Báo cáo của Euromonitor cho thấy thị trường thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam đạt giá trị 100 triệu USD vào năm 2023, tăng trưởng 20% so với năm 2020.
Trong bối cảnh chuỗi cung ứng lương thực thế giới đang có nhiều chuyển biến tích cực, cùng với lợi thế về điều kiện tự nhiên gắn với định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, các sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam hiện đã có mặt tại trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, thông tin được Hội Lương thực Thực phẩm (LTTP) đưa ra trước thềm Vietfood & Beverage – Propack 2024, lần 28.
Vietfood & Beverage – Propack được biết đến là triển lãm có quy mô lớn nhất ngành thực phẩm. Năm 2024, với sự gia tăng của thị trường, quy mô Vietfood & Beverage – Propack Vietnam tăng 40% so với năm 2023, với hơn 900 doanh nghiệp đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự.
Dù tăng trưởng đáng kể, song có một thách thức lớn là các thị trường nhập khẩu và tiêu thụ hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc… và cả khách hàng trong nước ngày càng gia tăng yêu cầu về tính bền vững đối với sản phẩm trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Người tiêu dùng cũng có nhiều thay đổi hành vi tiêu dùng, đặc biệt là xu hướng nhu cầu tăng cao đối với các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ và xanh hóa trong sản phẩm.
Theo Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xanh tại Việt Nam tăng trưởng trung bình 15% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2023. Có đến 72% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm xanh, cho thấy nhận thức và sự quan tâm ngày càng tăng của người dân đối với vấn đề bảo vệ môi trường. Điều này được thể hiện qua mức độ phổ biến của các sản phẩm xanh thuộc các ngành hàng khác nhau.
Báo cáo của Euromonitor cho thấy thị trường thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam đạt giá trị 100 triệu USD vào năm 2023, tăng trưởng 20% so với năm 2020. Theo đó, phát triển theo hướng hữu cơ, bền vững là con đường bắt buột mọi doanh nghiệp phải đi qua. Dù vậy, con đường đó không hề dễ dàng.
Với quy mô đất đai manh mún và nguồn vốn nhỏ bé, trình độ chuyên môn kỹ thuật hạn chế, các hộ sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp của Việt Nam chưa có điều kiện và năng lực để ứng dụng công nghệ cao.
“Chỉ khoảng 1 - 2% doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp và trong số đó chỉ khoảng dưới 50 doanh nghiệp được công nhận là “doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao”, khoảng dưới 300 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (chưa tới 3% tổng số doanh nghiệp nông nghiệp)”, ông Đặng Kim Sơn, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ chỉ ra.
Dưới góc nhìn người trong cuộc, nói về về 2 thách thức lớn nhất hiện nay để thực hiện nuôi trồng theo hướng bền vững, ThS. Nguyễn Văn Ngà - Phó Tổng Giám đốc CTCP Mebi Farm cho biết chính là công nghệ và vốn đầu tư. Vị này dẫn chứng từ một số báo cáo khoa học, hao hụt sau thu hoạch ở nước ta ước chừng khoảng 30 – 35% sản lượng. Nếu có công nghệ thì hiệu quả sẽ mặc nhiên gia tăng sản lượng trên một suất đầu tư, mà không phải tăng chi phí sử dụng nguồn tài nguyên.
Để hỗ trợ doanh nghiệp thu hút được dòng vốn, nhiều chính sách ưu đãi được đưa ra. Đáng chú ý là dự thảo hình thành được các chuỗi giá trị, gắn kết thành những hệ sinh thái của các doanh nghiệp đầu tàu chịu trách nhiệm chế biến nâng cao giá trị nông sản, đưa hàng hóa ra thị trường; gắn bó xung quanh hạt nhân này là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương cung cấp vật tư đầu vào, cung cấp dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh...
Hơn hết, bản thân doanh nghiệp cũng phải ý thức việc phát triển bền vững, gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. Lấy ví dụ từ Phúc Sinh – doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu và hiện nay là cà phê Việt ra thế giới. Chọn khởi nghiệp với nông sản, từ một công ty tư nhân có số vốn ít ỏi, Phúc Sinh hiện đã trở thành doanh nghiệp xuất khẩu lớn với doanh thu năm 2023 ước 6.500 tỷ đồng. Tính đến hiện tại, Phúc Sinh cũng là doanh nghiệp nông nghiệp đầu tiên tại Việt Nam được một Quỹ đầu tư châu Âu định giá 320 triệu USD và rót vốn trực tiếp.
“Tôi nhìn thấy tiền bạc, vàng ròng từ nông nghiệp”, đại diện là ông Phan Minh Thông chia sẻ mới đây. Ông cho biết, khi làn nông nghiệp, điều đầu tiên Phúc Sinh nghĩ tới là phát triển bền vững.
Năm 2008, khi đó chỉ mới xuất khẩu tiêu, Công ty đã bắt tay xây nhà máy tiệt trùng. Ở thời điểm đó, tiêu tiệt trùng mới có ở châu Âu, dùng trong xúc xích, thịt nguội, salami…
Kết quả ngay trong năm 2009, khi sang Hà Lan gặp đối tác, ông Thông cho biết đến 90% sản phẩm tiêu tiệt trùng được cung ứng cho một nhà phân phối sở hữu thị phần rất lớn ở châu Âu. Nhà phân phối này yêu cầu phải có chứng nhận RA (Rainforest Alliance), tức là Tiêu chuẩn Nông nghiệp bền vững.
Đến nay, Công ty đang phát triển tương tự với sản phẩm cà phê và thương hiệu K Coffee. Chính điều này giúp Phúc Sinh “không bị lung lay” bởi những yêu cầu mới từ châu Âu mà nếu không đáp ứng sẽ không mua cà phê từ Việt Nam nữa.