Nóng tuần qua: Đồng tiền Việt Nam đã mất giá bao nhiêu thời gian qua?

26/05/2024 16:35

Thời gian gần đây, tỉ giá chịu nhiều áp lực do cả yếu tố kinh tế cũng như một số tin đồn gây ảnh hưởng tới tâm lý, kỳ vọng thị trường.

Đồng tiền Việt Nam đã mất giá bao nhiêu?

Theo ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), từ đầu năm 2024 đến nay, VND giảm giá khoảng 5% so với USD, tương tự xu hướng mất giá của các đồng tiền trong khu vực: Đô-la Đài Loan (-5,06%); Baht Thái (-6,31%); Won Hàn Quốc (-5,66%); Yên Nhật (-10,87%); Rupiah Indonesia (-3,87%); Peso Philippines (-4,82%); Nhân dân tệ (-2,04%).

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho rằng tất cả các khó khăn, thách thức nêu trên của thị trường ngoại tệ trong nước chỉ là ngắn hạn, vì trong thời gian tới với đà phục hồi khả quan của xuất khẩu thì nguồn cung ngoại tệ của thị trường sẽ được hỗ trợ gia tăng, trong khi doanh nghiệp vừa qua tăng mạnh mua ngoại tệ kỳ hạn là yếu tố làm giảm bớt nhu cầu ngoại tệ trong tương lai, qua đó cân đối cung - cầu ngoại tệ có nhiều khả năng được cải thiện tích cực hơn tới đây.

Theo ông Phạm Chí Quang, thời gian qua NHNN đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các giải pháp, công cụ chính sách tiền tệ theo sát diễn biến thị trường.

Mức giảm giá của VND thời gian qua có thể nhận định là mức trung bình so với các đồng tiền khác trong khu vực và trên thế giới.

Lãi suất tăng, tiền vẫn chưa trở lại ngân hàng

Lãi suất huy động đã tăng trở lại từ tháng 3, mức cao nhất 6,2%/năm dành cho kỳ hạn dài. Xu hướng tăng vẫn chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân, trong khi nhóm 4 ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối (Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank) vẫn áp dụng biểu lãi suất huy động ở mức thấp lịch sử.

Tiền nhàn rỗi bắt đầu tìm hướng ra các kênh đầu tư tích lũy khác như bất động sản, vàng, chứng khoán... Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, đến 25/3, huy động vốn (từ dân cư và tổ chức) của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với đầu năm, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng gần 1,2%. Thêm vào đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân bốn tháng đầu năm 2024 tăng 3,93% so với cùng kỳ năm trước cho thấy, gửi tiết kiệm khó hấp dẫn.

 “Hiện nay, lãi suất tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn 12 tháng bình quân của nhiều ngân hàng chỉ còn 4,5 - 5%/năm. Trong khi đó, Việt Nam đặt mục tiêu lạm phát trong năm 2024 từ 4 - 4,5%. Vì thế người gửi tiền tiết kiệm có khi nhận được lãi suất thực dương rất thấp nếu như lạm phát không được kiềm chế tốt”, nhóm chuyên gia Chứng khoán Rồng Việt nhận định.

Vì sao ông Đặng Tất Thắng bị Cơ quan An ninh điều tra truy tìm?

Ngày 23/5, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã phát đi thông báo cho biết đang kiểm tra, xác minh tin báo của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Thương Tín (Sacombank) về dấu hiệu tội phạm do "Đặng Tất Thắng lợi dụng quyền tự do, dân chủ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo quyết định phân công của Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra về giải quyết nguồn tin tội phạm.

Trong quá kiểm tra, xác minh bước đầu, Cơ quan An ninh điều tra xác định ông Đặng Tất Thắng (SN 1981) không có mặt tại nơi cư trú và không biết đang ở đâu.

Ông Đặng Tất Thắng

Ông Đặng Tất Thắng

Để phục vụ công tác kiểm tra, xác minh, ngày 22-5, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ban hành Quyết định truy tìm đối với ông Đặng Tất Thắng.

Trước đó, vào ngày 1-4, tài khoản mạng xã hội facebook mang tên "Thang Dang" được cho là của ông Đặng Tất Thắng đăng tin ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank, bị cấm xuất cảnh vì tham gia rửa tiền cho bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty Vạn Thịnh Phát và một số thông tin khác.

Tin đồn này nhanh chóng lan truyền khiến cho thị trường chứng khoản trải qua một cơn sóng gió, giá cổ phiếu STB của Sacombank giảm kịch sàn.

Phía Sacombank ngay sau đó đã có văn bản gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an, Bộ thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí khẳng định những thông tin trên là hoàn toàn bịa đặt, vu khống để bôi xấu lãnh đạo Sacombank và đề nghị các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Hà Nội: Hơn 1.000 nhà ở nhiều phòng cho thuê trọ ở quận Cầu Giấy

Thông tin từ UBND quận Cầu Giấy cho biết, quận Cầu Giấy có 45 chung cư mini. Đây là những căn hộ có diện tích sàn tối thiểu 30m2/phòng trở lên, có công tơ điện tới từng hộ gia đình, vệ sinh khép kín. Đồng thời, phải đáp ứng được những quy định về nhà ở chung cư tại Điều 70, Luật Nhà ở 2014.

Ngoài ra, trên địa bàn quận có hơn 1.000 nhà ở nhiều phòng, trong đó phần lớn kinh doanh thuê trọ, dịch vụ lưu trú.

Đáng chú ý, Quận Cầu Giấy là một trong những địa bàn “nóng” về trật tự xây dựng. Báo cáo của Sở Xây dựng cho thấy, trong năm 2023, địa bàn quận Cầu Giấy có 433 công trình xây dựng sai phép. Sở Xây dựng cũng đề xuất TP Hà Nội xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ khi để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nóng tuần qua: Đồng tiền Việt Nam đã mất giá bao nhiêu thời gian qua?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO