, nước ta chỉ xuất khẩu 20.933 tấn cà phê, giá trị đạt trên 122 triệu USD. Theo đó, sản lượng giảm 44,8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giá trị lại tăng 1,8%.
Hiện, cân bằng về giá giữa bên cung và bên cầu bị chênh lệch mạnh. Người mua đợi giá hạ còn người bán đợi giá tăng. Hai bên chưa tìm được giá chung để tiến hành thương vụ nên nhiều giao dịch bị chững lại. Thậm chí, nhiều thương lái “ém hàng” đợi cà phê lên giá cao hơn mới tung ra thị trường. Khách mua hàng quốc tế thì vẫn còn hàng dự trữ nên chưa vội chốt đơn, vị chủ tịch VICOFA nhấn mạnh.
Trên thị trường thế giới, trong phiên giao dịch gần đây nhất, giá cà phê Arabica tăng lên ngưỡng 6.660 USD/tấn, thiết lập mức đỉnh mới trong 13 năm rưỡi. Giá cà phê Robusta cũng vọt lên 5.110 USD/tấn kỳ hạn giao tháng 1/2025.
Đây là tuần tăng giá thứ ba liên tiếp của cả hai mặt hàng.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cơ sở tại Brazil đã hạ dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2024-2025 của nước này xuống còn 66,4 triệu bao loại 60kg, giảm 3,5 triệu bao. Lý do chính đến từ sự sụt giảm sản lượng cà phê Arabica là do thời tiết khắc nghiệt.
Xuất khẩu cà phê của Brazil niên vụ 2024-2025 cũng được dự báo giảm 5% so với dự đoán trước, xuống còn 44,25 triệu bao, thấp hơn 2,5 triệu bao so với niên vụ trước.
Theo I&M Smith, sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ từ tháng 10/2024 đến tháng 9/2025 dự báo đạt khoảng 169,5 triệu bao, trong khi nhu cầu khoảng 171,5 triệu bao. Với dự báo này, cung - cầu cà phê có khả năng sẽ thâm hụt nhẹ trong niên vụ 2024-2025 và tùy thuộc vào biến động thời tiết.
Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/11, Việt Nam đã xuất khẩu trên 1,17 triệu tấn cà phê, thu về gần 4,7 tỷ USD - mức cao kỷ lục lịch sử.
Lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam trong các tháng cuối năm nay sẽ phục hồi do đã vào vụ thu hoạch niên vụ mới 2024-2025 và nhu cầu cuối năm tăng lên. Tuy nhiên, ông Nguyễn Nam Hải cho rằng xu hướng giá cà phê trong những ngày tới vẫn rất khó dự đoán.